Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Cách ứng xử với con riêng của bạn đời

Tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam gia tăng nhanh chóng và kèm với đó là tỷ lệ tái hôn cũng tăng. Làm thế nào để có thể dung hòa và sống hạnh phúc trong một gia đình có sự hiện diện của cả “con anh, con tôi, con chúng ta” là điều nhiều người băn khoăn, lo lắng.

Nhiều đứa trẻ tỏ ra không thích, thậm chí là chống đối khi được mẹ kế/ cha dượng dạy bảo. Cho dù tức giận đến bao nhiêu, bạn cũng không nên mạt sát, chỉ trích trẻ, đặc biệt không được đánh trẻ. Ảnh minh họa

Nhiều đứa trẻ tỏ ra không thích, thậm chí là chống đối khi được mẹ kế/ cha dượng dạy bảo. Cho dù tức giận đến bao nhiêu, bạn cũng không nên mạt sát, chỉ trích trẻ, đặc biệt không được đánh trẻ. Ảnh minh họa

Cẩn trọng khi nói về cha/ mẹ đẻ của trẻ

Thùy Minh (năm nay 35 tuổi), cô đã tái hôn được 4 năm. Minh sống cùng chồng và cậu con trai riêng của chồng năm nay 15 tuổi. Con trai chung của cô với người chồng hiện tại mới hơn 2 tuổi. Con trai riêng của cô với người chồng cũ 13 tuổi, bé không sống cùng mẹ mà ở với ông bà nội. Cuối tuần, cô và người chồng hiện tại sẽ sang đón con về chơi. Ngay khi quyết định tái hôn, Minh đã xác định trong cuộc hôn nhân lần này, mình sẽ rất vất vả, thậm chí sẽ có lúc phải chịu thiệt thòi, nhún nhường. Nhưng cô vô cùng trân trọng sự yêu thương mà người chồng hiện tại dành cho mình, vì anh cô đã cố gắng đối xử thật tốt với con riêng của chồng để gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Có một bí quyết Thùy Minh đặc biệt nhấn mạnh khi nói về quan hệ mẹ kế - con riêng, đó là không bao giờ nói xấu người mẹ của trẻ trước mặt chồng hay các con, mặc dù cô biết rất rõ, người phụ nữ ấy đã nhẫn tâm bỏ chồng, bỏ con để đi theo tình nhân. Thậm chí, cô còn động viên, khích lệ con riêng của chồng nên tích cực đến chơi và gọi điện hỏi thăm mẹ đẻ và ông bà ngoại.

Quan hệ tốt với người cũ của chồng/ vợ hiện tại

Ðiều này nghe có vẻ hơi khó, nhưng nếu suy nghĩ một cách tích cực thì quan hệ tốt với người cũ của chồng/ vợ, bạn sẽ có lợi. Dù vì bất cứ lý do gì mà chồng/ vợ bạn và người cũ chia tay, thậm chí trước đó, có thể cô ấy/ anh ấy đã đối xử tệ với chồng/ vợ bạn, nhưng nếu cô ấy/ anh ấy không dứt khoát buông bỏ cuộc hôn nhân này thì liệu bạn có thể đến được với người chồng/ vợ hiện tại? Hãy nghĩ đơn giản, cô ấy/ anh ấy là mẹ/ cha của những đứa trẻ mà bạn đang nuôi. Vợ chồng bạn và người cũ đều cùng chung trách nhiệm nuôi dạy và chăm sóc những đứa trẻ.

Nếu bạn có thể đối xử đúng mực với người cũ của người bạn đời hiện tại, bọn trẻ sẽ nhìn bạn với ánh mắt kính nể và nhiều thiện cảm.

Nếu bạn không phải là nguyên nhân khiến chồng/ vợ bạn hiện tại và người cũ chia tay thì giữa bạn và người cũ hoàn toàn có thể xem nhau như bạn bè, chẳng có lý do gì để phải ghét bỏ hay đố kị.

Lắng nghe những gì trẻ nói

Bạn không nên áp đặt suy nghĩ của mình mà bỏ qua suy nghĩ của trẻ. Trẻ cũng có cảm xúc và ý kiến riêng, hãy khuyến khích trẻ nói ra suy nghĩ của mình. Tuy nhiên, không phải lúc nào suy nghĩ của trẻ cũng đúng đắn, trong trường hợp trẻ hiểu sai vấn đề, bạn cần kiên nhẫn chỉ ra cho trẻ thấy.

Ngược lại, nếu bạn đã nghĩ sai, hoặc làm sai điều gì, hãy dũng cảm thừa nhận sai lầm ấy. Việc cha mẹ phải xin lỗi các con, trong đó có con riêng của chồng/ vợ không có gì là mất mặt. Hãy để trẻ biết rằng, ai cũng có thể có sai lầm, quan trọng là chúng ta sẽ sửa chữa sai lầm ấy như thế nào.

Quan tâm đến thói quen và sở thích của trẻ

Trẻ em thường có nhiều sở thích và đam mê, là cha/ mẹ kế của trẻ, bạn nên tìm hiểu và thử tham gia cùng con để tăng cơ hội gắn kết và hiểu nhau hơn.

