Từ ngày 8/7, các thí sinh dự thi THPT Quốc gia 2017 được quyền phúc khảo bài thi. Ảnh: Q.Anh.
Biết điểm là được phúc khảo bài thi
Tính đến chiều ngày 7/7, hầu hết các cụm thi trên phạm vi cả nước đã tổ chức công bố điểm thi cho các thí sinh tại cụm tổ chức. Theo ghi nhận ở nhiều cụm thi, điểm số cũng tăng nhẹ so với những năm trước, trong khi đó xuất hiện “mưa” điểm 10 ở các môn, trong đó có cả các môn những năm trước ít có như: Địa lý, Lịch sử, Toán…
Điểm thi tăng đồng nghĩa với dự báo tỷ lệ tốt nghiệp năm nay sẽ cao, tăng hơn so với các năm trước đó. Điểm cao cũng đồng nghĩa với số lượng thí sinh đủ tiêu chuẩn xét tuyển vào đại học sẽ rất dồi dào.
Cũng trong buổi chiều ngày 7/7, Bộ GD&ĐT đã công bố phổ điểm ở tất cả các môn thi năm nay. Nhận xét về phổ điểm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, phổ điểm thi năm nay không có gì bất thường so với mọi năm mà phân bố đều hơn, từ điểm 0 đến 10 sẽ thuận lợi cho các trường đại học tuyển chọn thí sinh.
Còn nếu phổ điểm quá dốc, các trường khó khăn trong xét tuyển sinh bởi giảm đi 0,5 điểm hay tăng lên 0,5 điểm đồng nghĩa với số lượng thí sinh tăng lên khá cao sẽ phải sử dụng tiêu chí phụ. Khi phổ điểm thi đều, việc các trường tăng hay giảm 0,5 điểm xét tuyển thì số lượng thí sinh rất ít, vì thế các trường sẽ thuận lợi hơn.
Giải thích lý do nhiều thí sinh điểm 10, Thứ trưởng Bùi Văn Ga chia sẻ: “Phổ điểm thi năm nay có đồ thị theo đường tăng đều nghĩa là không quá lệch về bên tay phải hay trái giống như mọi năm.
Năm xưa khi chúng ta tổ chức kỳ thi “3 chung”, kết quả kỳ thi chỉ dùng để xét tuyển ĐH, CĐ nên đề ra quá khó dẫn đến phổ điểm dịch hẳn về phía tay trái, tức là điểm trung bình chỉ 2-3, bây giờ phổ điểm đúng vào chính giữa (4 - đến 6 điểm) rất lý tưởng.
Điều này cho chúng ta thấy, chất lượng của đề thi năm nay có sự điều chỉnh rất tốt. Số lượng những em đạt điểm cao 9, 10 hay số những em có điểm thấp 1, 2 cũng có nhưng không nhiều hay quá ít như mọi năm”.
Kỳ thi THPT Quốc gia còn chứng kiến rất nhiều thí sinh bị điểm thấp, hoặc thí sinh mong chờ “nâng” điểm nhờ phúc khảo bài thi để hy vọng vào đại học. Bộ GD&ĐT cho biết, mọi thí sinh đều có quyền được phúc khảo bài thi, thí sinh đăng ký dự thi ở đâu thì nộp đơn phúc khảo ở nơi đó.
Trường phổ thông, nơi thí sinh đăng ký dự thi, nhận đơn xin phúc khảo của thí sinh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày công bố điểm thi và chuyển dữ liệu thí sinh xin phúc khảo bài thi đến Hội đồng thi. Trong thời hạn 15 ngày phải công bố và gửi kết quả phúc khảo cho thí sinh.
Nhận đơn phúc khảo đến hết ngày 17/7
Theo quy định, từ ngày 8 đến hết 17/7, đơn vị đăng ký dự thi thu nhận đơn phúc khảo và lập danh sách phúc khảo kể từ ngày công bố kết quả thi. Ngày 24/7, Hội đồng thi phải hoàn thành tổ chức phúc khảo bài thi (nếu có).
Việc phúc khảo tiến hành theo từng môn thi dưới sự điều hành trực tiếp của Trưởng ban Phúc khảo. Trong khi tiến hành các công việc liên quan đến phúc khảo phải có ít nhất từ hai người trở lên. Tuyệt đối giữ bí mật về quan hệ giữa số báo danh với số phách và không được ghép đầu phách.
Việc phúc khảo mỗi bài thi tự luận do 2 cán bộ chấm thi thực hiện chấm 2 vòng độc lập và phải chấm bằng mực có màu khác với màu mực được dùng chấm trước đó trên bài làm của thí sinh. Nếu kết quả chấm của hai cán bộ chấm phúc khảo giống nhau thì lấy kết quả đó làm điểm phúc khảo và giao bài thi cho hai cán bộ chấm phúc khảo ký xác nhận.
Nếu kết quả chấm của hai cán bộ chấm phúc khảo có sự chênh lệch thì tổ chức cho cán bộ thứ ba chấm trực tiếp trên bài làm của thí sinh bằng mực màu khác. Nếu kết quả chấm của hai trong ba cán bộ chấm phúc khảo giống nhau thì lấy điểm giống nhau làm điểm phúc khảo.
Bài thi tự luận có điểm phúc khảo lệch so với điểm chấm đợt đầu (đã công bố) từ 0,25 điểm trở lên thì được điều chỉnh điểm.
Trong trường hợp điểm phúc khảo lệch so với điểm chấm đợt đầu từ 0,5 điểm trở lên thì phải tổ chức đối thoại trực tiếp giữa các cán bộ chấm thi đợt đầu và cán bộ chấm phúc khảo (có ghi biên bản). Nếu thấy có biểu hiện tiêu cực thì xử lý theo quy định; Điểm chính thức của bài thi sau phúc khảo được Trưởng ban Phúc khảo trình Chủ tịch Hội đồng thi ký duyệt.
Ở kỳ thi năm nay, hầu hết các môn đều thi theo phương thức trắc nghiệm, nên công tác chấm phúc khảo cũng được dò quét bằng máy. Khác với các năm trước, từ năm 2016, Bộ đã cho phép thí sinh được phúc khảo bài thi trắc nghiệm. Việc chấm lại bài thi trắc nghiệm cũng tuân thủ như chấm thi điểm của Ban chấm thi ở lần trước. Điểm chấm lại của Tổ phúc khảo bài thi trắc nghiệm là điểm thi chính thức của thí sinh trong kỳ thi.
Công bố điểm sàn đại học ngày 12/7
“Dự kiến, ngày 12/7 Hội đồng điểm sàn sẽ họp quyết định ngưỡng đảm bảo đầu vào cho tuyển sinh ĐH năm nay. Điểm sàn bao nhiêu thì sau khi phân tích phổ điểm thi của cả nước, Hội đồng điểm sàn sẽ dựa trên chỉ tiêu tuyển sinh và kết quả làm bài của thí sinh để quyết định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tối thiểu. Ngày 12/7 Bộ sẽ quyết định điểm sàn, nhưng trước đó sẽ công bố phổ điểm của các môn thi và các tổ hợp truyền thống”.
(Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga)
Theo Quang Anh/Giadinhnet