Bài viết là chia sẻ của chị Lê An Na, nhân viên văn phòng ở Hà Nội, kết hôn 8 năm chưa có con . Với tâm thế "quẳng gánh lo đi mà sống" nên giờ đây những cái Tết với chị An Na trải qua nhẹ nhàng. Chị tin với tâm thế này, may mắn sẽ đến trong năm tới.
Đây là cái Tết thứ 9 của mình sau cưới: Không con.
Vợ chồng mình đã đi hết Tâm Anh, 103, Sản Trung ương và bây giờ là Bệnh viện Nam học. Đông tây y kết hợp cúng bái, rồi cũng phải tìm tới biện pháp IVF 3 lần, 2 lần chuyển phôi... mà con yêu vẫn chưa về.
Bố mẹ chồng ở quê mà làng quê chồng mình là làng cổ nhé. Từ đầu ngõ tới cuối ngõ đi đâu cũng thấy ông bà già. Bố chồng mình 75 tuổi, còn mẹ chồng 68 tuổi. Chồng mình là con trai một, lại là trưởng họ. Mình được cái tiếng là dâu trưởng. Chỉ "được" duy nhất một thứ đấy thôi, ngoài ra là muôn vàn điều "phải". Mà ngẫm ra thì cái "phải", nhiều gấp trăm lần cái "được".
Ấy vậy mà nhiều người nhìn mình vẫn bảo mình sướng. Sướng vì không phải làm dâu, được đi du lịch đó đây không vướng bận con cái, sướng vì tự làm ra tiền, làm chủ kinh tế...
Chị Lê An Na trong một chuyến đi du lịch Campuchia. Ảnh: NVCC.
Hôm cưới con em họ, mình cũng xúng xính váy áo đưa em nó về nhà chồng. Đang vui thì "đứt dây đàn" vì có bác ghé tai bảo "mày chưa có con, chưa vuông tròn, mày đi làm gì". "Vâng, vậy để cháu ra dọn bàn ghế, chỗ đó hợp với cháu hơn", mình cười nói. Buồn tí nhưng tự động viên, đi làm gì cho say xe, khói bụi, mình ở nhà hậu cần được ăn, được nói, lại được cả gói mang về.
Bao năm qua cháu lớn, cháu bé hai bên nội ngoại lần lượt ra đời, đứa trai, đứa gái, đứa con đầu, lại con thứ 3. Đưa mẹ chúng nó đi viện đẻ, nhìn chúng đỏ hỏn nhoen nhoén cái miệng khóc oe oe. Cái mặt yêu chỉ muốn cắn luôn một cái, rít một hơi thật mạnh. Bỗng bác sĩ nói: "Ai đón tay cháu nào?". Bác sĩ nhìn mình và lần nào mình cũng là người bước lùi lại, không dám bế. Mình sợ cháu nó lây vía khổ, khổ vì hiếm muộn.
Mấy ngày hôm nay đọc nhiều bài viết tâm trạng quá. Cũng đúng thôi vì cách đây vài năm, mình đã trải qua những ngày đầy nước mắt. Những ngày Tết như địa ngục và cũng đã có nhiều mùa xuân ngỡ như hai vợ chồng xác định bước qua nhau. Thế nhưng: Tết đâu có tội, Tết vẫn qua và xuân vẫn về. Vì dù không muốn thì năm nào cũng có Tết.
Nói toạc ra mình ghét Tết thì ai thiệt nào? Mình bỏ bê bản thân, tự tạo áp lực cho mình thì ai thiệt nào? Vẫn là mình. Mình bỏ ăn, bỏ chơi, nằm ru rú ở nhà khóc lóc đau thương buồn bã thì ai đau thay mình không? Vẫn chỉ mình đau. Suy cho cùng không có ai chịu khổ thay mình thì chả tội gì phải thiệt. Vực dậy ăn mặc đẹp và đi chơi Tết.
Câu đầu tiên mọi người hỏi "Có gì chưa". Mình bảo "Bọn cháu/ em vẫn đang cố gắng ạ". Chắc chắn câu sau người ta sẽ chúc mình năm mới cầu được ước thấy. Nhận lời chúc của mọi người thì là tốt chứ sao đâu mà phải ghét Tết?
Nhiều người nói câu gì phạm mình như "Tịt rồi à?". Đừng phân bua, hãy trả lời lịch sự, rằng "bọn cháu/ em nào vẫn đang cố gắng chữa đây. Cô chú/anh chị có khoản nào dư thì cứ để cho cháu/em nhé, nhỡ lúc nào cần cháu/em hỏi". Mình đảm bảo đụng tới tiền chả ai hỏi thăm kiểu vô duyên như thế lần thứ hai.
Lì xì Tết à? Chửa có con, một đi là không có tiền trở lại, lại thêm tiền chữa chạy một đống, thì ra oai với ai? Lì xì tiền lẻ thôi cho có lộc.
Sinh ra làm đàn bà đã là thiệt phận. Rơi vào cảnh hiếm muộn còn thiệt hơn. Tết đến xuân về, cũng là một cái dịp để mình được nghỉ ngơi, được làm điều mình mong muốn. Hãy gạt bỏ những gánh lo đi mà sống.
Thấm được điều này nên mình cũng đã vài cái Tết trôi qua rất nhẹ nhàng. Thậm chí hôm qua trên đường vào viện khám, vừa đi vừa nghĩ... Nghĩ thế nào lại vượt đèn đỏ. Thôi xong, xe mất bằng lái, bảo hiểm quá hạn, anh cảnh sát tuýt còi và đã đi viện chữa đẻ tốn tiền, rồi còn nhọ.
Anh cảnh sát hỏi: "Tết nhất rồi đi đâu vội thế ? Chị biết mình sai gì chưa?". "Dạ em biết ạ, em xin lỗi, em đi khám hiếm muộn, mải nghĩ quá nên có vi phạm". Anh cảnh sát hỏi tiếp: "Chị hiếm muộn ạ? Mấy năm rồi?". "Dạ 8 năm", mình đáp. "Vậy chị đi đi cho kịp. Chúc chị sang năm mới đón cún yêu". Chưa định hình chuyện gì thì anh nói tiếp: "Bố mẹ em cũng hiếm muộn và em là con nuôi".
Mình lên xe, nổ máy. Tiếng máy nổ rộn ràng như tiếng lòng mình vậy. Đúng là âm vang của Tết...
Theo An Na Le/vnexpress.net