Tôi có con nhỏ 3 tuổi, mỗi lần sốt virut cháu sốt rất cao. Khoảng cách giữa 2 đợt sốt thường ngắn nên ngoài dùng thuốc tôi còn tắm nước ấm cho bé. Có lần tắm xong, dù tôi đã lau khô rất nhanh nhưng bé vẫn rét run. Tôi có thể dùng cồn y tế để lau hoặc kết hợp 2 loại thuốc là paracetamol và ibuprofen xen kẽ để hạ sốt cho con không?
Lê Quỳnh Hoài(Hà Nội)
Khi trẻ bị sốt, bạn mang con đi tắm dù là tắm ấm thì bé vẫn bị lạnh và rét run. Do toàn thân bé tiếp xúc với một lượng nước lớn, thân nhiệt hạ nhanh, giãn mạch, các lỗ chân lông nở ra... lúc này dễ nhập khí, gió bên ngoài vào nên bé bị lạnh. Bạn cũng không được dùng cồn y tế lau cho bé để hạ sốt. Bởi cồn bay hơi rất nhanh, gây hiện tượng co mạch, nhiệt không thải ra ngoài được khiến bé càng mau sốt trở lại hơn. Nguy hiểm hơn nếu vô ý dùng cồn công nghiệp sẽ khiến bé có thể bị ngộ độc methanol do hít phải hay ngấm qua da. Cách hạ sốt an toàn nhất là chườm mát khoảng 30-35 độ, kết hợp uống nhiều nước để bù lượng nước đã mất do thân nhiệt tăng cao.
Cách lau mát hạ sốt theo 3 giai đoạn của sốt: Giai đoạn 1: cần chườm ấm toàn bộ bề mặt da giúp da giãn mạch, thải nhiệt tốt hơn và rút ngắn giai đoạn này. Giai đoạn 2: chườm ở các vùng mạch máu lớn chạy qua (nách, bẹn) nhằm làm giảm nhiệt độ dòng máu, giúp giảm nhiệt độ trung tâm (giai đoạn này có thể dùng nước khá lạnh). Giai đoạn 3: có thể lau nước mát toàn thân (khoảng 30 độ) nhưng không quá lạnh để tránh co mạch, giữ nhiệt.
Chỉ sử dụng thuốc hạ sốt khi cơ thể từ 38,5 độ trở lên và có thể phối hợp hai loại thuốc, nhưng phải theo chỉ định của bác sĩ. Paracetamol có thời gian bán thải ngắn nên bệnh nhân mau sốt trở lại. Ibuprofen có thời gian bán thải dài nên phối hợp với paracetamol sẽ có hiệu quả hơn. Việc kết hợp thuốc này mặc dù giúp tránh quá liều paracetamol có hại cho gan, nhưng cần lưu ý đến việc tăng nguy cơ xuất huyết khi dùng ibuprofen. Trong các trường hợp sốt chưa rõ nguyên nhân (có thể là sốt xuất huyết mà chưa được chẩn đoán) thì không dùng ibuprofen để hạ sốt.