Đây là nội dung chính trong Thông cáo chung do Bộ LĐ-TB&XH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng đưa ra tại “Diễn đàn Quan hệ lao động Việt Nam lần thứ 1”, được đồng tổ chức với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ngày 19/4 tại Hà Nội. Thông cáo ghi rõ: “Chúng tôi cam kết hợp tác với các đối tác trong việc tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện các nguyên tắc trong Tuyên bố 1998 của ILO về Các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lĩnh vực lao động, bao gồm nỗ lực nghiên cứu khả năng phê chuẩn các công ước cơ bản còn lại của ILO.”
Trong số 16 FTA Việt Nam tham gia, TPP là thỏa thuận thương mại tự do đầu tiên bao gồm các điều khoản về lao động. TPP không tạo ra bất kỳ tiêu chuẩn lao động quốc tế mới nào, nhưng cũng như FTA Việt Nam - EU, đòi hỏi Việt Nam thông qua và duy trì trong luật pháp, quy định và thực hành những quyền được nêu trong Tuyên bố 1998 của ILO, bao gồm tự do liên kết, quyền tổ chức và thương lượng tập thể, xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em và phân biệt đối xử tại nơi làm việc.
Khi tham gia TPP, người lao động có quyền tự do thành lập tổ chức mà họ lựa chọn ở cấp doanh nghiệp có thể có hoặc không trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Việt Nam trở thành thành viên của ILO từ năm 1992 và đã phê chuẩn 21 công ước của ILO bao gồm 5 trong số 8 công ước cơ bản. Các công ước cơ bản còn lại mà Việt Nam chưa phê chuẩn liên quan đến tự do hiệp hội, quyền thương lượng tập thể và xóa bỏ lao động cưỡng bức.
TS Chang Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam cho biết, Việt Nam sẽ phải thực hiện một cuộc cải cách quan trọng, đặc biệt là hệ thống quan hệ lao động, nếu Việt Nam muốn đủ điều kiện để hưởng lợi về kinh tế từ TPP.
Theo TS Chang Hee Lee, trọng tâm yêu cầu của TPP là Việt Nam cần tôn trọng nguyên tắc tự do liên kết và đây được coi là phần khó nhất trong chương lao động của TPP. Hiện nay, mọi tổ chức công đoàn tại Việt Nam đều phải thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Khi gia nhập TPP, người lao động sẽ có quyền tự do thành lập hoặc gia nhập tổ chức mà họ lựa chọn ở cấp doanh nghiệp. Các tổ chức này có thể có hoặc không thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
“Đây là một thay đổi quan trọng không chỉ đối với người lao động và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mà còn đối với người sử dụng lao động và Chính phủ. Bởi vì người sử dụng lao động có thể phải ứng phó với các tổ chức của người lao động không thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại nơi làm việc và Chính phủ sẽ phải xây dựng một hệ thống hiệu quả để xác nhận các tổ chức này với tư cách là tổ chức đại diện của người lao động tham gia vào thương lượng tập thể và các hành động tập thể khác trong quan hệ lao động”, TS Lee cho biết.
Theo TS Lee, việc cải cách quan hệ lao động đó là một con đường khó khăn nhưng có thể thực hiện đối với Việt Nam, bởi đất nước đã bắt đầu có những sáng kiến và chương trình thí điểm quan trọng do ILO hỗ trợ theo hướng đi này. Chẳng hạn như câu chuyện thành công về việc phát triển công đoàn theo phương pháp từ dưới lên, thông qua sự tham gia tự nguyện và trực tiếp của người lao động ở cấp cơ sở tại Hải Phòng, Đồng Nai. “ILO hoan nghênh kế hoạch của Việt Nam nhằm thực hiện nghiên cứu khả năng phê chuẩn các công ước cơ bản còn lại của ILO. Chúng tôi sẵn sàng sát cánh bên Việt Nam để thực hiện thành công các cải cách quan trọng về quan hệ lao động, giúp Việt Nam không chỉ hưởng lợi đầy đủ từ các lợi ích của các FTAs mà còn tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững dựa trên công bằng xã hội”, TS Lee khẳng định.
Khẳng định Việt Nam thực hiện những cam kết quốc tế mà Việt nam tham gia, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân nhấn mạnh: “Ở tầm quốc gia, Việt Nam sẽ phải điều chỉnh, bổ sung luật pháp quốc gia cho tương thích với những cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Đồng thời Việt Nam cũng phải xây dựng, tổ chức bộ máy, cơ chế, thiết chế và dành những nguồn lực cần thiết để thực thi có hiệu quả các cam kết đó”.
Diễn đàn Quan hệ lao động Việt Nam sẽ là diễn đàn ba bên cao cấp được tổ chức định kỳ, nơi lãnh đạo các đối tác ba bên (Chính phủ, đại diện doanh nghiệp, đại diện người lao động) cùng với các đối tác khác và ILO đánh giá những tiến bộ, thành tựu và những thách thức, tồn tại trong việc thực hiện pháp luật quốc gia và các cam kết quốc tế của Việt Nam về lao động.
Kể từ khi Bộ luật Lao động năm 1994 được thông qua, Việt Nam đã ghi nhận hơn 5.500 cuộc đình công. Tất cả đều là đình công tự phát, nghĩa là không có cuộc đình công nào do công đoàn tổ chức. |