***
Khi còn học vỡ lòng, các thầy cô đều dạy chúng tôi viết hoa chữ Cách mạng. Cách mạng là sự thân thiết, thiêng liêng ai cũng cảm nhận được. Người Cách mạng với chúng tôi là tấm gương của sự tin yêu tuyệt đối, trung thành tuyệt đối với lý tưởng, là những bậc xả thân vì nước.
Người Cách mạng là Bác Hồ, người đã đi khắp trời Âu, biển Mỹ để tìm một con đường, con đường dẫn đến chỉ có mấy chữ thôi, đó là Độc lập, Tự do, Hạnh phúc cho nhân dân, mấy chữ Người đề nghị Quốc hội khóa I chọn làm Quốc hiệu để đời đời theo đó mà đi. Vì mấy chữ ấy cho cả dân tộc mà riêng Người phải chịu mọi lao lung, phải hy sinh đến tận cùng đời sống của một con người. Nhưng dù có tất cả mọi lao lung, dù tất cả mọi hy sinh, thử thách, Người vẫn sắt son một niềm Ái Quốc. Và truyền cho toàn Đảng, toàn Dân một niềm tin, một ý chí không gì có thể chuyển lay: Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi; Không có gì quý hơn độc lập, tự do; Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi! Một ngày đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên!
Diễu hành qua Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh dịp 2/9
Người Cách mạng là Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Văn Thụ…, những con người không ngừng, không ngại bước tới đoạn đầu đài, trước khi chết còn cổ vũ đồng chí, đồng bào “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”, “Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành”. Là Lý Tự Trọng tuy chưa đến tuổi vị thành niên vẫn dõng dạc tuyên bố trước tòa đại hình Pháp “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác”...
Có Đảng, có Cách mạng cả một dân tộc nô lệ bị trói chặt trong xích xiềng của đế quốc, phong kiến; bị đọa đày trong đói rách bỗng vùng lên và trong mấy ngày thu tháng 8 năm 1945 đã làm cho Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị, chặt đứt xích xiềng của chế độ vua chúa độc tài hàng mấy trăm năm; xích xiềng đế quốc ngót gần thế kỷ, trở thành người viết sử vĩ đại của nhân loại trong thế kỷ XX, kích thích các dân tộc bị nô lệ, áp bức cùng cất lên tiếng hát tự do, cùng giương cao ngọn cờ bình đẳng, lập nên một trật tự thế giới mới, khiến mọi tên đế quốc, bành trướng trở thành những bầy dơi hốt hoảng trước bình minh của một thời đại mới.
Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng
***
Cách mạng trong cảm nhận của tôi còn là đau thương, hy sinh vô bờ bến. Bao nhiêu người đã bị giam cầm, bị giết; bao nhiêu xóm làng bị khủng bố trắng năm Xô - viết. Và rồi chiến tranh. Ba, bốn cuộc chiến tranh “rải rác biên cương mồ viễn xứ”. Dù mới tìm được một phần hài cốt liệt sĩ đã thấy trùng trùng điệp điệp những nghĩa trang, những làng mồ trên khắp đất nước. Nghĩa trang Độc lập, nghĩa trang Truông Bồn, nghĩa trang Đồng Lộc, nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Đường 9, nghĩa trang Bến Dược, nghĩa trang Tây Ninh…, có nghĩa trang trên vạn nấm mồ… Có nơi đâu trên trái đất này có người mẹ như mẹ Thứ Điện Bàn có chồng, 9 con trai, 1 con rể, 2 cháu ngoại đều là liệt sĩ? Có nơi đâu trên trái đất này có những cuộc chiến tranh kéo dài, buộc các thế hệ nối dài sự hy sinh như trong gia đình cụ Nguyễn Thị Hiển ở Cai Lậy, Tiền Giang? Cụ Hiển sinh năm 1898, có ba con liệt sĩ, là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Con gái đầu cụ Hiển là cụ Trần Thị Đấu có chồng và hai con liệt sĩ. Một người con gái khác là cụ Trần Thị Mến có chồng và hai con trai liệt sĩ. Con dâu thứ tư của cụ Hiển là cụ Đặng Thị Biểu có ba con liệt sĩ. Nhà cụ Hiển có 4 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng… Có phải chăng máu đã chảy mềm lòng đứt ruột, đau thương còn nhức nhối từng thớ thịt, cành cây? Mỗi bà mẹ trẻ hôm nay hoảng hốt khi con mình nhức đầu, sổ mũi; trở chứng lười ăn; có thấu được nỗi đau của hàng triệu bà mẹ mất con, có người còn chưa tìm thấy xác, trong những cuộc chiến vừa qua? Có nghe được tiếng nói vọng về từ quá khứ?
