Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Cách giúp trẻ sửa tính cáu kỉnh, ăn vạ

Chuyên gia Donna Housman, nhà tâm lý học trẻ em và sáng lập Viện Housman chuyên đào tạo cách nuôi dạy trẻ ở Boston (Mỹ) cho rằng, một trong những lý do khiến trẻ khủng hoảng là chúng không biết phải làm gì khi có những cảm xúc mạnh mẽ. Từ đó ý tưởng về góc tĩnh tâm xuất hiện như một phương pháp giúp trẻ xử lý cảm xúc của chính mình và được chứng minh là hiệu quả hơn biện pháp phạt đứng vào góc nhà.

Góc tĩnh tâm không phải hình thức phạt. Đây là nơi cho trẻ bước đến khi nhận thấy cảm xúc bắt đầu vượt tầm kiểm soát.
 



Trạng thái giận dữ, cáu kỉnh hay ăn vạ của trẻ xuất phát từ việc trẻ không biết phải làm gì khi có những cảm xúc mạnh mẽ. Ảnh: Psych Central.


"Góc tĩnh tâm là khu vực mà một đứa trẻ đang trải qua những cảm xúc dâng trào có thể đi vào để xoa dịu tâm trí, cơ thể và giải phóng cảm xúc một cách an toàn và có kiểm soát", Donna Housman nói.

Góc tĩnh tâm nên là một không gian nhẹ nhàng và mời gọi để trẻ bước vào bất cứ khi nào chúng cần. Cha mẹ giúp trẻ xác định những dấu hiệu cho thấy cảm xúc của chúng đang vượt tầm kiểm soát. Có thể bao gồm nghiến răng, nắm chặt tay, la hét, nhíu mày, ném đồ.

Ngoài ra, trẻ cũng cần tự cân bằng lại khi quá khích. Theo bà Housman, phấn khích quá cũng có thể vượt khỏi tầm kiểm soát như tức giận. Lúc này, trẻ cần góc tĩnh tâm để bình tĩnh hơn.

Một trong những lợi ích lớn nhất của việc sử dụng góc tĩnh tâm là dạy trẻ sự tự tin, độc lập và sáng suốt. Khi đã quen với cách này, trẻ sẽ nhanh chóng nhận ra khi nào chúng cần dành thời gian ở góc tĩnh tâm, từ đó trẻ học được khả năng tự điều chỉnh cảm xúc suốt cuộc đời.

Góc tĩnh tâm có thể đơn giản là một không gian có tấm thảm mềm và một ít sách, hoặc công phu như một pháo đài lạ mắt với các bức tường đầy màu sắc và giỏ đầy đồ chơi. Dù gọi là "góc" nhưng nó không nhất thiết phải ở góc. Điều quan trọng là tìm ra những thứ có thể giúp con bạn bình tâm và tự cân bằng trở lại. Do vậy, vị trí này phải yên tĩnh, tách biệt với tiếng ồn hay hỗn loạn của phần còn lại ngôi nhà.

Các mẹo để thiết lập góc tĩnh tâm hiệu quả:

- Lên kế hoạch cùng trẻ. Lắng nghe kế hoạch của trẻ. Đây là một cách tuyệt vời để đảm bảo không gian hoàn toàn phù hợp với chúng.

- Dạy trẻ cách sử dụng mọi thứ ở đó.

- Hãy kiên trì. Cần sự nhất quán và hướng dẫn cẩn thận, nhẹ nhàng khi sử dụng góc tĩnh tâm. Trẻ sẽ bắt kịp và bắt đầu sử dụng đúng cách.

- Cùng trẻ tạo ra một bộ quy tắc. Điều này sẽ cung cấp cho bé khả năng kiểm soát rất cần thiết.

Góc tĩnh tâm nên là nơi thoải mái khi ngồi hoặc nằm, và có một số hoạt động giúp giảm căng thẳng, giận dữ.

Khi trẻ đã bình tâm lại, bạn nên hỏi trẻ lý do chúng đến góc tĩnh tâm, cảm giác của chúng hiện tại và cho trẻ biết hành vi của trẻ khiến bạn thấy thế nào. Điều này giúp trẻ hiểu những gì đã xảy ra, sắp xếp những cảm xúc và quan trọng nhất là học cách xử lý các tình huống tương tự trong tương lai.

Theo Ánh Dương (Vnexpress.net/Parents)