Khó tiếp cận chính sách an sinh xã hội
Tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm đánh giá, hiện nay hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam đã khá đầy đủ, bao quát tất cả các lĩnh vực: Thúc đẩy phát triển thị trường lao động, phát triển mạng lưới hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH), tích cực giảm nghèo, thay đổi phương pháp tiếp cận về nghèo đói... Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là mức độ quan tâm chưa thật tương thích, đầy đủ giữa các nhóm, trong đó có nhóm lao động di cư khu vực phi chính thức (PCT). Theo Thứ trưởng, nhóm này đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách an sinh xã hội nói chung và chính sách về BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) nói riêng.
Nhất trí đánh giá chính sách, pháp luật về BHYT, BHXH liên quan đến lao động di cư PCT đã khá đầy đủ, song PGS, TS Lương Thị Hoài Thu, Viện Nghiên cứu chính sách, Pháp luật và Phát triển đã thẳng thắn chỉ ra nhiều bất cập trong thực tế. Trong đó, vướng mắc đầu tiên là thủ tục tham gia BHYT theo hộ gia đình còn gây khó khăn cho người lao động trong quá trình đăng ký mua BHYT. Quy định về khám, chữa bệnh không đúng cơ sở đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu, hoặc không theo tuyến chuyên môn kỹ thuật chỉ được quỹ bảo hiểm thanh toán với tỷ lệ thấp, tạo bất lợi cho lao động di cư PCT.
Lao động di cư phi chính thức chưa được hưởng đầy đủ các chính sách về BHXH.
Đặc biệt, bà Thu nhấn mạnh: Lao động di cư PCT là những người lao động tự do, không có quan hệ lao động về mặt pháp luật (có thể là người lao động làm thuê, lao động tại gia đình, giúp việc nhà, lao động nông nghiệp...) nên đang chịu thiệt thòi trong chính sách. Bà Thu chỉ rõ, lao động di cư PCT do làm việc không có hợp đồng lao động nên họ chỉ có thể tham gia loại hình BHXH tự nguyện và chỉ được hưởng hai chế độ hưu trí, tử tuất. Mặc dù các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động rất thiết thực đối với lao động nữ di cư và lao động di cư PCT, nhưng các chế độ này không có trong BHXH tự nguyện. “Điều này tạo nên sự bất bình đẳng giữa những người lao động khi tham gia BHXH, không khuyến khích được lao động di cư PCT tham gia BHXH tự nguyện” – bà Thu nói và chỉ ra bất cập khác là việc thực hiện hỗ trợ người tham gia BHXH theo Luật BHXH sửa đổi, bổ sung năm 2014 chưa được hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về đối tượng được hỗ trợ, mức hỗ trợ và phương thức hỗ trợ...
Thống nhất với các ý kiến nêu trên, bà Ngô Thị Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng phân tích thêm, do lao động di cư không hiểu rõ về lợi ích của việc tham gia BHYT, BHXH tự nguyện nên đa phần còn thờ ơ đối với các chính sách. Ngay cả khi quan tâm tới những vấn đề này thì họ cũng không biết tìm kiếm thông tin ở đâu, thủ tục phải hoàn thành như thế nào. Bà Ngọc Anh dẫn chứng: “Kết quả nghiên cứu công bố năm 2015 của Viện Khoa học Bảo hiểm Xã hội với 711 người lao động PCT tại Hà Nội, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Đồng Nai thì 22,5% không biết được quyền mua BHYT một cách tự do, 16,6% không biết mua ở đâu”.
Từ những khó khăn đã nêu, nhiều đại biểu cùng chỉ ra hậu quả là tỷ lệ sử dụng BHYT thấp, bởi thay vì sử dụng BHYT, nhiều lao động di cư PCT lựa chọn dịch vụ y tế tư nhân.
Kiến nghị mở rộng quyền lợi khi tham gia BHXH, BHYT
Để cải thiện tiếp cận BHYT, BHXH đối với lao động di cư PCT, các đại biểu tham gia hội thảo đều cho rằng, trước hết cần tăng cường vai trò tuyên truyền, vận động của các tổ chức đoàn thể tại địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thông tin về BHYT, BHXH tự nguyện trên các kênh thông tin và các phương thức phù hợp với đặc điểm sinh hoạt, làm việc của người lao động di cư (thông qua chủ nhà trọ, chi hội phụ nữ, tổ dân phố...). Các địa phương nơi lao động di cư cư trú cần cung cấp thông tin về quy định pháp luật liên quan đến các điều kiện về cư trú và các chính sách an sinh xã hội... để tăng khả năng tự bảo vệ của người lao động. Một giải pháp quan trọng khác được các đại biểu đề cập đến là đơn giản hóa các quy trình, thủ tục tham gia BHYT để người lao động di cư có thể dễ dàng tiếp cận. Đồng thời, tăng chi trả khi khám vượt tuyến và ngoại trú cho người lao động di cư; địa điểm mua BHYT linh hoạt; cải thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, thái độ của nhân viên y tế, cải cách thủ tục khám chữa bệnh linh hoạt phù hợp với đặc thù lao động... để tạo niềm tin cho người lao động di cư khi sử dụng thẻ BHYT.
Các đại biểu cũng kiến nghị mở rộng quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện để lao động di cư PCT có thể tham gia đóng, hưởng quyền lợi giống như BHXH bắt buộc. Về vấn đề này, bà Lương Thị Hoài Thu đề nghị, trước mắt có thể bổ sung ngay chế độ thai sản trong BHXH tự nguyện để thu hút lao động nữ di cư tham gia. Đối với BHYT, các đại biểu đề nghị Nhà nước cần xây dựng ngay lộ trình tăng chi trả khi khám vượt tuyến và ngoại trú cho lao động di cư.
Nhêën mạnh rào cản về hành chính đang là trở ngại lớn đối với lao động di cư tìm việc làm, nhất là lao động nông thôn di cư ra các khu công nghiệp, các đô thị, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm đề nghị các bộ, ngành cần kết nối chặt chẽ hơn, thống nhất hơn trong quản lý lao động di cư; đồng thời tạo điều kiện cho lao động di cư tiếp cận các chính sách an sinh xã hội thuận lợi hơn.
Ở Việt Nam có 37 triệu người làm việc ở khu vực phi chính thức, chiếm 71% lực lượng lao động, bao gồm nông nghiệp, lao động thời vụ, cơ sở sản xuất nhỏ, người giúp việc, bán hàng rong... |