Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Cám cảnh đào quất lên miền ngược



Một người bán hàng méo mặt vì không bán được quất. 

Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa

Bắt đầu từ 20 Tết, tại mấy con phố trung tâm ở thành phố Cao Bằng xuất hiện nhiều điểm bán cây cảnh và các loại hoa xuân (nhiều nhất vẫn là đào thế và quất cảnh, do người miền xuôi (ở Hưng Yên, Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh… mang lên bày bán). Anh Hoàng Thành quê Văn Giang (Hưng Yên) cho biết, 10 năm nay, anh đầu tư trồng quất cảnh, đào và bưởi để bán Tết. Những ngày giáp Tết, ở vườn nhà anh nhộp nhịp người đến chọn mua, cả nhà bận rộn với việc thu hoạch, chuyên chở tới các điểm bán cây cảnh ở những thành phố như: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Giang… Cách đây khoảng 4 năm, bạn anh lên Cao Bằng thấy nhiều gia đình có nhu cầu chơi quất cảnh và đào thế nên đã liều mang cây cảnh lên Cao Bằng bán. Ai ngờ trúng lớn thu được lãi một gấp đôi. Năm sau, bạn anh rủ anh và một số hộ kinh doanh cây cảnh cùng mang lên, nên 3 năm nay cây cảnh nhà anh và nhiều nhà vườn khác ở địa phương đã có mặt ở miền ngược.

Ngoài những người có cây trồng ở vườn nhà để bán như gia đình anh Thành, thì còn một đội ngũ những thương lái chuyên tới mua buôn đào, quất ở Văn Giang, Phụng Công và các vườn đào, quất ở Quảng Bá, Tứ Liên (Hà Nội)… mang lên bán lẻ ở các tỉnh vùng cao (giá đào bình thường tại vườn có thể giao động từ 200 - 500.000 đ/gốc). Nắm được tâm lí một số gia đình khá giả ở phố thị miền núi cũng thích chơi các gốc đào thế sần sùi dáng cổ thụ (giá dao động 2-10 triệu đồng/cây), nên họ thường tới các vườn đào trước Tết cả tháng để chọn đặt mua và mang lên. Nhưng năm 2017, cũng vì thời tiết nóng nhiều, ít rét mà đào không đẹp và nở hoa trước Tết nên họ mua được ít đào.




Chọn mua quất cảnh ở TP. Cao Bằng


Hành trình để mang cây cảnh tới vùng cao khá gian nan, vất vả. Từ 15 Tết nhà anh Thành bắt đầu công đoạn bứng quất, đào lên khỏi vườn, khi đào đất quanh gốc cây, phải có kĩ thuật để rễ cây không đứt quá nhiều, bầu đất to vừa phải đủ nuôi cho cây xanh tốt trong khoảng hơn 10 ngày (bầu đất ít quá cây nhanh héo). Sau đó, dùng nilon chọc thủng lỗ hoặc bao tải dứa bọc lại để bảo vệ quả và nụ hoa, rồi chất đào, quất lên các thùng xe tải lớn để mang đi. Công đoạn xếp hàng là cả một “nghệ thuật”, xếp thế nào để thùng xe vừa đủ không rộng quá (cây bị xô lệch), cũng không được chật quá (cây ken vào nhau dễ gãy cành, rụng hoa). Anh Thành bảo: “So với mọi năm thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều khiến cây bị chết, hỏng khiến quất cảnh khan hàng hơn, nên giá quất tăng nhẹ. Trung bình bán tại vườn quất cảnh giá khoảng 200.000 - 300.000 đồng/cây, cây có tán rộng từ 600.000-800.000 đồng/cây. Các cây quất lớn, dáng đẹp, nhiều chồi, lộc… giá lên tới 1,2 - 4 triệu đồng, còn loại cây bé xíu, để trên bàn làm việc khoảng 100.000 đồng/cây. Để mang chúng lên tới Cao Bằng (phải cộng thêm giá vận chuyển và sinh hoạt phí gồm tiền ăn, tiền ở trọ của người bán) thì giá quất, đào phải đội lên gấp đôi mới mong có lãi. Suốt chuyến đi, phải “Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”, nhiều khi bảo vệ cây hơn cả chú ý tới mình. Người chủ hàng phải phun nước giữ ẩm và kiểm tra thường xuyên, bởi xe chạy qua nhiều đèo, dốc quanh co hàng mấy trăm cây số nếu cây bị khô nước héo, xô lệch, gãy, đổ… tới nơi bị hỏng nhiều, thì coi như công xá đổi xuống sông xuống biển.”

