Ông Dương Đức Thành, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Lâm Đồng cho biết, giai đoạn 2016 – 2018, đơn vị đã tiếp nhận 1.237 lượt học viên đến cai nghiện tự nguyện. Riêng trong 7 tháng đầu năm 2019, có 404 lượt học viên. Từ tháng 3/2019, tỉnh cũng đã ngưng tiếp nhận học viên là người ngoại tỉnh do vi phạm quy chế nhiều lần. Theo đánh giá, học viên cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Lâm Đồng có thời gian cai ít nhất là 6 tháng và nhiều nhất là 36 tháng. Số lượng người bệnh tự nguyện đến với Cơ sở ngày càng tăng với con số cai năm sau luôn cao hơn năm trước trên 40%.
Để thu hút được số lượng học viên đến cai nghiện ma túy tự nguyện, trong những năm qua, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp. Đầu tiên là quyết liệt, mạnh dạn chuyển đổi từ cơ sở cai nghiện bắt buộc sang cơ sở đa chức năng, từ phương thức tổ chức cai nghiện bắt buộc sang phương thức cai tự nguyện là chủ yếu, mô hình cai nghiện chuyển mạnh sang mô hình cung cấp dịch vụ, trọng tâm là đáp ứng nhu cầu chính đáng của cộng đồng và bản thân người nghiện.
Cùng với đó, xây dựng cơ chế tự chủ tài chính, tự chủ nhân sự, tự chịu trách nhiệm về chất lượng nhiệm vụ được giao. Tiếp đến là xây dựng và thực hiện nền tảng triết lý làm việc phù hợp. Đó là, áp dụng nguyên tắc làm việc: không cai trị người nghiện đi cai mà phải phục vụ nhu cầu cai nghiện – nhu cầu chính đáng của họ. Cơ sở cai nghiện ma túy phải là nơi cung cấp và đáp ứng nhu cầu cai nghiện ngày càng lớn của cộng đồng... Nhờ quán triệt mạnh mẽ, đến năm 2015, toàn bộ công việc này đã được Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Lâm Đồng thực hiện thành công.
Nhóm giải pháp thứ ba được thực hiện khá hiệu quả, giúp Cơ sở cai nghiện Lâm Đồng thực hiện tốt công tác cai nghiện, tiết kiệm mọi chi phí không cần thiết đó là xây dựng bộ máy tổ chức nhân sự phù hợp. Nhờ việc xây dựng được bộ máy nhân sự tốt mà có nhiều ngày, số lượng người làm việc của Cơ sở chỉ có 12 người nhưng vẫn quản lý tốt số học viên có mặt cùng lúc trên 360 người.
Một vấn đề quan trọng khác, đó là xây dựng Cơ sở cai nghiện là một mô hình cung cấp dịch vụ. Hiện Lâm Đồng có 2 nhóm dịch vụ. Một là nhóm dịch vụ cơ bản: y tế, nâng cao trình độ học vấn, bảo đảm an toàn, khôi phục nhân cách – tinh thần, hòa nhập cộng đồng. Hai là nhóm dịch vụ hỗ trợ: việc làm tại chỗ, giải trí – giao lưu, bảo đảm về đời sống, hỗ trợ sau cai nghiện, hỗ trợ cá nhân thực hiện một số nhu cầu chính đáng.
Các dịch vụ được thực hiện theo phương thức công khai và sòng phẳng: Sử dụng dịch vụ nào trả tiền dịch vụ đó, ngược lại, tham gia công việc nào được trả thù lao công việc đó. Các dịch vụ được hình thành trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu và sở thích học viên. Đồng thời, các dịch vụ luôn nhắm đến phục vụ cả hai nhóm đối tượng học viên (bắt buộc và tự nguyện), không có bất kỳ biểu hiện nào phân biệt đối xử trong phục vụ.
Nhằm tránh chủ quan, áp đặt trong dịch vụ và phương thức làm việc của viên chức, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Lâm Đồng còn áp dụng một giải pháp quan trọng là xây dựng cơ chế chấp nhận phản biện để đạt được sự hài lòng thông qua một số mô hình đánh giá chất lượng qua ý kiến phản hồi của người sử dụng dịch vụ (học viên). Cụ thể: Tổ chức khảo sát sự hài lòng của học viên và thân nhân học viên về chất lượng từng dịch vụ, thái độ phục vụ của từng viên chức cung cấp dịch vụ theo định kỳ 6 tháng/lần đối với học viên và 12 tháng/lần đối với thân nhân. Kết quả khảo sát được xử lý trên cơ sở giải trình các các cá nhân cung cấp dịch vụ, có so sánh kết quả kỳ trước, là căn cứ tham khảo để sắp xếp, đánh giá cán bộ.
Bên cạnh đó, Cơ sở Ban hành Bộ công cụ tiếp nhận và xử lý phản hồi của người sử dụng dịch vụ; Tổ chức Tổ phản biện của học viên để phản ánh kịp thời chất lượng dịch vụ, qua đó, đề xuất những điều chỉnh cần thiết; Duy trì thường xuyên mô hình đối thoại giữa viên chức và học viên.
Tổ chức nhiều mô hình truyền thông – tư vấn để quảng bá thông tin, thu hút người nghiện và gia đình đến với Cơ sở. Các loại hình này giúp cộng đồng biết thông tin, từ đó chủ động tìm đến với hoạt động cai nghiện của Cơ sở.
Có thể nói, thay đổi quan điểm về cai nghiện, biến hoạt động cai nghiện thành cung cấp dịch vụ, có đội ngũ chuyên viên thạo việc, thường xuyên lắng nghe thân chủ, chấp nhận phản biện để điều chỉnh giải pháp chính là những yếu tố tạo nên sức hút thu hút người nghiện ma túy tự nguyện đến cai nghiện với số lượng ngày càng đông tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Lâm Đồng. Tại Cơ sở này, không còn bất ổn về an ninh trật tự, không bị ám ảnh về chống đối, bỏ trốn, từ đó, đội ngũ bảo vệ, quản lý học viên chỉ chiếm tỷ lệ dưới 20% tổng số đội ngũ nhân viên. Nguồn thu sự nghiệp luôn cao hơn kinh phí tự chủ do ngân sách cấp, tạo điều kiện tăng thu nhập cho viên chức, tăng đầu tư cho các hoạt động phát triển sự nghiệp. Đây chính là hiệu quả và thành công để các Cơ sở cai nghiện ma túy khác có thể học tập kinh nghiệm cho công tác cai nghiện của đơn vị mình.