Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, những ngày này, Hà Nội đang trong đợt nắng nóng gay gắt với mức nền nhiệt cao từ 37 – 39 độ C, thậm chí có nơi hơn 40 độ C. Thời tiết nắng nóng như thế này rất dễ khiến mọi người bị say nắng nếu không biết cách hạ nhiệt cho cơ thể hiệu quả.
Ngoài việc mặc áo chống nắng khi ra ngoài trời và uống nhiều nước ra, dược sĩ Janky Raja - công tác tại công ty dược phẩm Boots chuyên cung cấp dược phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp tại Vương quốc Anh, còn chia sẻ thêm một số cách để bạn chống nóng cho cơ thể một cách hiệu quả. Cụ thể là bạn nên:
1. Lắng nghe cơ thể của mình
Dược sĩ Janky Raja cho biết: "Nếu bạn cảm thấy không khỏe với các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, đổ mồ hôi quá nhiều hoặc tim đập nhanh thì có thể bạn đã bị kiệt sức vì nóng. Và nếu không được điều trị kịp thời, kiệt sức vì nóng có thể biến thành say nắng hoặc gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác".
Điều bạn cần làm khi cảm thấy mệt là hãy di chuyển đến nơi mát mẻ, nằm xuống và uống nhiều nước. Sau 30 phút mà tình trạng vẫn không cải thiện, bạn nên gọi xe cấp cứu để được đưa đến bệnh viện theo dõi.
2. Mở tất cả cửa sổ cho thoáng khí nhưng kéo rèm lại để che nắng
Dược sĩ Janky nói rằng dù thời tiết nóng bạn cũng vẫn hãy mở tất cả các cửa sổ có thể mở ra, và nếu ánh nắng chiếu vào phòng, bạn nên kéo rèm che lại, chứ không đóng cửa sổ. Điều này giúp bạn vừa giữ được sự thông thoáng, vừa giữ cho nhiệt độ phòng không lên cao. Lưu ý, bạn nên đầu tư loại rèm chống nắng để hiệu quả giữ nhiệt được tốt nhất.
3. Đặt một chậu nước hoặc một khay nước đá trước quạt
Quạt không phải là "vị cứu tinh" hữu ích giúp bạn mát mẻ trong những ngày oi nồng. Vì quạt điện hầu hết chỉ đẩy không khí nóng đi xung quanh phòng, điều này sẽ không làm cho bạn được mát hơn.
Tuy nhiên, theo dược sĩ Janky nếu bạn đặt một chậu nước hoặc một khay nước đá trước quạt thì nó sẽ giúp cho căn phòng của bạn trở nên mát mẻ hơn.
4. Ở trong bóng râm trong giờ cao điểm của nắng nóng
Theo các chuyên gia, thời gian đỉnh điểm của nắng gắt là từ 11 giờ trưa đến 3 giờ chiều. Do đó, trong khoảng thời gian này tốt nhất bạn không nên ra khỏi nhà. Nếu có việc bắt buộc phải ra ngoài, bạn nên che chắn cơ thể cẩn thận, bôi kem chống nắng và bất cứ khi nào có thể, hãy chọn nơi có nhiều bóng râm để nghỉ ngơi.
5. Thay đổi chế độ ăn
Dược sĩ Janky tiết lộ cơ thể của bạn sẽ nóng lên nếu nó phải hoạt động để tiêu thụ nhiều lượng thức ăn cùng một lúc. Vì vậy, để tránh nóng, bạn nên ăn những phần ăn nhỏ, đặc biệt bạn nên ăn nhiều rau như rau diếp, cần tây, dưa chuột – đây là những thức ăn chứa hàm lượng nước cao giúp bạn bớt nóng.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên hạn chế ăn thịt vì cơ thể cần sử dụng năng lượng để phá vỡ nó, từ đó bạn cũng sẽ cảm thấy nóng hơn.
6. Lựa chọn quần áo cotton thoáng nhẹ
Bạn nên lựa chọn những bộ đồ ngắn, rộng rãi, thoáng mát bằng chất liệu cotton để giúp bạn mát mẻ trong những ngày nắng nóng gay gắt. Bạn cũng nên lựa chọn quần áo sáng màu vì nó có nhiều khả năng phản xạ bức xạ của mặt trời.
7. Uống nhiều nước
Trời nóng nên bạn rất dễ bị đổ mồ hôi khiến cho cơ thể dễ bị mất nước rơi vào kiệt sức vì nóng và say nắng. Thế nên, bạn hãy uống nhiều ly nước mát trong ngày, và bạn nên tránh uống trà và cà phê vì cafeine sẽ làm bạn bị mất nước.
8. Rửa tay chân thường xuyên
Dược sĩ Janky chia sẻ thêm về một phương thức hạ nhiệt nhanh mà hiệu quả là bạn hãy rửa cổ tay và bàn chân của bạn bằng nước mát thường xuyên. Bạn có thể nhúng chân trong thùng đá hoặc đặt một túi rau đông lạnh lên cổ tay trong vài phút, nó sẽ giúp bạn cảm thấy mát mẻ dễ chịu.
Nguồn: The Sun