Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Cai nghiện "ma túy" video game cho con

Trong bối cảnh giãn cách do đại dịch Covid-19, trẻ phải học trực tuyến, làm bạn với các thiết bị điện tử đã khiến tình trạng nghiện game trở nên đáng báo động. Phóng viên "Vì trẻ em" đã phỏng vấn PGS.TS. Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN về mối nguy này và cách biến hại thành lợi khi trẻ nghiện game.

Báo động trẻ em nghiện game. Ảnh T Quyên

Báo động trẻ em nghiện game. Ảnh T Quyên

Báo động “ma túy” kỹ thuật số

Đã có nhiều năm nghiên cứu về việc trẻ em sử dụng mạng xã hội, nghiện game online, game bạo lực, PGS.TS. Trần Thành Nam có thể chia sẻ tác động của game tới nhận thức của trẻ ra sao?

Những nghiên cứu đi trước đã cho thấy, video game có tác động đến hệ thần kinh cũng như ma túy. Vì vậy, người ta gọi video game là “ma túy” kỹ thuật số. Việc chơi game quá độ cũng ảnh hưởng đến các chất dẫn truyền thần kinh như dopamine gây ức chế chức năng hoạt động của vùng trán trước. Mà bạn biết vùng trán trước có chức năng điều chỉnh và kiểm soát hành vi theo cách giống y như cocaine. Nghiện game làm mất đi chức năng này nên dẫn đến các hành vi thiếu kiểm soát, thiếu cảm thông với người khác.

Ngoài ra, khi chơi game, việc lặp đi lặp lại với những cảnh chém giết hoặc ngôn ngữ tục tĩu, hình ảnh phản cảm cũng làm trẻ em thay đổi nhận thức về việc sử dụng bạo lực và ngôn ngữ thô tục được trẻ coi là bình thường, và có thể ứng xử với các tình huống trong đời thực như trên game.

Tác hại của nghiện game nguy hiểm thế nào đến chất lượng học tập, đến sức khoẻ tinh thần, thể chất cũng như tương lai của các em, thưa ông?

Vì những tác hại của dạng “ma túy” kỹ thuật số này mà các nhà khoa học đã từng cân nhắc đưa nó vào danh mục các loại bệnh tâm thần. Trẻ em nghiện game có những biểu hiện đặc trưng như: Không thể dứt ra khỏi suy nghĩ về game, tận dụng mọi cơ hội để chơi game; Cảm thấy bồn chồn, ủ rũ, khó chịu hoặc dễ bị kích thích khi giảm thời gian, không được chơi, không được sử dụng; Sa sút học tập, giảm chất lượng công việc, mất các mối quan hệ có ý nghĩa do dành nhiều thời gian cho game, Internet, mạng xã hội; Chơi game quá 6 tiếng/ngày và nhu cầu chơi ngày càng tăng.

Khi phải tách trẻ em khỏi game sẽ xuất hiện các triệu chứng cai (với các biểu hiện như đổ mồ hôi lạnh, giận dữ, thay đổi cảm xúc…). Trẻ em chơi game quá độ còn gặp nhiều vấn đề về sức khỏe thể chất, các triệu chứng cơ thể điển hình như đau nửa đầu và các vấn đề về lưng, về mắt.

Về xã hội, hãy thử tưởng tượng tương lai của những em nghiện game: không tiền, không giáo dục, không có cuộc sống, thất bại học đường, mất việc, mất các mối quan hệ. Bởi với game thủ tất cả đều dành cho game mà nó không mang lại điều gì hữu ích cho cuộc sống của họ, cũng không đóng góp một giá trị hữu ích nào cho xã hội.

Trong khi đó, nhiều người nghiện game, chơi game liên tục 50h dẫn đến tử vong. Có những bố mẹ trẻ mải chơi game Pirus (một game nuôi dạy đứa trẻ ảo) đến mức bỏ mặc con đẻ của mình chết đói. Và cũng rất nhiều hành vi tội phạm như xả súng đều được lấy ý tưởng từ các tình huống game bạo lực.