Đài tưởng niệm Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.
***
Tôi đã sống qua những năm chiến tranh ấy trong màu áo của người chiến sĩ Giải phóng quân. Ông tôi cha tôi và tôi/ Ba đời làm lính ba đời nông dân. Tôi đã sống trong nỗi cực khổ, u ám vào những năm 80 của thế kỷ 20. Đất nước bị bao vây bốn phía. Thiên tai dìm những cánh đòng vào thất bát liên miên Năm 80 gạo thóc 80/ Dân Xứ Nghệ mặt vàng như nghệ; Đầu đường thiếu tá bơm xe/ Cuối đường đại tá bán chè đỗ đen… Rồi nhiều nước XHCN lần lượt khủng hoảng và sụp đổ. Cả dân tộc như một người lính trường chinh, tuy vừa giành được chiến thắng nhưng gối mỏi chân chồn, hai bàn tay trắng và khắp mình thương tích. Nhìn xuống đất đất cằn, nhìn lên trời, trời đầy mây tối và xung quanh bốn bề sóng gió.
Có những kẻ ôm bom đặt vào yết hầu Tổ quốc. Bao nhiêu kẻ ngã lòng. Làn sóng di tản của người Việt Nam trở thành một hiện tượng nổi bật của báo chí quốc tế; một vấn đề của chính phủ nhiều nước. Ngôn ngữ quốc tế có thêm một từ thuyền nhân. Có người ra đi vì miếng cơm manh áo thuần túy. Có kẻ ra đi theo vết xe đổ của Ích Tắc, Chiêu Thống, bội phản dân tộc, bội phản một con đường.
Nhưng trong ngực một dân tộc đau thương ấy còn có trái tim và sức vóc khỏe khoắn của hàng nghìn năm lịch sử. Và Cách mạng có nghĩa là đứng lên, có nghĩa là không bao giờ lùi bước.
Mỗi số phận đều không cam chịu. Đảng không cam lòng. Trái tim đau nỗi đau của hàng chục triệu dân đã thức chong hằng phút, hằng giờ; để một ngày bật ra sự Đổi mới. Đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh…, những nhà cách mạng thuở tù đày đế quốc, những nhà mác-xít chân chính lăn lộn với thực tế, gắn bó với cần lao đã bắt nhạy được ý chí và nguyện vọng của nhân dân, bắt nhạy từng đốm sáng lấp lánh đây đó trong đời để quang hợp nên một sức nghĩ lớn, một trí tuệ lớn làm nẩy mầm sự nghiệp Đổi mới. Dòng chảy khơi thông, sức nước cuốn bay bờ đập sự quan liêu, trì trệ; xé toạc những giả dối, bao che. Người lãnh đạo thật sự vô tư, thật sự vì dân mới mới dám bứt phá và chịu trách nhiệm cá nhân; mới có sức hấp dẫn cả một dân tộc.
Đất nước đã tiến lên vinh quang qua những năm bốn lăm, năm lăm, sáu lăm, bảy lăm, tám lăm… Mỗi thập niên một kỳ công, kỳ tích. Có thể tạm thời bị chiếm đóng, có thể mất nhiều thứ nhưng còn Đảng, còn Dân, còn Đảng vì Dân, còn Dân tin Đảng là còn lý tưởng, còn niềm tin là còn sức mạnh để đi tới thắng lợi cuối cùng.