Ví dụ, trẻ thích ăn pizza, có khó gì đâu nếu thỉnh thoảng bạn mua bánh pizza cho trẻ hoặc tự tay vào bếp nướng bánh pizza để cả nhà quây quần bên nhau cùng thưởng thức.

Nếu trẻ thích đọc sách, bạn nên mua sách cho trẻ và đọc sách cùng con.

Nếu trẻ thích chơi bóng rổ và bạn cũng có thể chơi được bóng rổ thì tại sao không cùng con tập luyện, thậm chí là thi đấu với nhau.

Nếu trẻ thích vẽ tranh, hãy mua bút, màu vẽ cho trẻ, thể hiện sự quan tâm của bạn tới những tác phẩm nghệ thuật tâm huyết của trẻ.

Hoặc nếu trẻ là fan cuồng của những bộ phim siêu anh hùng, khi rảnh rỗi bạn hãy xem những bộ phim này để biết tại sao con lại thích phim siêu anh hùng đến thế, phải chăng con có mong ước gì ẩn đằng sau những bộ phim ưa thích này.

Quan tâm đến việc học hành của trẻ

Quan tâm đến việc học của trẻ ở trường không chỉ thể hiện bạn là một người cha, người mẹ kế có trách nhiệm, mà điều này còn giúp trẻ nhận ra rằng, chúng được cha mẹ kế quan tâm và yêu thương thật lòng.

Hãy cố gắng thu xếp thời gian để tham gia các cuộc họp phụ huynh, các hoạt động văn nghệ hoặc thể thao ở trường mà trẻ tham gia; thường xuyên trao đổi với giáo viên chủ nhiệm hoặc hỏi han bạn của con riêng xem trẻ ở trường học tập và cư xử như thế nào.

Là cha mẹ kế, bạn nên quan tâm đến thói quen và sở thích của con riêng và cố gắng tham gia cùng trẻ trong các hoạt động đó để có thể hiểu trẻ hơn.

Là cha mẹ kế, bạn nên quan tâm đến thói quen và sở thích của con riêng và cố gắng tham gia cùng trẻ trong các hoạt động đó để có thể hiểu trẻ hơn.

Nhờ chồng/ vợ hỗ trợ nếu con riêng khó bảo

Nhiều đứa trẻ tỏ ra không thích, thậm chí là chống đối khi được mẹ kế/ cha dượng dạy bảo. Cho dù tức giận đến bao nhiêu, bạn cũng không mạt sát, chỉ trích trẻ, đặc biệt không được đánh trẻ. Bởi với trẻ, cái đánh của cha mẹ ruột là vì trẻ không ngoan, không vâng lời, nhưng với cha mẹ kế cái đánh đó là sự xúc phạm và trẻ sẽ ghim mãi trong lòng.

Dù bạn có yêu thương thật lòng và quan tâm trẻ bao nhiêu, chúng vẫn có thể có suy nghĩ rằng, bạn chẳng qua chỉ là cha/ mẹ kế, bạn không thể nào thay thế được cha/ mẹ đẻ của chúng. Bạn không cần phải cố gắng thay thế cha/ mẹ đẻ của trẻ.

Những vấn đề nhạy cảm, hoặc trẻ tỏ ra quá cứng đầu, hãy chia sẻ để chồng/ vợ bạn trợ giúp. Thường trẻ sẽ nghe lời bố mẹ ruột hơn.

Đừng chỉ quan tâm đến con riêng của mình

Cuộc ly hôn nào cũng khiến cho trẻ bị tổn thương ít nhiều. Ða phần các bậc phụ huynh đều dành sự quan tâm tối đa cho con cái sau ly hôn vì nghĩ con đã chịu nhiều thiệt thòi. Tuy nhiên, nếu bạn đã tái hôn và có thêm những đứa con khác - con chung và con riêng của chồng/ vợ, bạn bắt buộc phải dành tình yêu thương và sự quan tâm cho tất cả bọn trẻ, đừng chỉ chăm chăm quan tâm đến con riêng của mình.

Không bắt người bạn đời của bạn phải đưa ra lựa chọn

Ngay cả cha mẹ ruột và con cái cũng nhiều lúc xảy ra xung đột, tranh cãi nảy lửa. Vậy nên, trong quá trình chung sống, nếu cha/ mẹ kế có xảy ra xung đột với con riêng thì đó cũng là điều dễ hiểu. Bạn không nên đưa người bạn đời vào tình huống khó xử khi phải lựa chọn giữa bạn và con riêng của họ.

Nếu con riêng còn nhỏ, quá trình hòa hợp với cha/ mẹ kế thường sẽ diễn ra nhanh hơn. Nếu con riêng đã lớn, đặc biệt lại đang trong giai đoạn dậy thì, việc thích nghi với cha mẹ kế sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều. Bản thân trẻ đang trong một giai đoạn khó khăn lại gặp biến cố về gia đình sẽ khiến trẻ có nhiều tâm tư, suy nghĩ; trong trường hợp này, cha/ mẹ kế cần hết sức kiên nhẫn và bao dung với trẻ.