Tái định hướng sự hứng thú của con vào các game giáo dục

Về cai nghiện “ma tuý” kỹ thuật số cho con, PGS.TS. Trần Thành Nam có tư vấn rất hay là phụ huynh nên định hướng cho con, biến hại thành lợi, để các con vừa học online vừa chơi, tận dụng các app giáo dục… ông có thể cho biết rõ hơn về các phương pháp này?

Với xu hướng phát triển của công nghệ, với sự xuất hiện của “vũ trụ ảo” Metaverse, cha mẹ không thể bắt con tuyệt giao với công nghệ và Internet. Nhưng yếu tố quan trọng nhất ở đây là sự kiểm soát. Hãy dạy con cách thức để con có thể kiểm soát được thời gian vào mạng và chơi game, đừng để game kiểm soát con. Có thể đây là thời điểm để đưa ra các nguyên tắc mới trong gia đình về thời gian tối đa dùng mạng của mỗi thành viên; những khoảng thời gian không vào mạng, không dùng thiết bị công nghệ để dành cho tương tác tình cảm thực.

Bên cạnh đó; yếu tố quan trọng thứ hai là “tính hữu ích”. Nếu như nghiện video game trước đây không giúp ích gì cho cá nhân trong những kỹ năng của cuộc sống thực thì bây giờ có nhiều doanh nghiệp công nghệ giáo dục đang vào cuộc, tạo ra nhiều game giáo dục có chất lượng. Cha mẹ cần tái định hướng sự hứng thú chơi game của con vào các game giáo dục; thay vì để cho con chơi game, hãy tạo môi trường và khuyến khích con tạo ra các game có ý nghĩa để kết nối tri thức với cuộc sống.

PGS.TS Trần Thành Nam có thể cho biết rõ hơn về nghiên cứu của mình?

Trong một nghiên cứu mới đây của chúng tôi có tổng hợp những lợi ích mới của trò chơi giáo dục nếu chúng ta ứng dụng xu hướng học Gamification hiệu quả. Đó là:

+ Trò chơi có thể được sử dụng làm công cụ nghiên cứu và đo lường.+ Trò chơi thu hút sự tham gia của nhiều người với đặc điểm nhân khẩu học đa dạng (ví dụ: tuổi, giới tính, dân tộc, tình trạng học vấn).

+ Trò chơi có thể hỗ trợ trẻ em thiết lập mục tiêu, đảm bảo mục tiêu, cung cấp phản hồi, củng cố và duy trì thay đổi hành vi.

+ Trò chơi có thể hữu ích vì chúng cho phép các nhà nghiên cứu đo lường hiệu suất trên rất nhiều nhiệm vụ và có thể dễ dàng thay đổi, chuẩn hóa và hiểu.

+ Trò chơi có thể được sử dụng khi kiểm tra các đặc điểm cá nhân như: lòng tự trọng, quan niệm về bản thân, đặt mục tiêu và sự khác biệt của cá nhân.

+ Trò chơi vui nhộn và kích thích người tham gia. Do đó, việc đạt được và duy trì sự chú ý của một người trong thời gian dài sẽ dễ dàng hơn. Vì sự vui vẻ và hứng thú, nó cũng có thể cung cấp một cách học tập sáng tạo.

+ Trò chơi có thể cung cấp các yếu tố tương tác có thể kích thích học tập.

+ Trò chơi cũng cho phép người tham gia trải nghiệm sự mới lạ, tò mò và thử thách. Điều này có thể kích thích việc học.

+ Trò chơi trang bị cho trẻ em kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ hiện đại. Theo thời gian, nó cũng có thể giúp loại bỏ sự mất cân bằng giới tính trong việc sử dụng công nghệ.

+ Trò chơi có thể giúp phát triển các kỹ năng sử dụng công nghệ.

+ Trò chơi có thể có hoạt động mô phỏng. Điều này cho phép người chơi tham gia, trải nghiệm với các hoạt động bất thường, phá hủy hoặc thậm chí tử vong mà không có hậu quả thực sự.

Xin cảm ơn PGS.TS. Trần Thành Nam!