Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Cảm nhận Singapore


Màu xanh công viên. 
 
1.Lý A Tống tâm sự chuyện mình sử dụng xe lăn mà ngày ngày vẫn tự đi làm cách nhà hơn 50km khiến tôi thực sự tò mò. Đối với những NKT thì một trong 4 rào cản lớn nhất ngăn mọi cơ hội để họ có thể hòa nhập bình đẳng vào xã hội chính là rào cản môi trường công cộng. Cá nhân tôi là một NKT dạng nhẹ mà mỗi lần đi xe buýt, hay vào trường học, cơ quan… đều rất ngại bởi sự thiếu tiếp cận của những môi trường này. Vì thế, tôi mong có một ngày được đến thăm bạn xem sự thật ấy thế nào. 
 
Tôi đến Singapore khi những cánh phượng ở Việt Nam bung những chùm hoa đỏ và rừng cây Lọng ô (Tembusu) trải khắp quốc đảo đan tán trổ lộc xanh biếc. Biết tôi đã đến Singapore, A Tống vui lắm, hẹn tôi đến để trò chuyện và trải nghiệm một ngày bình thường của anh.

Xe đạp công cộng.
 
Quả thực, khi chưa đến Singapore, tôi đã được đọc, được nghe muôn lời ca ngợi về đất nước “Xanh - Sạch - Đẹp”, nhưng những gì tôi được trải nghiệm từ lúc đặt chân xuống sân bay Changi đến khi bước vào trung tâm thành phố, chứng kiến tận mắt mọi việc vẫn khiến tôi ngỡ ngàng. Tôi háo hức đến nhà A Tống sớm hơn đã hẹn. A Tống đón tôi trong phòng khách ở tầng trệt của khu chung cư. Mọi chung cư dù cao cấp hay phổ thông ở quốc đảo này đều không có tầng hầm để xe cộ như Việt Nam, nên tầng trệt được thiết kế thành những phòng to nhỏ khác nhau rất lịch sự, không kém phòng khách của một khách sạn hạng sang chỉ để dành cho cư dân tiếp khách và tổ chức những sinh hoạt chung của cộng đồng. A Tống kể: Ở đây, những người rất giàu mới mua nổi xe ô tô riêng vì giá xe ô tô của Singapore thì rẻ nhưng điều kiện để được cấp đăng ký rất ngặt nghèo. Chủ xe phải minh chứng có đất riêng để đỗ được xe, trong khi Singapore là 10 thị trường nhà đất đắt nhất thế giới và nhiều điều kiện khác nữa. Trong khi đó, xe ô tô chỉ được sử dụng trong 5 năm, quá thời hạn đó, khi xe bắt đầu sả ra khí thải thì Chính phủ thu hồi để xử lý như rác hoặc bán ra nước khác. Xe máy dành cho bộ phận nhỏ những người yêu thể thao và những người làm việc giao hàng nhanh mới sử dụng, còn xe đạp Chính phủ cho đặt trên các tuyến đường, ai đi thì đi, đi xong lại dựng vào điểm quy định. Phương tiện công cộng là xe buýt hay tầu điện ngầm thì tiện nghi và hiệu quả nên người dân nơi đây đều quen sử dụng. Vì vậy, chung cư không cần thiết kế tầng để xe.
 
Xe lăn được đặt ở các nơi công cộng.
 
2.Quả thực, chung cư mà A Tống ở có thể nói được thiết kế vô cùng tiếp cận với NKT và cả người già với những lối xe lăn, những bảng chỉ dẫn, nút bấm thang máy đều có chữ nổi, có tín hiệu âm thanh cho người khiếm thị và có tín hiệu đèn cho người khiếm thính. Bên cạnh đó là dịch vụ hỗ trợ hoàn hảo mà ban quản lý chung cư cung cấp, như những dịch vụ giặt là, dịch vụ dọn đồ, vận chuyển nhanh.
 
Đến 9h sáng (khoảng độ 8h giờ Hà Nội), chúng tôi đi vài bước chân từ chung cư đến đường xuống tầu điện ngầm trên vỉa hè phẳng phiu, mát rượi bóng cây, các góc phố đều thấy những tấm biển ưu tiên cho NKT và đường dẫn tiếp cận với gờ nổi, vạch phản quang đẹp như hiện vật triển lãm. Do quy hoạch có tính toán nên những điểm đông dân cư cũng là đầu mối giao thông giúp người dân không phải đi bộ quá nhiều để đến điểm giao thông, trừ khi họ muốn đi bộ trong đất nước y hệt một công viên lớn này. 
 
