Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Cách phòng tránh nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em

Viêm đường tiết niệu là một trong những bệnh phổ biến thứ 3 ở trẻ, xếp sau nhiễm khuẩn hô hấp và tiêu hóa. Trong đó, số ca viêm đường tiết niệu ở trẻ em gái cao gấp khoảng 5 lần so với trẻ em trai. Nếu không được điều trị kịp thời, nhiễm trùng tiết niệu có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng máu, áp xe thận, suy thận…

Khi thấy trẻ có triệu chứng nghi ngờ của viêm đường tiết niệu, cha mẹ nên đưa trẻ tới bệnh viện để được kiểm tra, tư vấn và điều trị sớm.

Khi thấy trẻ có triệu chứng nghi ngờ của viêm đường tiết niệu, cha mẹ nên đưa trẻ tới bệnh viện để được kiểm tra, tư vấn và điều trị sớm.

Nguy cơ khiến trẻ bị nhiễm khuẩn tiết niệu

Nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhiễm khuẩn tiết niệu chính là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở các cơ quan thuộc hệ thống đường tiết niệu. Nguyên nhân chính gây ra căn bệnh này là do các loại vi khuẩn đường ruột, phổ biến nhất là vi khuẩn e.coli, vi khuẩn Enterococcus… Trẻ em là đối tượng nguy cơ cao dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn. Hệ miễn dịch của trẻ nhỏ chưa hoàn thiện nên khả năng chống lại tác nhân gây bệnh kém. Ngoài ra, trẻ còn nhỏ tuổi chưa kiểm soát tốt đại tiểu tiện nên việc vệ sinh cũng khó khăn. Bé gái thường có nguy cơ bị bệnh cao hơn bé trai do cấu trúc niệu đạo ngắn. Không phải bậc phụ huynh nào cũng biết cách vệ sinh sạch sẽ, an toàn cho trẻ sau khi đi vệ sinh và đây là những yếu tố nguy cơ cao dẫn đến nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ.

Ngoài ra, nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu gai tăng ở những trẻ sau:

Bé trai bị hẹp bao quy đầu: Hẹp bao quy đầu khiến vi khuẩn, nước tiểu… dễ ứ đọng lại, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây nhiễm khuẩn tiết niệu. Trong khi đó, trẻ chưa biết vệ sinh vùng kín đúng cách khiến vi khuẩn có cơ hội xâm nhập và gây nhiễm khuẩn tiết niệu.

Trẻ bị dị tật bẩm sinh hệ tiết niệu: Nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu cao ở những trẻ bị chít hẹp niệu đạo, giãn đài bể thận niệu quản, chít hẹp niệu quản, niệu quản đôi… Ða phần những trẻ bị nhiễm khuẩn tiết niệu tái phát nhiều lần khó điều trị, chỉ khi đi khám chuyên khoa mới phát hiện các dị tật bẩm sinh này

Vệ sinh không đúng cách: Những trẻ ở nông thôn, vùng cao, điều kiện vệ sinh kém, hiếm nước sạch, cha mẹ không biết chăm sóc, vệ sinh cho trẻ đúng cách thường có nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu cao hơn.

Trẻ mắc bệnh lý suy giảm miễn dịch: Nếu trẻ mắc các bệnh suy giảm miễn dịch như tiêu hóa, hô hấp, suy dinh dưỡng… thì nguy cơ mắc bệnh cao và dễ tiến triển nặng, gây biến chứng.

Thói quen nhịn tiểu, uống ít nước: Do ham chơi mà nhiều trẻ có thói quen nhịn tiểu, điều này không tốt cho sức khỏe hệ tiết niệu, dẫn đến nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu cao hơn. Ngoài ra, thói quen uống ít nước cũng góp phần gây ra bệnh này.

Viêm tiết niệu ở trẻ em thường diễn tiến âm thầm, nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến suy thận. Bệnh khó điều trị do vi khuẩn kháng thuốc và dễ tái phát. Bệnh xuất hiện khi vi khuẩn gây bệnh đi vào lỗ tiểu và nhân lên trong đường tiểu hoặc do vi khuẩn từ máu đến định cư tại nơi này.

