Ở Singapore, sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên đang là tâm điểm chú ý, vì ngày càng nhiều người nhận thức về ảnh hưởng đại dịch gây ra với những người trẻ.
Nghiên cứu của Đại học Quốc gia Singapore cho thấy một trong 3 thanh thiếu niên từ 11 đến 18 tuổi trải qua sự buồn bã, lo lắng và cô đơn. Trong khi một cuộc khảo sát của Viện nghiên cứu Chính sách công bố vào tháng 7 cho biết người tham gia từ 21 đến 29 tuổi nói sức khỏe tâm thần suy giảm dần.
Để đánh giá tình trạng sức khỏe tâm thần của người trẻ tuổi ở Singapore, ngày 27/9, Viện Sức khỏe Tâm thần thông báo sẽ tiến hành nghiên cứu toàn quốc trên các cá nhân từ 15 đến 35 tuổi.
Điều này là cấp thiết trong bối cảnh có nhiều tin tức đáng lo ngại về việc thanh thiếu niên đánh nhau hoặc đe dọa giáo viên. Mặc dù hơi khó để đưa ra kết luận về sức khỏe tâm thần của người trẻ dựa trên những sự cố hy hữu, nhưng nhiều người băn khoăn có cách nào để hỗ trợ việc quản lý cảm xúc của người trẻ không, bên cạnh việc cắt giảm những môn học.
Tất cả chúng ta đều muốn con mình lớn lên hạnh phúc, khỏe mạnh và kiên cường trong bối cảnh các vấn đề sức khỏe tâm thần đang gia tăng. Nhưng chính xác thì chúng ta nên làm gì? Có lẽ câu trả lời nằm ở việc phát triển trí tuệ cảm xúc cho con.
Cách bố mẹ giáo dục ảnh hưởng đến cảm xúc của con
Tin tốt là cách giáo dục của bố mẹ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển cảm xúc ở trẻ em và thanh thiếu niên. Diana Baumrind, nhà tâm lý học người Mỹ, xác định 3 kiểu nuôi dạy con cái: Uy quyền, độc đoán và dễ dãi. Eleanor Maccoby và John Martin, nhà nghiên cứu của Stanford, sau đó bổ sung thêm kiểu thứ 4 là cách dạy lơ là.
Thanh thiếu niên coi bố mẹ là người có uy quyền có xu hướng sở hữu kỹ năng xã hội tốt hơn và thể hiện mức độ đồng cảm cao hơn. Cách giáo dục này nhấn mạnh vào sự kết hợp giữa mức độ kiểm soát cao và mức độ thể hiện tình cảm cao của bố mẹ. Những bậc cha mẹ như vậy thường kết nối với con cái rất tốt. Họ cũng cho phép con tự chủ với mức độ phù hợp với lứa tuổi, khuyến khích trẻ tự lựa chọn giá trị và mục tiêu.
Ngược lại, việc nuôi dạy dễ dãi khiến trẻ có trí tuệ cảm xúc thấp hơn. Nghiên cứu gợi ý rằng việc nuôi dạy dễ dãi sẽ hạn chế số lượng trải nghiệm cảm xúc mang tính thách thức với trẻ em. Điều này cũng ảnh hưởng đến vai trò của bố mẹ khi hỗ trợ con phát triển cảm xúc.
June Yong, Trưởng bộ phận Tầm nhìn tại Focus on the Family Singapore có 3 đứa con và cô thường phải đóng vai trọng tài khi những đứa trẻ cãi nhau.
Nhưng thay vì tìm ra ai là người đáng trách, cô và chồng tập trung vào việc giúp con thể hiện cảm xúc bằng cách đặt những câu hỏi như: “Con cảm thấy thế nào khi anh trai mình làm điều này? Con nghĩ điều gì đã khiến anh ấy bị đả kích như vậy?". Đôi vợ chồng cũng dạy chúng cách thoát khỏi tình huống căng thẳng và nâng cao khả năng giải quyết vấn đề.
Tạo ra không gian an toàn cho con
Điều này nói thì dễ hơn làm. Khi thấy nhiều cảm xúc lộn xộn và không rõ ràng của con cái, chúng ta theo bản năng sẽ muốn con cái dừng lại và im lặng đi.
Nhưng các bậc cha mẹ với cách nuôi dạy theo kiểu uy quyền sẽ cung cấp một không gian an toàn để trẻ em bày tỏ cảm xúc. Bằng cách đồng cảm và hỗ trợ trẻ, chúng ta đang điều chỉnh cảm xúc của chúng một cách hiệu quả.
Cô June Yong trong một lần giúp con gái làm bài tập tiếng Trung kể lại việc con gái hờn dỗi, phàn nàn và khóc lóc vì bài tập quá khó. Cô chia sẻ: "Nếu tôi hỏi con bé là "Con thực sự không biết nghĩa từ này hả?", tôi có thể khiến con bé bùng nổ cảm xúc dữ dội hơn. Thay vào đó, tôi giúp đỡ nó về mặt tinh thần bằng việc nói: “Ừ, mẹ biết việc này không hề dễ dàng với con”. Bậc cha mẹ cũng có thể an ủi và giúp con bình tĩnh trong hoàn cảnh này".
Nhiều người cảm thấy khó chịu khi thấy con cái loay hoay với bài tập về nhà nhưng chúng ta cần phải luyện tập để học cách quản lý những cảm xúc khó chịu này.
Tập trung vào bản thân trước
Luôn giáo dục con cái theo phong cách uy quyền có thể là một thách thức, đặc biệt khi bố mẹ nhìn vào kết quả học tập của con.
Trong suy nghĩ, chúng ta biết việc cho phép con cái tự chủ ở một mức độ nào đó, như quyết định học môn nào, ôn tập cho các kỳ thi như thế nào là điều nên làm. Nhưng nhiều người không tin tưởng con cái lắm và khi chúng mắc lỗi, bố mẹ bắt đầu hối tiếc vì đã không ép con sớm hơn.
Trong những tình huống như vậy, trước tiên chúng ta cần phải xử lý cảm xúc của chính mình trước khi chúng ta có thể giúp con mình.
Dạy con quản lý cảm xúc mỗi ngày
Khi con mắc lỗi, chúng ta thường rất bực tức. Đôi khi, chúng ta thậm chí đổ lỗi cho người khác hoặc các yếu tố khác, thay vì giúp con cái chúng ta gánh vác trách nhiệm.
Nhưng nếu chúng ta ngồi xuống và trò chuyện để giúp con hiểu được những yếu tố gây ra cảm xúc đó và cách quản lý cảm xúc, thì đứa trẻ sẽ phát triển trí tuệ cảm xúc rất tốt. Trẻ sẽ tự kết nối được những cảm xúc và suy nghĩ bên trong với biểu hiện bên ngoài.
Một nhà trị liệu đã từng nói với cô June Yong: "Giúp con cái hiểu được cảm xúc của chúng chính là đưa cho chúng chìa khóa để kiểm soát hành vi".
Vì vậy, hãy thoải mái chia sẻ với con những cảm xúc hỗn loạn chính chúng ta trải qua trong cuộc sống hàng ngày, thay vì phớt lờ trẻ.