Rau ngót là loại rau ngon, bổ dưỡng nên được lựa chọn nhiều trong các bữa ăn gia đình. Nhưng theo kết quả khảo sát mới đây của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thì rau ngót là một trong những loại rau chứa nhiều tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật cao và có nguy cơ gây ngộ độc. Mới đây nhất, thông tin 48 công nhân ở Nam Định đã phải nhập viện do ngộ độc rau ngót, khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang, lo lắng.
Nhập viện do món canh rau ngót
Trưa 6/10, sau bữa ăn trưa 48 công nhân tại Công ty TNHH Youngor Smart Shirts (Nam Định) bị chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, đau bụng phải chuyển tới Bệnh xá Quân y (thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nam Định) để điều trị. Đến 18 giờ cùng ngày, tất cả công nhân được xuất viện, sức khỏe ổn định.
Nên chọn rau ngót lá mỏng, cứng, nấu canh nước màu xanh nhạt để phòng ngộ độc.
Qua xét nghiệm các mẫu thức ăn trong bữa ăn xảy ra sự việc cho thấy, trong thực phẩm không có vi khuẩn gây bệnh đường ruột nhưng trong canh rau ngót nấu thịt có hóa chất bảo vệ thực vật thuộc nhóm lân hữu cơ. Chính hóa chất này đã gây ra các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân như chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, đau bụng.
Cách chọn rau ngót sạch, an toàn
Để rau ngót sinh trưởng tốt, đồng thời rút ngắn thời gian thu hoạch, nhiều người trồng đã phun thuốc trừ sâu, thuốc kích thích cho rau. Đấy là chưa kể, nhiều nguồn đất trồng, nước tưới rau ngót bị ô nhiễm nặng. Chính vì vậy, người tiêu dùng cần phải biết cách nhận biết và lựa chọn rau ngót sạch, đảm bảo an toàn để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và các thành viên trong gia đình.
Lá rau ngót: Nên chọn rau ngót có lá mỏng nhưng cứng. Tuyệt đối không nên mua lá rau ngót dày mềm, hoặc lá xoăn lại, bất thường.
Màu sắc: Tránh mua rau có màu xanh sẫm, lá quá non, không có lá nào bị sâu đục lá.
Màu nước rau ngót: Với rau ngót tươi ngon, khi nấu canh, màu nước xanh nhạt và trong, không có màu sắc bất thường. Nếu nước canh rau ngót trở thành màu đen hoặc bị vẩn đục, có nhiều nhớt, nổi váng xung quanh thành nồi thì tuyệt đối không nên ăn vì đó là rau ngót dư thuốc trừ sâu.
Mùi vị: Khi chế biến, nếu có vị ngai ngái, quá nồng xen lẫn mùi hắc thì đấy là rau ngót đã bị nhiễm chất độc hại, tuyệt đối không được sử dụng.
Mùa rau ngót thường bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 3 của năm sau. Để mua được rau ngót an toàn, nên mua rau đúng mùa, tránh mua trái vụ. Rau ngót cần rửa sạch nhiều lần nước, ngâm nước muối khoảng 15 - 20 phút để hạn chế chất độc hại rồi mới chế biến như bình thường. Nên đun nấu kỹ để hạn chế những tác động của lá rau ngót có chứa chất độc hại.