Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Cấm dùng tiền để lôi kéo, mua chuộc cử tri

Ngày 3/6, thảo luận ở hội trường về dự án Luật bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, các đại biểu đã tập trung cho ý về các vấn đề quy định về tiêu chuẩn của người ứng cử; dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ ĐBQH và đại biểu HĐND. Đáng lưu ý những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử quy định tại Điều 68 được nhiều đại biểu bàn thảo cặn kẽ.

Mua chuộc cử tri xử lý thế nào?

 Đa số các ý kiến khi thảo luận đều cho rằng đây là dự án luật rất quan trọng, thể hiện quyền làm chủ, chủ quyền của nhân dân, thể hiện rõ bản chất dân chủ tiến bộ của nhà nước và chế độ ta. Do vậy đã có nhiều ý kiến xác đáng và cụ thể vào các nội dung, các quy định của dự thảo luật. Yêu cầu các quy định của luật cần phải quy định chặt chẽ, đầy đủ, cụ thể, khoa học, và khả thi để bớt văn bản hướng dẫn sau này khi tiến hành tổ chức bầu cử.

Thảo luận về những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử quy định tại Điều 68, ĐB Nông Thị Lâm (Lạng Sơn) khẳng định, trong thực tế chúng ta vẫn thấy có những trường hợp sử dụng tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri.  “Trong Điều 68 này tôi chưa thấy đưa ra xử lý như thế nào, nếu xảy ra vấn đề đó thì luật cũng cần phải quy định cụ thể, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm. Tôi đề nghị trong Khoản 4, Điều 68 cần phải quy định rõ hơn”- ĐB Lâm phát biểu.

 

ĐB Danh Út (Kiên Giang) phát biểu thảo luận tại hội trường

Tán thành với dự thảo luật có 4 khoản cấm vận động bầu cử, đó là bước tiến mới so với luật hiện hành, ĐB Danh Út (Kiên Giang) đề nghị bổ sung thêm một khoản: Khoản 1, quy định "cấm vận động bầu cử trái pháp luật". Theo ĐB Danh Út trong giai đoạn này khó có thể liệt kê được một cách chi tiết những hành vi vận động bầu cử bị cấm. Do vậy, chỉ nên quy định một cách khái quát với 4 nhóm hành vi bị cấm đã nêu tại Điều 68.  

Cùng quan điểm ĐB Đặng Minh Châu (TP. Hà Nội) cũng cho rằng, tại Khoản 4 điều quy định: "Cấm sử dụng hứa hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri", quy định này còn phần nào chưa khái quát thật đầy đủ. Do vậy, ĐB nhấn mạnh cần phải rõ "lợi ích vật chất hoặc tinh thần để lôi kéo, mua chuộc, vận động cử tri" là cái gì?

 

ĐB Âu Thị Mai (Tuyên Quang) phát biểu thảo luận tại hội trường

Để đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh trong vận động bầu cử, ĐB Âu Thị Mai (Tuyên Quang) đề nghị bổ sung quy định: “Từ khi được công bố làm ứng cử viên bầu vào đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, các ứng cử viên không tham gia bất kỳ chương trình từ thiện nào”.

 

Công dân Việt ở nước ngoài chưa được bầu cử, ứng cử


Về điều kiện thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND, Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng trong điều kiện thực tế hiện nay, vẫn còn nhiều khó khăn trong việc lập danh sách cử tri, xác định đơn vị bầu cử, việc tổ chức cho người ứng cử tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử… Vì vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết vấn đề này sẽ tiếp tục được xem xét, nghiên cứu, quy định khi đã có đủ điều kiện cho phép.

 Quan tâm đến nội dung này, ĐB Nguyễn Văn Minh (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị xem xét, bổ sung quy định, trao quyền bầu cử cho công dân Việt Nam đang làm ăn, học tập, sinh sống ở nước ngoài. “Công dân đang học tập, làm ăn sinh sống ở nước ngoài, có quốc tịch Việt Nam, có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để bầu cử thì cơ sở nào để tước quyền bầu cử của họ”- ông Minh đặt câu hỏi.

 

Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đọc Báo cáo giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự án Luật bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND

 

Về điều kiện thực hiện quyền bầu cử, Báo cáo giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng cho thấy có ý kiến đề nghị cần bảo đảm để người đang bị tạm giam, tạm giữ cũng được thực hiện quyền bầu cử, vì về mặt pháp lý, những người này chưa bị coi là có tội và không bị tước mất quyền bầu cử.

 Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với ý kiến nói trên và đề nghị chỉ quy định trong luật người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật; người đang phải chấp hành hình phạt tù và người mất năng lực hành vi dân sự thì mới không được ghi tên vào danh sách cử tri.

Các địa phương, các cơ quan nhà nước có liên quan có trách nhiệm bảo đảm thực hiện việc lập danh sách cử tri đối với những người đang bị tạm giam, tổ chức việc bỏ phiếu đối với người đang bị tạm giam tại các trại tạm giam, nhà tạm giữ.

 

ĐB Lê Thị Yến (Phú Thọ) phát biểu tại hội trường

Về nội dung tiêu chuẩn ĐBQH, đại biểu HĐND nhiều ý kiến ĐBQH cũng cho rằng, tiêu chuẩn ĐBQH, đại biểu HĐND vẫn còn chung chung, nhất là trình độ văn hoá, chuyên môn. ĐB Lê Thị Yến (Phú Thọ) cho rằng, ngoài những tiêu chuẩn chung, cần những tiêu chuẩn riêng cho người ứng cử  ĐBQH, đại biểu HĐND. “Quốc hội là cơ quan lập pháp cao nhất, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước nên đòi hỏi ĐBQH phải có đầy đủ năng lực, kiến thức, trình độ, kỹ năng, khả năng tổng hợp phân tích đánh giá”, bà Yến nhấn mạnh.

Về cơ cấu tỷ lệ đại biểu, bà Yến đề nghị cần cân nhắc, để không vì chuyện “cơ cấu, thành phần” mà ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của HĐND các cấp.

 

Trong khi đó, ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) thì đề nghị quy định không sắp xếp cá các ứng viên quá chênh lệch về tuổi đời, chức vụ, trình độ cùng tranh cử tại một địa bàn bầu cử theo kiểu “quân đỏ, quân xanh”.

 


Nhiều đại biểu đồng tình cần quy định cụ thể ngay trong Luật về cơ cấu, thành phần và tỷ lệ phân bổ đại biểu, cho rằng đây là yêu cầu khách quan và cần thiết, có ảnh hưởng đến tính chất và chất lượng hoạt động của Quốc hội và HĐND.

Dự thảo Luật quy định, bảo đảm ít nhất 18% tổng số người ứng cử ĐBQH là người dân tộc thiểu số và ít nhất 35% tổng số người ứng cử ĐBQH là phụ nữ. Tuy nhiên, dự thảo Luật lại không quy định cứng về tỷ lệ cơ cấu, thành phần người ứng cử đại biểu HĐND. Các ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) , Nguyễn Văn Minh (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị cần quy định cụ thể tỷ lệ phụ nữ, người dân tộc thiểu số ứng cử đại biểu HĐND các cấp thay cho sử dụng từ “bảo đảm số lượng thích đáng”.