Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Cách hiệu quả giúp kiểm soát 2 di chứng hậu COVID-19

Trầm cảm và đái tháo đường là 2 căn bệnh thuộc di chứng hậu COVID-19 được ghi nhận trong những nghiên cứu gần đây. Có cách nào để kiểm soát chúng?

Trong thời gian gần đây, thực hành trên lâm sàng và thực tiễn tại cộng đồng đã ghi nhận chứng trầm cảm và đái tháo đường type 2 tăng lên hoặc bệnh đái tháo đường đang mắc trở nặng hơn ở người bệnh sau khi mắc COVID-19.

Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra chính tình trạng viêm toàn thân do COVID-19 gây ra là một trong những nguyên nhân chính gây COVID-19 kéo dài. 

Có nhiều biện pháp đã được khuyến cáo để kiểm soát mức đường huyết và chứng trầm cảm hậu COVID-19, trong đó tập thể dục là một biện pháp hiệu quả và dễ áp dụng cho mọi người.

1. Chỉ cần đi bộ 30 phút/ngày

Nghiên cứu gần đây tại Hoa Kỳ cho thấy, tập thể dục có thể phá vỡ vòng luẩn quẩn của chứng viêm do COVID-19. Nghiên cứu đã được đăng tải trên tạp chí Exercise and Sport Sciences Reviews.

Tiến sĩ Candida Rebello, Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Pennington, Đại học Louisiana Hoa Kỳ, một chuyên gia trong nhóm nghiên cứu cho biết: "Một người có thể không bị bệnh nặng do COVID-19 nhưng sau đó 6 tháng, rất lâu sau khi hết ho hoặc hết sốt, có thể phát triển căn bệnh đái tháo đường type 2".

Đái tháo đường có thể phát triển sau mắc COVID-19.

Đái tháo đường có thể phát triển sau mắc COVID-19.

 

Qua nghiên cứu, các chuyên gia nhận thấy: Hậu COVID-19 gây ra trầm cảm. Ngoài ra, COVID-19 có thể làm tăng lượng đường trong máu đến mức phát triển nhiễm toan ceton do đái tháo đường, một tình trạng có khả năng đe dọa tính mạng phổ biến ở người bệnh đái tháo đường.

Nhưng điều may mắn là: "Tập thể dục có thể là biện pháp hữu ích. Tập thể dục ví như một người điều tiết các triệu chứng thần kinh liên tục của COVID-19" - Tiến sĩ Candida Rebello nhận xét.

Theo Tiến sĩ John Kirwan, Giám đốc Điều hành Trung tâm Y sinh Pennington, đồng tác giả của nghiên cứu trên: "Nghiên cứu đã cho thấy, tập thể dục có thể phá vỡ chuỗi phản ứng của chứng viêm do COVID-19. Chứng viêm khiến lượng đường trong máu cao và sau đó phát triển nguy cơ mắc đái tháo đường hoặc thúc đẩy sự tiến triển của bệnh đái tháo đường type 2".

Tiến sĩ Rebello nói rằng: "Bạn không nhất thiết phải chạy 1 dặm (1.609 m) hoặc đi bộ 1 dặm với tốc độ nhanh. Đi bộ tốc độ chậm cũng là tập thể dục rèn luyện sức khỏe. Tốt nhất, mỗi ngày bạn nên tập 30 phút. Nhưng nếu bạn chỉ có thể tập 15 phút mỗi lần, hãy cố gắng tập 2 lần và mỗi lần 15 phút. Điều quan trọng là bạn cố gắng. Không quan trọng bạn bắt đầu từ mức nào. Bởi vì bạn có thể tập luyện dần dần để tiến đến mức tập luyện được khuyến cáo".

Trầm cảm là một trong những di chứng sau mắc COVID.

Trầm cảm là một trong những di chứng sau mắc COVID.

