Phần 1 với chủ đề “Mùa Thu lịch sử” trưng bày những hình ảnh, hiện vật tiêu biểu khẳng định vị trí, tầm vóc vĩ đại và giá trị lịch sử to lớn của Cách mạng tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam) trong lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc ta. Trong đó có thể kể đến như “Bộ sưu tập truyền đơn, báo chí” phát hành trước và trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 (bao gồm: Truyền đơn của Việt Nam Độc lập Đồng minh phát hành, kêu gọi đồng bào đánh Pháp – Nhật giành độc lập, năm 1945; truyền đơn “Đứng lên! Toàn dân kháng chiến! Trường kỳ kháng chiến” của Tổng bộ Việt Minh phát hành năm 1946; truyền đơn “Kính cáo đồng bào” của Chủ tịch Hồ Chí Minh; báo Cờ Giải phóng; báo Cứu quốc; báo Nước Nam mới; báo Quân Giải phóng…).
Trong phần 2 với chủ đề “Sức mạnh niềm tin”, người xem có thể thấy những hình ảnh, tư liệu được sắp xếp trong mô hình của những cuộn phim đen trắng. Qua đó, hình ảnh về những ngày tháng lịch sử xuất hiện liên tục, sinh động, phản ánh sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, sự vận dụng sáng tạo cùng những bài học kinh nghiệm từ thắng lợi của Cách mạng tháng Tám trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, mà đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Người xem có thể thấy bộ sưu tập Sắc lệnh, văn bản của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành trong những năm đầu của chính quyền cách mạng cùng nhiều tư liệu khác.
Phần 3 với chủ đề "Tiếp bước vinh quang" trưng bày nhiều hình ảnh, tài liệu, hiện vật phản ánh những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước của toàn Đảng, toàn dân và quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thông qua hình ảnh, tư liệu quý hiếm như Bản Tuyên ngôn độc lập đã ngả vàng theo thời gian, bộ kèn đồng phần nhiều bị hoen rỉ được ban nhạc Giải phóng quân sử dụng cử hành Quốc ca trong buổi lễ Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 2/9/1945) hay những câu chuyện về những con người hi sinh cả tuổi trẻ để giành độc lập tự do cho Tổ quốc, sẽ được trưng bày tại triển lãm "Cách mạng tháng 8 – Mốc son lịch sử".
Cũng tại triển lãm, câu chuyện về vợ chồng nhà tư sản Trịnh Văn Bô – Hoàng Thị Minh Hồ cũng được kể lại. Trước và sau Cách mạng tháng Tám, gia đình ông Trịnh Văn Bô là tấm gương tiêu biểu của giai cấp tư sản ủng hộ Đảng, Bác Hồ bằng cả vật chất và tinh thần. Đến nay, vợ chồng ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ đã khuất núi, nhưng câu chuyện của ông bà vẫn được lớp cháu con khắc ghi.
Có thể thấy, thông qua những tư liệu, hình ảnh, câu truyện lịch sử, triển lãm đã góp phần tuyên truyền, giáo dục cho các tầng lớp Nhân dân, cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân, đặc biệt là thế hệ trẻ nhận thức đầy đủ và sâu sắc vị trí, tầm vóc vĩ đại và giá trị lịch sử to lớn về thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, qua đó khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, cổ vũ và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.
Bên cạnh những tư liệu, hiện vật quý, triển lãm còn giới thiệu nhiều câu chuyện về những con người xuất hiện, gắn bó với giờ phút lịch sử 75 năm trước. Trong đó có câu chuyện về bà Lê Thi – người phụ nữ kéo cờ Tổ quốc trong Lễ Tuyên ngôn độc lập năm 1945. Câu chuyện về bà được kể lại trong triển lãm: “Sáng ngày 2/9/1945, đoàn phụ nữ Hàng Bông do bà Lê Thi dẫn đầu đứng ngay ngắn, quần áo chỉnh tề và trang nghiêm. Một cán bộ trong Ban Tổ chức đến thông báo cử người lên kéo cờ. Các chị em đồng thanh đề nghị bà lên. Khi ấy, bà run lắm nên vẫn đứng yên. Mãi đến khi cán bộ xuống giục bà mới quyết định đi lên. Cùng kéo cờ với bà hôm đó là bà Đàm Thị Loan, người dân tộc Tày, vợ Đại tướng Hoàng Văn Thái. Khi bài Quốc ca vừa kết thúc cũng là lúc cờ đỏ sao vàng tung bay trên lễ đài, trong tiếng vỗ tay của hàng vạn người dân có mặt tại Quảng trường Ba Đình. Niềm vinh dự, tự hào đó bà mãi không quên.”