Tôi 38 tuổi, là trưởng phòng một công ty chuyên về xử lý môi trường tại Hà Nội. Ngoài làm tại cơ quan, tôi nhận một số dự án bên ngoài nên hay phải đi "giao lưu". Từng có thời gian, tôi cả tuần không ăn bữa cơm tối nào ở nhà: Thứ hai gặp đối tác làm ăn, thứ ba, thứ 5 đi đánh tennis rồi làm chầu bia, thứ 4 tiếp khách cùng sếp, cuối tuần tụ tập mấy đứa bạn nối khố...
Vợ tôi là người phụ nữ đảm đang. Cô ấy xinh xắn và tháo vát. Vợ tôi đi làm toàn thời gian nhưng về nhà vẫn đủ thời gian nấu món ngon. Hai đứa con kháu khỉnh một trai một gái của tôi cũng được Vợ chăm sóc chu đáo. Ban đầu, khi tôi hay đi nhậu, nàng gọi điện liên tục giục về. Rồi nàng thủ thỉ bảo lo cho sức khỏe của tôi, kể người quen này bị viêm gan, đồng nghiệp nọ mắc ung thư... do uống quá nhiều. Tôi nghe rồi gật gù nhưng lại quên ngay. Tôi cũng đâu thích uống, nhưng nhiều khi không có bia rượu không xong việc!
Ảnh minh họa: Blogs.universal.org. |
Ngọt nhạt chán, vợ chuyển sang chính sách giận dỗi, cấm vận "chuyện ấy", thậm chí không thèm dậy mở cửa cho chồng khi tôi đi nhậu về. Chuyện nhỏ. Tôi phóng ra nhà nghỉ hoặc phi thẳng về nhà mẹ đẻ (cách đó có 3 km) đánh một giấc. Sau mấy lần như vậy, vợ tôi còn bị mẹ chồng mắng thêm "vì không biết giữ chồng, không biết chăm chồng"... Tôi cũng thấy tội tội và hơi áy náy nhưng rồi lại tặc lưỡi, kệ.
Thế rồi, tôi thấy vợ thoáng hẳn, cô ấy làm thêm khóa ngoài, đánh riêng chìa khóa đưa cho tôi để "anh thích nhậu tới khi nào thì tùy, về thì tự mở cửa vào nhà, khỏi gọi làm em mất ngủ". Ban đầu tôi cũng khoái nhưng vài hôm sau bắt đầu thấy gợn gợn. Tôi về mấy giờ, cả tuần đi nhậu cô ấy cũng chẳng nói hay hỏi han gì. Vợ cũng không còn phần cơm tôi như trước.
Rồi một tối, khi đi nhậu về lúc nửa đêm, dù đang loạng choạng, tôi mở thật to mắt khi nhìn thấy lá đơn ly dị nằm trên bàn, bên cạnh là lá thư dài 3 trang của vợ. Không như nhiều phụ nữ khác, hễ giận chồng là dọa chia tay, 10 năm bên nhau, vợ tôi chưa lần nào nhắc tới từ này. Cô ấy cũng từng bảo "vợ chồng nghĩa nặng tình sâu, chỉ khi nào không thể chịu nổi nhau nữa, muốn xa nhau thật sự, chúng mình hãy nói tới từ ly hôn". Bởi vậy, tôi thực sự thấy lạnh sống lưng khi nhìn những dòng chữ nhảy nhót.
Trong lá thư vợ viết, cô ấy bảo tôi bây giờ không còn là người cô ấy yêu nữa. Cô ấy không còn cảm xúc gì khi ngửi mùi bia rượu nồng nặc trên người tôi, rồi cảm giác căm thù dâng lên khi nhìn tôi về với bộ dạng nhếch nhác giữa đêm trong khi đứa con bé sốt cao cả ngày mà bố nó không biết. Vợ nói đã quá chán và không muốn tiếp tục cuộc sống thế này nên hai vợ chồng hãy giải phóng để mỗi người tự sống theo ý muốn.
Lúc đó, tôi vẫn nghĩ chắc vợ làm thế này để dọa mình. Cô ấy không đời nào bỏ tôi. Cô ấy là mẫu phụ nữ hết lòng vì gia đình và con cái. Nhưng tôi đã nhầm. Vợ tôi đã bình tĩnh và cứng rắn đến mức đáng sợ khi đối mặt với tôi. Cô ấy không khóc, không kể tội tôi, bảo mọi thứ cần nói đã viết hết rồi. Tôi cũng làm găng, còn gây áp lực bằng cách không cho cô ấy nuôi con nếu vợ chồng bỏ nhau. Không ngờ, cô ấy bảo tôi cứ đưa hai con về nhà nội nếu muốn. Tôi thật sự hoảng. Có vẻ như vợ chán tôi đến mức cô ấy chấp nhận mọi thứ để được giải thoát khỏi. Tôi dắt hai đứa con về nhà mẹ đẻ. Hai đứa trẻ đã quen quấn quít với mẹ liên tục đòi gặp mẹ. Đêm chúng thức dậy rồi thơ thẩn vì nhớ mẹ...
Xa vợ, tôi cũng thực sự nhớ cô ấy và thấy hối hận. Ở nhà bố mẹ mình nhưng tôi không hề thấy thoải mái, vui vẻ dù được mẹ chăm lo. Sau gần một tháng, lấy cớ hai đứa trẻ khóc lóc quá nhiều, tôi đưa con về với vợ và xin lỗi cô ấy, mong cô ấy cho tôi một cơ hội để quay về và sửa đổi. Vợ đồng ý nhưng vẫn bày tỏ sự cương quyết thà kết thúc hôn nhân chứ không chấp nhận "người chồng nát rượu có thể làm hỏng cả con".
Bây giờ tôi vẫn chưa hoàn toàn bỏ rượu nhưng tần suất ít hơn hẳn. Tháng chỉ 2-3 lần và không bao giờ đi quá 12 giờ. Mỗi lần tôi đi nhậu, vợ không nhắc nhở gì. Cô ấy lập một cái bảng lịch treo giữa nhà, để con gái đánh dấu những ngày tôi đi nhậu. Tôi nhớ mãi câu của vợ "anh muốn con trai trở thành người thế nào, con gái lấy người chồng ra sao, thì hãy sống vậy".
Thực sự không dễ bỏ những cuộc vui, nhất là trong thời buổi này, khi mọi người xung quanh đều coi nhậu là chuyện thường, là cách để kết giao, có hợp đồng, chứng tỏ bản thân... Nhưng rõ ràng, khi phải đánh đổi bỏ những thứ đó đi để lấy điều quan trọng hơn - được yêu và tôn trọng bởi những người mình yêu thương nhất - thì rất đáng để nỗ lực. Hơn nữa, khi ít rượu bia hơn, rõ ràng, tôi vẫn không hề mất đi các hợp đồng giá trị hay những mối quan hệ bằng hữu của mình.