Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Cách xử trí khi người thân bị đột quỵ

Đột quỵ là căn bệnh cấp tính, đột ngột, có tính chất nguy hiểm cao, người bệnh đối mặt với di chứng tàn tật, thậm chí tử vong. Vì thế ai cũng cần nắm vững cách phát hiện và xử lý căn bệnh này kịp thời để cấp cứu cho bệnh nhân. Bên lề Hội nghị khoa học toàn quốc chuyên ngành Hồi sức cấp cứu và chống độc vừa diễn ra tại Hà Nội, TS Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai) đã đưa ra những cảnh báo và hướng dẫn trong việc cấp cứu người bệnh đột quỵ.

 

Dấu hiệu của bệnh đột quỵ
Đột quỵ, hay còn gọi là tai biến mạch máu não là tình trạng bệnh lý do tổn thương mạch máu não. Bệnh xảy ra khi việc cung cấp máu lên một phần của não bộ bị ngừng trệ đột ngột.
Đột quỵ có thể xảy ra do 2 nguyên nhân: Do nhồi máu não (tắc mạch) làm ngừng trệ dòng máu lên nuôi não hoặc chảy máu não (vỡ mạch) làm cho máu trong lòng mạch thoát ra bên ngoài tràn vào mô não phá hủy và chép ép mô não.
Do chứng bệnh này không có triệu chứng báo hiệu kéo dài nên không ai có thể biết trước mình sẽ bị đột quỵ. Chính vì thế, bạn hãy nắm vững những dấu hiệu sau đây là có thể phát hiện sớm chứng đột quỵ ở bản thân hay những người xung quanh để có thể cấp cứu kịp thời.
– Dấu hiệu ở thị lực: Thị lực giảm, nhìn mờ dần cả hai mắt hoặc một mắt, tuy nhiên biểu hiện này không rõ ràng nên người bên cạnh khó nhận ra. Chỉ có người bệnh khi nhận thấy mình có dấu hiệu này thì nên yêu cầu được cấp cứu ngay.
– Dấu hiệu ở mặt: Mặt có biểu hiện thiếu cân xứng, miệng méo, nhân trung hơi lệch qua một bên so với bình thường, nếp mũi má bên yếu bị rũ xuống. Đặc biệt khi người bệnh nói hoặc cười thì sẽ thấy rõ dấu hiệu méo miệng và thiếu cân xứng trên mặt.
– Dấu hiệu ở tay: Cảm giác của người bị đột quỵ là tay bị tê mỏi, khó cử động, khó thao tác. Ngoài ra thì người bệnh cũng cảm thấy đi lại khó khăn, không nhấc chân lên được.
– Dấu hiệu qua giọng nói: Người bị đột quỵ có thể gặp triệu chứng nói ngọng bất thường, môi lưỡi bị tê cứng, miệng mở khó, phải gắng sức thì mới nói được.
– Dấu hiệu qua nhận thức: Người bệnh có biểu hiện rối loạn trí nhớ, không nhận thức được, mắt mờ, tai ù không nghe rõ.
– Dấu hiệu ở thần kinh: Người bệnh cảm thấy nhức đầu dữ dội. Đây là triệu chứng nặng và khá phổ biến của bệnh đột quỵ, nhất là người bệnh có tiền sử bị đau nửa đầu.
Can thiệp càng sớm  càng tốt
Theo TS Nguyễn Văn Chi, một thực tế tồn tại trong cấp cứu bệnh nhân đột quỵ là người nhà cuống quá chạy quanh nên thời gian đến viện muộn. Trong khi đó với đột quỵ, tiếp cận can thiệp càng sớm càng tốt. Chỉ một phút chậm trễ đã có thể khiến hàng triệu tế bào não bị chết, để lại tình trạng di chứng não không phục hồi.
Với cấp cứu đột quỵ, thời gian cực kỳ quan trọng. Chậm trễ về thời gian sẽ phải trả giá bằng tổn thương não. Trong khi tại bệnh viện, như tại BV Bạch Mai, đã có đội phản ứng nhanh cấp cứu đột quỵ, khi bệnh nhân vào viện sẽ được khởi động dây truyền cấp cứu, cho phép từ thời điểm người bệnh vào viện đến khi hoàn thành tất cả các chiếu chụp, xét nghiệm, can thiệp chỉ trong 45 phút (thực tế đều hoàn thành trước 45 phút) thì thời gian người bệnh từ nhà di chuyển đến bệnh viện lại quá muộn do có nhiều nhận thức sai lầm trong cấp cứu, phí thời gian vào những việc không hợp lý, qua mất thời gian vàng để can thiệp cho bệnh nhân đột quỵ. Tiêu chuẩn vàng là thực hiện tiêu sợi huyết dưới 3 tiếng đồng hồ sau khi bệnh nhân có triệu chứng và thời gian cho phép tối đa 4,5 giờ.


