Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Cách giúp hoá đơn tiền điện không tăng “đột biến” vào các tháng cao điểm nắng nóng mùa hè

Chủ động kiểm soát lượng điện tiêu thụ bằng các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, một số mẹo hữu ích giúp gia đình bạn vẫn có thể tận hưởng không khí mát lạnh từ điều hòa cùng các thiết bị điện khác mà hóa đơn tiền không tăng “đột biến”.

Ngoài việc sử dụng đúng cách, người dân nên hình thành thói quen lựa chọn sử dụng các thiết bị điện có chỉ số hiệu suất cao và đánh giá độ tiết kiệm năng lượng. (Ảnh minh hoạ)

Ngoài việc sử dụng đúng cách, người dân nên hình thành thói quen lựa chọn sử dụng các thiết bị điện có chỉ số hiệu suất cao và đánh giá độ tiết kiệm năng lượng. (Ảnh minh hoạ)

Bước vào những tháng cao điểm nắng nóng mùa hè, không ít gia đình đã phải cắt giảm các khoản chi tiêu khác để bù vào hoá đơn tiền điện tăng cao. Thời tiết nắng nóng khiến các gia đình phải sử dụng nhiều thiết bị làm mát, do vậy lượng điện tiêu thụ công suất cao tăng, chi phí tiền điện cũng vì thế mà tăng.

Để tiết kiệm điện, theo báo Sức khoẻ và Đời sống, Tổng công ty điện lực Hà Nội (EVNHANOI) khuyến cáo người dân cần chủ động kiểm soát lượng điện tiêu thụ bằng các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả tránh chi phí hóa đơn tiền điện tăng cao vào thời gian cao điểm nắng nóng.

Theo đó, một số mẹo giúp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, không làm hóa đơn tiền điện tăng cao vào những lúc cao điểm nắng nóng đồng thời tăng tuổi thọ thiết bị điện rất hay giúp các hộ gia đình tiết kiệm đáng kể chi phí.

Một trường hợp điển hình được EVNHANOI chia sẻ là hộ gia đình bà Nguyễn Thị Mai ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội chủ yếu dùng điện sinh hoạt với chi phí khoảng 800.000 đồng/tháng. Trong đợt nắng nóng vừa qua, các thiết bị điện làm mát được gia đình bà sử dụng thường xuyên, tuy nhiên tiền điện tăng không đáng kể nhờ áp dụng nhiều giải pháp tiết kiệm. 

Bà Mai cho biết: “Những ngày gần đây nắng nóng liên tục, gia đình sử dụng quạt máy, điều hòa nhiệt độ nhiều nhưng để tiết kiệm điện, khi nào đi ngủ, gia đình mới bật điều hòa, đến nửa đêm thì tắt, chuyển sang quạt và ban ngày chủ yếu tận dụng ánh sáng tự nhiên”.

Theo ngành điện, người dân nên hình thành thói quen lựa chọn sử dụng các thiết bị điện có chỉ số hiệu suất cao và đánh giá độ tiết kiệm năng lượng. Sử dụng các thiết bị điện thông minh để tự động tắt khi không sử dụng hoặc khi không có người trong phòng. Sử dụng đèn LED thay thế cho các loại đèn truyền thống khác, tiêu thụ ít điện năng hơn so với đèn huỳnh quang và có tuổi thọ cao hơn.

Ngoài ra, theo tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, những việc làm đơn giản cũng giúp “hạ nhiệt” hóa đơn tiền điện mùa nắng nóng như những thiết bị nhỏ nhưng nếu sử dụng không đúng cách thì lại là nguyên nhân làm tiêu hao nhiều điện năng trong gia đình. Đơn cử, nhiều người có thói quen không rút phích cắm ti vi ra khỏi ổ điện mà chỉ tắt ti vi bằng điều khiển từ xa, hay không rút sạc điện thoại dù đã sạc xong... Tuy điện năng tiêu tốn tại thời điểm đó không cao nhưng xét về lâu về dài, tiền điện phải bỏ ra cũng đáng kể. Vì vậy, cần lưu ý rút nguồn các thiết bị khi không sử dụng.

Bên cạnh đó, để tiết kiệm điện và giảm chi phí tiền điện mùa nắng nóng, người dân nên thực hiện một số biện pháp như: hạn chế sử dụng nhiều thiết bị điện cùng một lúc; sử dụng tủ lạnh đúng cách, bảo đảm nhiệt độ bên trong tủ dao động từ 3 - 6oC, âm 15 - âm 18oC với chế độ đông lạnh; lau hết bụi bẩn, làm sạch các thiết bị điện giúp cải thiện công năng, khiến đèn sáng hơn, quạt thổi mạnh hơn…