Tôi đã từng đi tàu điện ngầm MRT ở ga Chatuchak - BangKok (Thailand) nhưng so với quy mô và mật độ người tham gia thì ở đây thật đông đúc, sự đông đúc có trật tự và văn minh.  Chỉ với 10SGD là bạn đã sở hữu tấm thẻ EZ Link quẹt tự động đi thoải mái trong 1 tuần. Người cao tuổi, NKT được Chính phủ cấp thẻ miễn phí. Năm phút cho 1 chuyến tàu đến và đi nên chẳng có gì là vội vã. Những toa tàu mát lạnh, sạch bong luôn dành chỗ ưu tiên cho những người như tôi và A Tống. Nhà ga tầu điện ngầm không chỉ là nơi để đi lại mà còn là nơi để vui chơi, ăn uống và ngắm nhìn những tác phẩm nghệ thuật được thiết kế đầy thích thú. 


Lối đi ở chung cư thuận tiện cho NKT và người già.
 
A Tống kể: “Ở Singapore, ai cũng có công việc phù hợp, dù đó là một người già hay NKT, nên chúng tôi làm việc đến khi không thể mà thôi. Vì công việc nên thói quen ăn uống ở nhà cũng ít đi và người phụ nữ được giải phóng khỏi bếp núc, bù vào đó là những bữa tối quây quần bên nhau tại các nhà hàng từ hầm tầu điện sâu 70m dưới lòng đất đến nóc building soi bóng xuống vịnh Marina. Quãng thời gian ăn uống cũng là sả stress sau mỗi giờ lao động đã gắn kết tình cảm gia đình theo một phong cách mới, đầy tính hiện đại”. Câu chuyện vừa hết cũng là lúc chúng tôi đã đi hết quãng đường 50km trong vòng 15 phút đến nhà máy lọc nước nơi A Tống làm.
 
Nửa đầu thế kỷ trước, khi mới tách ra khỏi Malaysia, một quốc gia non trẻ hay đúng hơn Singapore là cái làng chài nghèo đói thì NKT hầu như vắng bóng trong các chương trình xã hội và dịch vụ xã hội. Các điều kiện kinh tế xã hội thời kỳ này có những tác động không nhỏ đối với việc tạo cơ hội cho NKT có được hình ảnh trong xã hội. Tuy nhiên, cùng với những nỗ lực về phát triển kinh đế, quy hoạch đất nước thì việc giáo dục cho NKT đã được đầu tư và làm nền tảng cho sự hòa nhập bình đẳng, công bằng như mọi công dân đối với NKT.
 
Với mục tiêu giáo dục xóa bỏ mọi rào cản cho NKT và các chương trình xã hội hướng đến thay đổi nhận thức về NKT đã được khởi xướng bằng các mô hình cụ thể như: phong trào nhân quyền, các nghiên cứu về bình thường hóa… cũng thúc đẩy khả năng độc lập và tham gia của NKT.
 
Đặc biệt, khi Singapore ký cam kết Tuyên ngôn của Liên hợp quốc về quyền của NKT, qua đó, NKT được hưởng các chương trình, dịch vụ về giáo dục hòa nhập. Cũng thời kỳ này, mô hình chuyên biệt hóa trong giáo dục được chuyển sang hướng hòa nhập đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự hòa nhập của NKT.
 
Những ngày tôi ở Singapore ngắn ngủi nhưng với sự nhiệt tình của A Tống, chúng tôi đi ngắm Merlion, chú sư tử dũng mãnh mình cá, biểu tượng phồn thịnh của quốc đảo, đi xem biểu diễn nghệ thuật ở Esplanade, nhà hát “quả sầu riêng” mở cửa 7 ngày một tuần hoàn toàn miễn phí cho NKT và dắt nhau chui xuống lòng thủy cung Sentosa… A Tống cười rạng rỡ và đầy tự hào khi chỉ cho tôi biết bao điều thú vị ở đất nước này.
 
Kiến trúc xanh.
 
 
 

Diễm Cầm/GĐTE