Những giao thừa không được đón Tết với gia đình

Vận chuyển đã công phu và khá tốn kém, nhưng lên tới nơi những người bán đào, quất như anh Thành phải thuê chỗ bán và tìm nhà ở trọ để ở trong khoảng 1 tuần - 10 ngày giáp Tết. Đây là một canh bạc lớn và họ như những người đi câu (có năm tới 30 Tết, một cây cảnh có thể được giá gấp 3 - 4 lần giá mua ở vườn, nhưng cũng có năm 30 Tết vẫn ê hề đào quất mà không có người mua), nếu thuận lợi, bán hết hàng họ sẽ có ít tiền mang về quê. Ngược lại ế hàng, là mất Tết bởi hao người (do ăn ngủ tạm bợ), tốn của.

Ngày 22 Tết, tôi ra phố Kim Đồng (TP. Cao Bằng) chọn mua cây quất cảnh cho ông bà ngoại. Suốt dọc bờ sông Bằng Giang, tới chợ trung tâm thành phố, tôi hoa mắt giữa bạt ngàn đào, quất nhưng chỉ có lác đác người mua. Dừng lại ở hàng chị Phương, chọn tới chọn lui cuối cùng tôi cũng lựa được cây quất xanh mướt đủ cả hoa, lộc non và quả vàng ươm khá đẹp với giá 300.000đ. Thấy vẻ mặt mệt mỏi của chị, tôi gợi chuyện và chị cho biết, chị ở cùng xã với anh Thành, đã 3 năm chị theo các bạn hàng mua buôn quất, đào để mang lên đây. Năm 2016, chị đã bỏ vốn khoảng 150 triệu đồng, song việc kinh doanh, buôn bán hoa, cây cảnh Tết rất ế ẩm chỉ có người xem, ít người mua nên chị đã bị lỗ mất 20 triệu đồng. Mặc dù vậy, năm 2017 chị vẫn mang đào, quất lên hy vọng sẽ khá hơn, nhưng bán từ 20 tháng Chạp đến nay, mà vẫn còn đến 60 gốc quất, đào chưa bán được. Chị và dân bán hoa cây cảnh Tết ở Cao Bằng luôn ngồi trên “đống lửa”, bởi bán càng chậm số tiền bán ra chưa thu về đủ tiền vốn sẽ bị lỗ nặng.



Chỉ có người ngắm, ít có người mua.


Không riêng gì chị Phương, anh Thành mà tại các điểm bán quất, đào, cây cảnh và các loại hoa khác ở TP. Cao Bằng, tuy lượng hoa cây cảnh phong phú, nhưng không phải lúc nào buôn bán cũng thuận lợi. Anh Thông ở Bắc Ninh than thở, hai năm nay sức mua yếu. Đã thế, một số hộ dân ở địa phương cũng tự trồng hoa, cây cảnh để bán Tết, cạnh tranh với lượng cây cảnh dưới xuôi lên, nên nếu 27 Tết vẫn còn tồn đọng tới hàng trăm chậu hoa cúc, hoa đỗ quyên, hải đường, đào và quất... thì 30 Tết, anh sẽ phải hạ giá bán tháo số cây cảnh còn lại (có năm mua ở vườn đã 150.000 đ/cây mà bán chỉ còn 50.000đ/cây vẫn không ai mua), để thu thêm ít đồng vốn.

Khi tôi thắc mắc với chị Phương về chuyện chị và các bạn bán tới tận trưa 30 Tết, thì bao giờ mới về quê ăn Tết cùng gia đình? Chị cười buồn: “Buôn có bạn, bán có phường, chúng tôi thường hợp đồng với một chủ xe quê ở dưới xuôi, để chiều 30 Tết có một chuyến xe đưa chúng tôi về. Hai năm nay, do cố ở lại bán hàng tới chiều muộn mới lên xe nên tôi và các bạn tới nhà là đã sang năm mới, không được đón giao thừa với gia đình. Vẫn biết kiếm tiền ở quê khó khăn nên phải bươn chải để mưu sinh, nhưng cứ như thế này mãi thì biết bao giờ cuộc sống mới khấm khá lên ?!?”

Bài và ảnh Thùy Dương/Tạp chí Gia đình và Trẻ em