Sợ gió, sợ nước, sợ nằm điều hòa... Nuôi con nhỏ là các mẹ sợ đủ thứ!
Nhiệt độ Hà Nội và các tỉnh miền Bắc những ngày này đang ở ngưỡng cao, lên tới 35 - 37 độ C. Nhiệt độ cao, trời nắng nóng nên các gia đình có trẻ nhỏ vô cùng băn khoăn không biết có nên cho trẻ ở trong phòng điều hòa cả ngày đêm hay không, lo sợ con nằm điều hòa nhiều dễ bị ốm.
"Chắc tại hôm trước nóng quá em bật điều hòa cho bé ngủ nên hôm nay bé mới bị ho đúng không bác sĩ?", đó là câu hỏi mà bác sĩ Nguyễn Hữu Thảo (Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc) nhận được từ một mẹ bỉm sữa khi đưa con đi khám và con được chẩn đoán bị viêm họng do virus.
Bác sĩ Thảo cho biết, trong quá trình khám cho các bệnh nhi, bác sĩ nhận thấy có quá nhiều nỗi lo lắng vu vơ của các bà mẹ có con bị ốm như sợ gió, sợ tắm, sợ cho con nằm điều hòa, sợ ăn tanh con ho thêm....
Ngoài ra, vấn đề quan tâm khác của các mẹ có con nhỏ là nên để điều hòa bao nhiêu độ thì hợp lý? Về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Hữu Thảo giải thích:
"Đầu tiên cần hiểu nhiệt độ phòng nghĩa là nhiệt độ mà nơi bé nằm ngủ chứ không phải nhiệt độ cài đặt trên máy điều hòa. Để biết được nhiệt độ đó thì nên mua 1 chiếc nhiệt kế gắn tường hoặc nhiệt kế điện tử đo trán có cả chức năng đo nhiệt độ phòng. Nhiều người nhầm là cài nhiệt độ trên máy lạnh 20 độ nghĩa là nhiệt độ phòng cũng 20 độ. Nó phụ thuộc vào diện tích phòng, công suất máy lạnh và bạn có để luồng gió từ điều hòa thổi trực tiếp xuống vị trí nằm hay không".
Các bố mẹ nuôi con nhỏ cũng cần lưu ý rằng hơi lạnh của điều hòa tỏa ra khỏi máy luôn nhỏ hơn nhiệt độ mà chúng ta cài đặt hiển thị trên điều khiển hoặc trên điều hòa. Vì vậy, "không nên để luồng gió từ điều hòa thổi trực tiếp xuống nơi bé nằm", bác sĩ Thảo khuyến cáo. Các điều hòa hiện nay luôn có cảm ứng nhiệt nên sẽ tự ngắt khi nhiệt độ phòng đạt mức cài đặt.
Lý giải kĩ hơn về việc có nên cho trẻ nằm điều hòa hay không, bác sĩ Nguyễn Hữu Thảo cho biết: "Cơ thể trẻ luôn nóng hơn người lớn vì trẻ chuyển hóa nhiệt nhiều hơn để phát triển nên nhịp tim nhanh hơn, nhịp thở cũng nhanh hơn. Vì vậy trẻ luôn cảm thấy nóng hơn người lớn.
Thời tiết ngoài bắc mùa đông lạnh có khi hơn chục độ đắp chăn bông vẫn ngủ ngon đấy thôi. Mấy em bé trên Sa Pa vẫn cái áo mỏng manh ngủ ngon lành vì chúng đã quen nền nhiệt đó từ lâu, đó là sự thích nghi với môi trường".
Cách dùng điều hòa an toàn cho trẻ nhỏ
Từ những phân tích trên, bác sĩ Nguyễn Hữu Thảo khuyên các bố mẹ cách sử dụng điều hòa an toàn cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ như sau:
- Để cơ thể không phải thay đổi nhiều để thích nghi thì không nên để nhiệt độ phòng chênh với nhiệt độ môi trường trong ngày quá 10 độ C. Ví dụ nhiệt độ bên ngoài là 35 độ thì không nên để nhiệt độ phòng ngủ thấp hơn 25 độ. Điều hòa cũng sẽ hoạt động tiết kiệm điện nhất".
- Riêng với trẻ sơ sinh (nhỏ hơn 1 tháng), để không bị hạ thân nhiệt thì không nên để nhiệt độ phòng thấp hơn 28 độ C. Trẻ lớn có thể để nhiệt độ phòng thấp hơn 25 độ hoặc thấp hơn nữa nhưng nên để con ngủ cùng 1 chiếc chăn, khi cần thì đắp thêm. Kiểm tra đầu và lưng nếu trẻ ra mồ hôi là đang bị nóng, lúc ấy nên để nhiệt độ thấp hơn.
- Bật quạt cũng không nên quạt trực tiếp liên tục vào người trẻ, nên để chếch hoặc quay đi quay lại.
- Nhiệt độ thấp nên độ ẩm cũng thấp theo, vì vậy ngồi trong phòng điều hòa lâu ta thấy (khô). Nên để thêm một máy phun sương để tạo độ ẩm khoảng 50% - 60%.
- Ngoài ra, bố mẹ nên nhớ vệ sinh màng lọc bụi của điều hòa thường xuyên để tránh bụi bẩn phát tán.
"Trẻ hoàn toàn có thể nằm ngủ phòng bật điều hòa mà không lo ốm. Nếu trẻ có ốm cũng do nguyên nhân khác thôi, không phải do nằm điều hòa", bác sĩ Nguyễn Hữu Thảo cho biết.