10 liệt sĩ ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh)
***
Khi tôi mười tuổi, dư âm chiến thắng Điện Biên Phủ hãy còn mới mẻ. Gương Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng, Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai… đã chấn động “địa cầu” tâm hồn thơ bé. Ngày giỗ trận do bom Pháp ném xuống làng năm 1953 còn đượm mùi tang tóc thì ngày 5-8-1964, bom Mỹ lại ào ào trút xuống. Làng tôi nói riêng và Khu Bốn nói chung trở thành một túi bom, không ngày nào không có người chết. Người ta không còn đeo khăn trắng, thậm chí không còn khóc nữa. Căm thù sắt lại. Những thiếu niên 15, 16 tuổi viết đơn bằng máu xin ra trận, đeo đá vào người để được tuyển trúng bộ đội. Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Trên cánh đồng hậu phương chỉ còn lại người già, phụ nữ và trẻ em. Vừa cày cấy, vừa bắn máy bay, vừa gạn từng hạt thóc để gửi ra tiền tuyến. Vì thế, khi được trao tấm , tấm khăn chỉ được đeo vào lễ kết nạp đội nên rồi cất sâu vào một góc vì lý do phòng không. Cái góc sâu ấy là trái tim màu đỏ, là màu cờ,màu máu…Cho đến bây giờ, khi lá cờ được kéo lên trong tiếng nhạc quốc thiều “Đoàn quân Việt Nam đi, chúng lòng cứu quốc”, là trong tôi lại hiện lên bao anh hùng, bao người đã lấy máu tim mình nhuộm màu cờ, thấy hiện lên hình bóng một mũ nâu áo vá với mắt ngời sáng quắc, một đoàn quân khăn rằn đi tới làm những mũi sáng quân thù phải chúi dạt, một đoàn quân trùng trùng điệp điệp với quân phục xanh lá cây rừng, hát vang bài giải phóng…. Đoàn quân ấy dẫn đầu, có bóng Bác lồng lộng trên cao, cứ đi, cứ đi xuyên qua những đêm tối đau thương, bằng những bước chân hùng anh, lẫm liệt, không thay hướng đổi dòng.Là người Việt Nam, có thể không đứng vào đoàn quân cách mạng ấy chăng? Có ai có thể làm hoen ố màu cờ ấy chăng? Có trở lực nào có thể ngăn nổi bước hành binh của đoàn quân ấy chăng?
***
Cách mạng là đại nghĩa, “Lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”. Cách mạng là sức dân. “Làm vỡ bờ mới biết sức dân như nước”. Có đại nghĩa có sức dân nên biết bao kẻ thù cuồng bạo Tống, Nguyên, Minh, Thanh; và bao đế quốc mạnh nhất thời đại ngày nay lần lượt quy hàng. Chí nhân là không những tha mạng cho bại binh bại tướng; còn cấp lương thảo thuyền bè. Chí nhân và bao dung là xóa mọi hận thù, là đón nhận lá rụng về cội, mong mỏi những đứa con lầm lạc trở về.
Cách mạng còn là cảnh giác, là luôn nhìn rõ kẻ thù dù kẻ thù ấy là bên ngoài đến hay tự sinh từ trong đội ngũ. Ai vì lợi ích nhóm, ai lợi dụng quyền chức để tham nhũng, ai thờ ơ trước xương máu tiền nhân…không còn là người cách mạng nữa. Chúng không được đứng dưới cờ…
***
Cách mạng thật là vĩ đại.
Nhưng dù vĩ đại đến đâu cuộc cách mạng của chúng ta cũng không thể tránh những sai lầm. Búa liềm đã hơn một lần xé đau trái tim mình. Những “ Trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ” năm 30,31; sự đốt phá đình chùa, sách vở cũ; cải cách ruộng đất, cải tạo công thương…, đã vô thức làm rơi đầu không ít những địa chủ , tư sản, trí thức yêu nước; khiến bao chiến sĩ cộng sản kiên trung chịu nỗi oan trái, khiến truyền thống văn hóa dân tộc bị xâm hại. Cuộc cách mạng của chúng ta khởi từ công nông, lực lượng chủ yếu là nông dân, bởi vậy không thể tránh khỏi cuộc cách mạng nông dân.Có thể dễ thành công trong giành chính quyền nhưng non yếu về xây dựng chính quyền. Sau khi tước đoạt được quyền thống trị của giai cấp thống trị; một số người dễ biến mình thành giai cấp thống trị, thống trị đồng bào mình theo kiểu trước đó, tìm cách “ tước đoạt” của tập thể, của nhân dân.