Được đưa đến bệnh viện sớm, người bị đột quỵ sẽ phục hồi rất tốt

 

Vì vậy, khi phát hiện người thân có dấu hiệu bất thường liên quan đến chức năng vận động, ý thức do đột quỵ, đừng vội vàng cạy miệng bệnh nhân cho ngay một viên an cung ngưu hoàng hoàn vào miệng, hay cố đánh gió, cho uống đủ thứ thuốc. Thời điểm này bệnh nhân mê, liệt, nhiều rối loạn vẫn cố cạy miệng cho cho thuốc vào người bệnh có thể tử vong vì sặc.
Khi một người xuất hiện các bất thường về chức năng ý thức, vận động như: nói khó, nói ngọng, liệt nửa mặt, liệt… cách tốt nhất là ngay lập tức đặt bệnh nhân ở tư thế an toàn. Đó là nằm đầu cao nghiêng về một bên để lưỡi không tụt, chèn vào đường thở, không bị sặc nếu có nôn, đờm dãi
Nhiều người không biết cách sơ cứu đơn giản này, cho bệnh nhân nằm ngửa , do trọng lực làm hàm rơi ra phía sau, lưỡi bị tụt xuống và làm lấp tắc đường thở. Nếu bệnh nhân nôn trong khi đang nằm ngửa, người bệnh dễ dàng hít phải các chất nôn vào phổi gây tắc đường thở hoặc suy hô hấp rất nguy hiểm. Khi đặt bệnh nhân nằm nghiêng về một bên, các chất nôn dễ dàng thoát ra ngoài. Đồng thời ngay lập tức kết nối nhanh với đơn vị y tế, hoặc chủ động đưa bệnh nhân đến bệnh viện.
Đừng nhầm đột quỵ với trúng gió
TS Nguyễn Văn Chi cho biết, trong dân gian có khái niệm “trúng gió”, “cảm”. Đây là khái niệm chỉ tình trạng bất thường về sức khỏe một cách đột ngột. Mọi vấn đề, từ đau bụng nôn nhiều, sau tắm thấy lạnh, đêm ngủ đi vệ sinh bị yếu nửa người… người ta cũng cho rằng là cảm, trúng gió. Trên thực tế, có những người sau nghỉ ngơi, uống cốc trà gừng lại trở về bình thường, nhưng cũng có những người là do đột quỵ não.
Thế nhưng người dân không thể phân biệt giữa trúng gió và đột quỵ. Một người xuất hiện nói khó, nói ngọng, liệt, sau đó trở về bình thường đó là những nghi ngờ của cơn thiếu máu thoáng qua, người dân không thể có kiến thức để khẳng định, giải quyết được vấn đề đó mà cần phải được đưa đến viện. Người bệnh cũng đừng mạo hiểm chờ đợi xem có qua cơn “trúng gió” hay không vì có thể bỏ qua cơ hội điều trị.
Tại A9, bệnh viện Bạch Mai, các ca cấp cứu do đột quỵ đang tăng trong các năm gần đây, có thời điểm tiếp nhận 3-5 ca/ngày. Đột quỵ nếu không được xử trí sớm sẽ gây các tai biến nặng nề gây tổn thương não, liệt. Vì thế, các bác sĩ khuyến cáo khi có những bất thường vận động, ý thức cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế sớm nhất.