Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Cài đặt sinh trắc học: Nhiều chiêu lừa đảo, cách nhận biết tránh “sập bẫy"

Thanh Nhung
Thanh Nhung

(Dân sinh) – Kẻ gian liên hệ khách hàng để dẫn dụ xác thực qua các link lạ hoặc trên các ứng dụng (app) giả mạo… từ đó, chiếm quyền điều khiển điện thoại và thực hiện chuyển tiền trái phép của khách hàng, theo ông Lê Hoàng Chính Quang, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (NHNN).

Thời gian qua xuất hiện một số hình thức lừa đảo liên quan đến việc hỗ trợ xác thực sinh trắc học, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khuyến nghị khách hàng chỉ thực hiện xác thực sinh trắc học thông qua ứng dụng chính thức và website chính thống của ngân hàng thương mại hoặc xác thực tại quầy.

Đã có hơn 4 triệu giao dịch được xác thực bằng sinh trắc học

Tại cuộc họp báo về kết quả điều hành chính sách tài chính tiền tệ 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, ông Lê Văn Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến hết ngày 22/7 đã có khoảng 26,3 triệu khách hàng thực hiện thành công xác thực sinh trắc học. 

lua-dao-sinh-trac-hoc.jpg
Các đối tượng lợi dụng việc nhiều người gặp khó trong việc xác thực sinh trắc học để tung chiêu lừa đảo. (Ảnh minh họa: B.VTC).

 

Trong đó có 22,5 triệu khách hàng thực hiện qua app và 3,8 triệu khách hàng thực hiện xác thực tại quầy. Có 25 tổ chức tín dụng đã gửi dữ liệu sinh trắc học sang Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06).

Từ ngày 1/7 đến nay, đã có hơn 4 triệu giao dịch được xác thực bằng sinh trắc học (Facepay) theo quy định, bao gồm các loại giao dịch như: Chuyển tiền trên 10 triệu đồng/giao dịch; chuyển tiền trên 20 triệu đồng/ngày; thanh toán hóa đơn hàng hóa, dịch vụ trên 100 triệu đồng/ngày; kích hoạt lần đầu hoặc thay đổi điện thoại sử dụng VCB Digibank… 

Số lượng giao dịch được xác thực bằng Facepay chiếm khoảng 4% tổng số giao dịch tài chính xử lý trên VCB Digibank.

Về tiến độ triển khai xác thực sinh trắc học với tài khoản ngân hàng, ông Lê Hoàng Chính Quang, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin thuộc NHNN cho biết, hiện mỗi ngày có khoảng 23 triệu giao dịch ngân hàng, trong đó, có khoảng 1,8 triệu giao dịch trên 10 triệu đồng, chiếm khoảng 8%. 

“Với tập dữ liệu khách hàng đã xác thực (26,3 triệu), có thể khẳng định dữ liệu thông tin đã được cập nhật tương đối đầy đủ, tất cả các giao dịch trên 10 triệu đồng bằng phương thức trực tuyến đều không bị ách tắc”, ông Quang nói.

Bên cạnh đó, để ngăn chặn hành vi lừa đảo thông qua việc gọi điện hỗ trợ xác thực sinh trắc học để chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, các ngân hàng cũng đã có thông báo cụ thể với khách hàng để cảnh báo về tình trạng lừa đảo này. 

Đồng thời, tiếp tục giám sát các tài khoản thanh toán qua thẻ tín dụng, nếu phát hiện dấu hiệu nghi ngờ thì yêu cầu xác thực giao dịch để đảm bảo an toàn.

Ông Quang cũng thông tin, thời gian qua xuất hiện một số hình thức lừa đảo liên quan đến việc hỗ trợ xác thực sinh trắc học. Kẻ gian liên hệ khách hàng để dẫn dụ xác thực qua các link (đường liên kết) lạ hoặc trên các ứng dụng (app) lạ…

Từ đó, kẻ gian sẽ có thể chiếm quyền điều khiển điện thoại và thực hiện chuyển tiền trái phép của khách hàng. 

Về việc này, NHNN đã ban hành văn bản để yêu cầu các tổ chức tín dụng có hướng dẫn, cảnh báo người dân, đồng thời có các giải pháp để xử lý và khuyến nghị khách hàng chỉ thực hiện xác thực sinh trắc học thông qua ứng dụng chính thức và website chính thống của ngân hàng thương mại hoặc xác thực tại quầy.

Tuyệt đối không xác thực sinh trắc học thông qua đường link lạ, app lạ… Đối với điện thoại không cấp quyền trợ năng hay phá khóa điện thoại để sử dụng vì có thể liên quan đến cài đặt quyền điều khiển. 

“Đặc biệt, không cung cấp các thông tin về tài khoản, mật khẩu, mã OTP, Smart OPT cho bất kỳ ai kể cả với nhân viên ngân hàng. Các ngân hàng cũng cần có những bản vá, bản cập nhật để kịp thời xử lý, ngăn chặn các lỗ hổng bảo mật", ông Quang nói.

Nợ xấu gộp đã lên mức 6,9%

Cũng NHNN cho biết, trong 6 tháng đầu năm, mặc dù được tập trung xử lý và kiểm soát, song xu hướng nợ xấu vẫn tiếp tục tăng.

Đến nay, nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng là 5%, tổng nợ xấu gộp (nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng) lên mức 6,9%.

Trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”. 

Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu ở mức dưới 3% (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém).

Trong đó, một số nhóm giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai là đánh giá chất lượng và khả năng thu hồi của các khoản nợ để có biện pháp xử lý thích hợp; thực hiện trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu theo đúng quy định pháp luật; 

Bổ sung, hoàn thiện hồ sơ pháp lý tài sản bảo đảm; thu nợ và xử lý tài sản bảo đảm; tiếp tục triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng…

NHNN đã triển khai nhiều giải pháp về kỹ thuật, công nghệ để tăng cường bảo mật, phòng chống lừa đảo trên không gian mạng từ như: làm sạch tài khoản, áp dụng các biện pháp xác thực mạnh trong giao dịch, chữ ký điện tử, Smart OTP; áp dụng các cơ chế giám sát các giao dịch bất thường để xử lý, ngăn chặn kịp thời… 

 

NHNN đang thí điểm giải pháp giám sát các tài khoản thanh toán, ví điện tử nghi ngờ gian lận, giả mạo đến tổ chức tín dụng. Theo đó, các tổ chức tín dụng sẽ báo cáo thông tin nghi ngờ giả mạo của các tài khoản này về NHNN.

 

"Nếu xác định bất thường, giao dịch có nguy cơ về gian lận, các tài khoản này sẽ bị chặn hoặc yêu cầu bắt buộc phải xác thực để tiếp tục thực hiện giao dịch", ông Lê Hoàng Chính Quang cho biết.