Ðôi khi, nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ không có triệu chứng, chỉ phát hiện qua thăm khám và xét nghiệm cận lâm sàng. Tuy nhiên, đa phần trường hợp sẽ có những triệu chứng: Cảm giác đau buốt, nóng rát khi đi tiểu khiến trẻ nhăn mặt, quấy khóc, sợ đi tiểu; sốt nhẹ đến sốt vừa; đi tiểu nhiều lần, mỗi lần với lượng nước tiểu ít; nước tiểu hôi, có màu đục và có thể lẫn máu; đau bụng vùng bàng quang dưới rốn.

Ngoài ra, nếu trẻ bị nhiễm trùng niệu quản tới bể thận, triệu chứng thường nặng, khiến trẻ mệt mỏi, sốt cao liên tục. Trong cơn sốt có thể kèm theo rét run, nôn nhiều và đau vùng lưng. Khi trẻ có những dấu hiệu này, phụ huynh cần đưa con đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Trường hợp phát hiện muộn, trẻ không được điều trị sớm và đúng phương pháp có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: Hoại tử ống thận bể thận, thận ứ mủ, viêm quanh thận, trào ngược bàng quang niệu quản, suy thận. Tình trạng nhiễm trùng cũng có thể tái phát và gây ra nhiều tổn thương ở thận, làm tăng nguy cơ suy thận mạn tính về sau.

Hình ảnh mô tả nhiễm khuẩn đường tiết niệu.

Hình ảnh mô tả nhiễm khuẩn đường tiết niệu.

Cách phòng bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu cho trẻ

Theo điều dưỡng Dương Văn Luyến, Khoa Tiết niệu - Bệnh viện Nhi Trung ương, để phòng tránh nhiễm khuẩn tiết niệu cho trẻ, cha mẹ phải luôn quan tâm đến việc vệ sinh và những sinh hoạt thường ngày của con. Với trẻ nhỏ, cần lau khô và thay tã cho trẻ ngay sau khi đi vệ sinh, cần xem có cặn trắng ở bỉm không. Với trẻ em gái, cha mẹ nên vệ sinh từ trước ra sau (vệ sinh từ lỗ tiểu ra sau hậu môn) để tránh vi khuẩn vào lỗ tiểu gây nhiễm trùng ngược dòng, lưu ý nên rửa tay sát khuẩn sạch sẽ trước khi thực hiện, sử dụng nước sạch để vệ sinh. Với trẻ em trai, quan sát trẻ đi tiểu nếu thấy phồng bao quy đầu hoặc tia tiểu nhỏ cần cho trẻ khám ngay vì có thể do dài hoặc hẹp bao quy đầu. Phụ huynh nên kiểm tra bằng cách vuốt nhẹ bao quy đầu xem trẻ có bị hẹp bao quy đầu không để xử lý sớm. Hiện tượng phồng bao quy đầu khi trẻ đi tiểu cũng là một dấu hiệu nhận biết bệnh. Nếu trẻ mắc bệnh, nên lưu ý vệ sinh và đưa trẻ tới cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị.

Cần cho trẻ uống đủ nước hàng ngày, ăn uống đảm bảo vệ sinh với các loại rau củ quả để tăng lượng nước làm cho hệ bài tiết nước tiểu của trẻ được tốt hơn. Khi phát hiện trẻ có các bất thường về giải phẫu hệ tiết niệu cần đến khám để phẫu thuật sớm trả lại chức năng sinh lý, chống nhiễm khuẩn tiết niệu do ứ trệ dòng chảy của nước tiểu.

Khi mới đi học, trẻ chưa có ý thức giữ vệ sinh cá nhân, nhà vệ sinh trường học đông đúc, trẻ uống ít nước… do vậy rất dễ mắc bệnh viêm đường tiết niệu. Do đó, phát hiện thấy trẻ có các triệu chứng nghi ngờ của viêm đường tiết niệu, cha mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện để được kiểm tra, tư vấn và điều trị ngay.

Cách chăm sóc khi trẻ bị nhiễm khuẩn tiết niệu: Tuân thủ theo đúng kháng sinh đồ đã được bác sĩ hướng dẫn. Tùy thuộc vào loại vi khuẩn gây bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn loại kháng sinh điều trị phù hợp. Cha mẹ tuyệt đối không được tự ý cho con sử dụng kháng sinh để tránh gây ra những hệ lụy nghiêm trọng khi dùng sai cách và sai loại thuốc. Thông thường mỗi đợt điều trị kháng sinh sẽ kéo dài khoảng 10 đến 15 ngày.