Cải cách chính sách BHXH là yêu cầu cấp thiết để đảm bảo an sinh xã hội
Thông tin về các kết quả đạt được trong thực hiện chính sách BHXH, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình liệu cho biết, trong giai đoạn 5 năm 2013 – 2017, BHXH Việt Nam đã có nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong công tác thực hiện chính sách BHXH và đã đạt được những mục tiêu cơ bản.
Đối tượng tham gia BHXH phát triển tăng mới được 3,25 triệu người so với năm 2012 (tăng 30,8%), bình quân mỗi năm tăng khoảng 650.000 người (6,2% năm). Đến hết năm 2017 số người tham gia BHXH là 13,82 triệu người (chưa bao gồm khoảng 1,3 triệu người đang bảo lưu thời gian đóng BHXH), đạt 25,8% so với lực lượng lao động; số người tham gia BHTN đến hết năm 2017 là gần 11,8 triệu người đạt 22% so với lực lượng lao động.
Về giải quyết và chi trả các chế độ BHXH, bình quân hàng năm giải quyết cho trên 150 nghìn người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng, đưa tổng số người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng tại thời điểm 31/12/2017 lên gần 3,2 triệu người, tăng 18,7% so với năm 2012; trên 8,5 triệu lượt người hưởng các khoản trợ cấp một lần, ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; tổ chức chi trả chế độ BHTN cho trên 700 nghìn lượt người.
“Chính sách BHXH đã thực sự trở thành trụ cột chính trong hệ thống chính sách an sinh xã hội. Diện bao phủ BHXH không ngừng được mở rộng cả về số người tham gia và số người thụ hưởng”- ông Trần Đình Liệu cho biết.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp chia sẻ thông tin về chính sách BHXH đa tầng
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, qua giám sát trong thời gian qua đã cho thấy còn tồn tại nhiều vấn đề liên quan đến chính sách BHXH. Đó là: Nguy cơ mất cân đối quỹ BHXH; Độ bao phủ không thể đạt khó đạt mục tiêu 50% lực lượng
lao động tham gia BHXH đến năm 2020 bởi theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH đến nay mới chỉ đạt được khoảng 29%. Bên cạnh đó, công thức tính lương hưu của chúng ta quá thấp; tình hình nợ đọng BHXH cao; Gần đây người lao động lại có xu hướng rút BHXH để hưởng BHXH một lần.
‘Cuối cùng, chúng ta bắt đầu kết thúc thời kỳ dân số vàng chuyển sang thời kỳ dân số già hóa. Cung lao động của chúng ta hiện nay đang lớn hơn cầu sử dụng nhưng đến một giai đoạn nào đó, cung lao động sẽ ít hơn cầu sử dụng. Nếu chúng ta không kéo dài thời gian lao động, không có các giải pháp khắc phục những tồn tại trên thì chắc chắn, chính sách
bảo hiểm sẽ có vấn đề. Tôi nghĩ rằng, xuất phát từ những vấn đề này mà Đảng và Nhà nước đã có chủ trương cải cách chính sách BHXH và đây là yêu cầu khách quan, cần thiết để bảo đảm an sinh xã hội’- Ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.
Chính sách BHXH: Cần đề cao yếu tố phòng ngừa thay vì giải quyết hậu quả
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, đối với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, chính sách BHXH đều được coi là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội. Bởi vì, chính sách BHXH ngoài ý nghĩa về kinh tế, xã hội còn có ý nghĩa chính trị do phạm vi tác động rộng lớn không chỉ đối với người lao động đang làm việc mà cả người lao động đã hết tuổi lao động; không chỉ lao động khu vực chính thức mà cả lao động phi chính thức.
Tuy nhiên chính sách BHXH nói riêng và hệ thống chính sách an sinh xã hội nói chung hiện nay vẫn mang tính đơn lẻ và thiếu tính kết nối, từ đó dẫn tới hệ quả là trên thực tế vẫn còn nhiều những “khoảng trống” chính sách mà ở đó các đối tượng chưa nhận được sự bảo vệ, sự đảm bảo an toàn và an ninh
thu nhập từ hệ thống an sinh xã hội của Nhà nước.
Chính vì thế, trong cải cách chính sách BHXH lần này, hệ thống BHXH đa tầng được xác định với 3 tầng: trợ cấp hưu trí xã hội; BHXH cơ bản bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện và Bảo hiểm hưu trí bổ sung. Như vậy, khi thực hiện hệ thống BHXH đa tầng sẽ giúp người dân tiếp cận chính sách BHXH một cách toàn diện, đầy đủ các chế độ và tiến tới mọi người cao tuổi đều có lương hưu hoặc từ ngân sách nhà nước, hoặc từ quỹ BHXH, sẽ không có người cao tuổi nào bị bỏ rơi lại phía sau.
Đại biểu tham dự buổi giao lưu trực tuyến
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng cho rằng, thời gian qua, chính sách BHXH của chúng ta vẫn nặng về giải quyết hậu quả mà nhẹ về phòng ngừa. Chẳng hạn như chính sách bảo hiểm thất nghiệp, khi người lao động thất nghiệp thì chúng ta chi trả trợ cấp thất nghiệp, đào tạo các kỹ năng mới cho họ để đáp ứng được yêu cầu công việc của thị trường, trong khi còn rất nhẹ về phòng ngừa và giảm thiểu hậu quả của thất nghiệp.
“Cần phải thấy rằng, trong bất kỳ một chính sách bảo hiểm nào thì các giải pháp phòng ngừa là quan trọng nhất. Vì thế sắp tới sẽ phải sửa đổi chính sách BHXH theo hướng là chúng ta phải có giải pháp phòng ngừa. Chẳng hạn, để doanh nghiệp tránh sa thải lao động thì cần có quỹ hỗ trợ. Rất nhiều nước, đối với những người có nguy cơ sa thải cao và khả năng tìm
việc làm khó thì quỹ sẽ hỗ trợ một phần bảo hiểm. Như vậy sẽ giảm được chi phí cho doanh nghiệp và doanh nghiệp sẽ giữ họ ở lại làm việc.”- Thứ trưởng Doãn Mậu Diêp nhấn mạnh.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, hiện nay, theo phân công của Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đã xây dựng trình Chính phủ dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH. Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ đã bám sát vào 5 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 11 nội dung cải cách được nêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW để cụ thể hóa thành từng nhiệm vụ, giải pháp cụ thể gắn với trách nhiệm triển khai thực hiện của từng bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ cũng đã giao cụ thể trách nhiệm các cơ quan chủ trì, các cơ quan phối hợp và tiến độ thực hiện từng nhiệm vụ. Sau khi Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương sẽ căn cứ vào chức năng, thẩm quyền, nhiệm vụ được giao để xây dựng ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW.
Theo Châu Giang/Baodansinh.vn