 

2. Vậy đi bộ như thế nào để hiệu quả sau mắc COVID-19?

Có một số chú ý khi đi bộ nhằm đạt hiệu quả cao trong phục hồi sức khỏe sau COVID-19, vừa kiểm soát tốt đường máu và giảm chứng trầm cảm, vừa giảm nhiều biến chứng khác của hậu COVID-19 (hụt hơi, khó thở, mệt mỏi…). Cụ thể như sau:

- Thời điểm đi bộ

Có thể buổi sáng thức dậy hoặc tối trước ngủ. Riêng ban tối, nên đi bộ sau ăn 1-2 tiếng là phù hợp, không gây áp lực cho hệ tiêu hóa. Không nên đi bộ vào thời điểm nắng nóng gay gắt, nhất là 11 giờ trưa đến 3 giờ chiều.

- Thời gian đi bộ

Đi 30 phút mỗi ngày, có thể chia ra 2-3 lần trong ngày nếu sức khỏe không cho phép đi trọn 30 phút.

- Nơi đi bộ

Nên chọn nơi ít ô nhiễm bụi khói, ít tiếng ồn, không phải tránh né xe cộ, không quá nhiều người. Tốt nhất, bạn nên chọn đi trong các lối đi công viên có nhiều cây xanh và yên tĩnh.

- Đi bộ kèm thở sâu

Vừa đi bộ, vừa tập thở sâu nhiều đợt: Mỗi đợt khoảng 5 phút, hít sâu vào từ từ bằng mũi, rồi thở ra hết sức từ từ bằng miệng. Xong từng đợt tập thở sâu, bạn có thể thở lại nhẹ nhàng bình thường theo bước đi.

- Tốc độ đi bộ

Bạn có thể đi bộ tốc độ vừa phải, không cần quá nhanh. Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí y học uy tín JAMA cho thấy các bước đi được thực hiện, bất kỳ tốc độ đi nào đều giúp bạn sống lâu hơn. 

Nghiên cứu cho thấy, việc có được 4.000 - 8.000 bước mỗi ngày có thể làm giảm gần 2/3 nguy cơ mắc bệnh tim (đi bộ 2.000 bước với tốc độ bình thường mất khoảng 15 phút).

- Đi bộ kèm thả lỏng cơ thể và suy nghĩ

Chỉ cần kiên trì tập thể dục bằng cách đi bộ 30 phút mỗi ngày sẽ giúp bạn kiểm soát di chứng hậu COVID-19.

Chỉ cần kiên trì tập thể dục bằng cách đi bộ 30 phút mỗi ngày sẽ giúp bạn kiểm soát di chứng hậu COVID-19.

 

Chỉ cần đi bộ bước đều chân, thả lỏng cơ thể, thả lỏng suy nghĩ, thiền trong từng bước đi. Không nên nói chuyện quá nhiều trong khi đi bộ với người bên cạnh, không nên "buôn" điện thoại suốt trong khi đi bộ làm não bạn quá bận rộn với nhiều dòng suy tư.

- Nên đi bộ với một người thân

Bạn sẽ thấy vui hơn, vừa cảm nhận an toàn, vừa có thể giải quyết bất trắc khi có người thân bên cạnh. Và thực tiễn cho thấy, đi bộ cùng chung với một người thân, thỉnh thoảng trao đổi một vài câu làm cho đường đi ngắn lại và không nản, khi bạn cần duy trì việc đi bộ trong thời gian lâu dài.

- Tiếp tục đi bộ trong nhà khi thời tiết xấu

Cố gắng đừng bỏ bữa đi bộ. Những ngày thời tiết xấu, bạn có thể đi bộ trong nhà hay sân nhà có mái che. Nếu bạn có thể thực hiện các bước đi mạnh mẽ hơn như leo cầu thang, bạn có thể trải nghiệm những lợi ích cao hơn. Nhưng nếu các bước đi chủ yếu là bề mặt phẳng, vẫn có thể đạt yêu cầu đề ra, miễn đủ 30 phút mỗi ngày.