.
Nghỉ hè là khoảng thời gian quý báu đối với trẻ thơ vì các cháu được vui chơi, không phải học hành. Nhưng đối với nhiều bậc phụ huynh, thời gian nghỉ hè của con lại là một áp lực khá nặng nề căng thẳng, khiến nhiều người phải đau đầu. Làm sao để trẻ vẫn có được môi trường an toàn, được phát triển và vui chơi thoải mái trong dịp hè – đó là mong muốn của nhiều gia đình.
Có thể nói, đau đầu và áp lực nhất là các gia đình có con nhỏ, ở vào độ tuổi mẫu giáo và tiểu học, bởi các cháu chưa thể tự chủ động các công việc như ăn, ngủ, học hành, vui chơi… Thậm chí, phải có người lớn để trông giữ và dỗ dành. Chị Lê Thị An, nhà ở quận Bình Thạnh có 2 con còn nhỏ, chia sẻ: “Trường con tôi có tổ chức dạy hè nhưng mà đến giữa tháng 6 mới nhận trẻ đi học trở lại.
Trong khi đó, 2 vợ chồng không thể xin nghỉ phép dài ngày vì công việc đang vào thời kỳ cao điểm. Tôi hỏi người quen, điện thoại hỏi nhiều trường nhưng mà chưa có nơi nhận giữ trẻ, nhất là trẻ học mầm non. Con thì nghỉ học rồi, nên mấy ngày hôm nay phải tất tả gửi hàng xóm, gửi người quen… đi làm cũng không yên tâm”.
Việc các bậc phụ huynh tự phát tập hợp các cháu lại trong các nhóm trẻ quy mô “đại gia đình” cũng là một cách tổ chức được nhiều người lựa chọn. Bà Nguyễn Thị Cần, nhà ở quận 2 đang tất tả chăm sóc cho 4 đứa cháu vừa nội, vừa ngoại cho biết: “Tôi là bà nội, bà ngoại của 4 đứa cháu. Hiện tại, các cháu đến thời gian nghỉ học, nghỉ hè.
Bố mẹ các cháu phải lo công ăn việc làm nên đưa các cháu về gửi tôi để bố mẹ nó đảm nhiệm công việc Nhà nước. Bản thân tôi già, 60 tuổi về hưu rồi nhưng cũng phải rất vất vả phục vụ 4 đứa cháu. Cho nên cũng đề nghị các cấp lãnh đạo quan tâm chăm sóc để hè này có chỗ nào thu xếp cho các cháu có chỗ gửi để bố mẹ chúng yên tâm công tác”.
Một trong những sự lựa chọn khác của nhiều bậc phụ huynh có con học trường công lập trong dịp nghỉ hè này, đó là gửi tạm con vào các trường tư thục, bởi các trường này không nghỉ hè. Tại Trường Mầm non Hoa Hồng, quận Phú Nhuận, hè này có gần 20 trẻ từ các trường công lập được phụ huynh tin tưởng gửi con.
Cô Vũ Thị Tú Trâm, người quản lý Trường Mầm non Hoa Hồng cho rằng: “Trường chúng tôi là trường tư cho nên tất cả các hoạt động vẫn liên tục, không nghỉ hè. Tôi cũng hiểu được tâm tư của các anh chị phụ huynh nên quyết định nhận các cháu ở các trường công lập vào trường của tôi. Chúng tôi với tâm huyết của người trong nghề, các cô giáo luôn thương yêu các con như những đưa trẻ khác. Chăm sóc các con đầy đủ, từ khẩu phần ăn, cho đến giờ giấc sinh hoạt… để đảm bảo cho các phụ huynh yên tâm làm việc”.
Nhiều gia đình trong dịp hè này lại lựa chọn các trường, các trung tâm giáo dục kỹ năng sống như học kỳ quân đội để gửi con. Nhiều gia đình khác thì lựa chọn các lớp năng khiếu như học vẽ, học đàn, học võ thuật, hay học làm bánh… Với những sự lựa chọn như vậy, các gia đình nên chú ý có biện pháp phù hợp để trẻ thích nghi với môi trường học tập, rèn luyện mới.
Thạc sỹ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, ở Trung tâm Đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt, tại quận 3, thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo: “Phụ huynh cũng nên có suy nghĩ thoáng hơn và nhẹ hơn.
Thay vì chúng ta đau đầu tìm một nơi để gửi con thì tại sao chúng ta không dành thời gian hè trở thành thời gian quý báu ở bên con. Ví dụ, chúng ta liên lạc với người thân của mình để có thể cho con một kỳ nghỉ hè dã ngoại về nhà nội hoặc nhà ngoại và đặc biệt là hướng dẫn cho con sự tự lập.
Cái thứ hai là tại sao chúng ta không giáo dục kỹ năng sống cho con ngay tại chính ngôi nhà của mình. Hướng thứ ba nữa là chúng ta hãy trò chuyện cùng trẻ để tìm hiểu xem trong thời gian nghỉ hè thì con thích tham gia những hoạt động ngoại khóa nào khác để con có cách chăm sóc, bảo vệ bản thân”.
Với tình cảm thương yêu và trách nhiệm của những người làm cha mẹ, trên hết mỗi gia đình nên sắp xếp thời gian làm việc, dành nhiều hơn thời gian cho con cái, để những ngày hè thêm gắn kết tình cảm gia đình. Đồng thời, mỗi bậc phụ huynh hãy lắng nghe trẻ em nói lên nguyện vọng, sở thích của mình để trẻ được học, được trải nghiệm những gì các con mong muốn, tránh tình trạng những ngày hè lại là “học kỳ thứ ba” gây áp lực cho trẻ./.