Nhưng yêu cầu của một cuộc cách mạng vô sản chân chính phải khác một cuộc cách mạng nông dân. Người nông dân phải vượt mình lên một cách ghê gớm mới trở thành một con người mới, vượt lên khỏi con người phong kiến, con người tư sản để đại diện cho một thời đại mới. Người lãnh đạo của cuộc cách mạng ấy, đứng đầu chính quyền cách mạng, ngẫm gương người trước, sửa mình từng giờ từng phút mới có thể tránh được vết xe đổ của lịch sử: Triều đại nào mới lên cũng thường tiến bộ, càng về sau càng trở nên thái hóa đi ngược lại quyền lợi của nhân dân và lý tưởng đẹp đẽ ban đầu. Cách mạng là nhìn thẳng, nhìn rõ mọi sự thật để biết phù hợp với quy luật, tạo ra quy luật, bảo đảm cho cách mạng thắng lợi..
Sự thật xã hội ngày nay là gì? Chúng ta thừa nhận những thành tựu, phải nói là thành tựu hùng vĩ, làm cho dân tộc Việt Nam, trong thì được cơm no áo ấm, ngoài thì được vị thế nâng cao trên trường quốc tế. Nhưng cái chính không phải chỉ thấy thành tựu, cái chính là nhìn thấy sai lầm và hướng đúng để đi tới tương lai. Những sai lầm của thời Đổi mới cũng không hề nhỏ. Sự phát triển quá nóng về kinh tế đã làm hủy hoại ghê gớm về môi trường tài nguyên; làm chết nhiều cánh rừng dòng sông; làm khô héo lòng tin của một bộ phận cán bộ, nhân dân. Hủy hoại tài nguyên, môi trường đã cho thấy những hậu quả nhãn tiền: Hạn hán, lũ quét dồn dập và mỗi lần như vậy đều gây thiệt hại về tiền và của không thể nào đo đếm nổi, còn gây ra khủng hoảng lòng tin thì đúng là một nguy cơ tồn vong của chế độ, nó có thể hủy hoại toàn bộ thành tựu cuộc cách mạng.
***
Anh chị có đau lòng không khi ven xa lộ của đồng bằng Sông Cửu Long biết bao người đói nghèo thất học, náu mình trong những căn lều xơ xác?
Anh chị có đau lòng không khi ở đâu người thanh niên Việt Nam, kể cả cử nhân, thạc sĩ đều khao khát việc làm và phần lớn đang thất nghiệp?
Anh chị có đau lòng không, khi trong thời buổi hội nhập này, hàng hóa Việt Nam chỉ lác đác như sao buổi sớm?
Anh chị có đau lòng không khi xét về mặt kinh tế, người Việt Nam làm thuê nước ngoài và làm thuê trên chính đất nước mình, còn người nước ngoài làm chủ trên đất nước họ và làm chủ ngay cả ở đất nước Việt Nam?
Anh chị có đau lòng không khi một đất nước , một dân tộc anh hùng, thông minh đã từng được coi là biểu tượng của lương tri nhân loại, ngày nay có năng suất lao động thấp nhất thế giới; có nạn tham nhũng cũng thuộc hàng đáng kể trên thế giới?
Anh chị có lo lắng chăng khi mỗi người đều nhuốm một chút nản lòng, nhụt chí, hoặc chấp nhận buông xuôi?
***
Cách mạng không thể nản lòng, nhụt chí. Dân tộc không thể chấp nhận buông xuôi. Cách mạng đang đòi những người cộng sản chân chính, đòi muôn triệu trái tim yêu nước thương nòi, siết chặt lại đội ngũ. “Tất cả dưới cờ, hát lên và bước”!
Tôi đã thấy cờ đỏ sao vàng vẫn tươi thắm vẹn nguyên như ngày đầu Cách mạng Tháng Tám phấp phới mọi nẻo đường đất nước trong mùa Đại hội Đảng lần thứ XII. Lá cờ ấy sẽ mãi thắm tươi dưới trời xanh nước Việt. Hãy lắng nghe, hãy thổi lên sức gió nhân dân, sức gió thời đại để Cách mạng mãi mãi là máu thịt thân thương, là sự đem lại cho mỗi người!