Bộ VH-TT&DL vừa có công văn gửi các bộ, ngành Trung ương; UBND các tỉnh,thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường chỉ đạo, chấn chỉnh công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Theo đó, công tác quản lý, tổ chức lễ hội đầu xuân Đinh Dậu năm 2017, trong cả nước đã có sự chuyển biến tích cực, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục truyền thống, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Tuy nhiên, việc quản lý, tổ chức lễ hội vẫn còn xảy ra những hiện tượng phản cảm như: chen lấn, tranh cướp lộc tại lễ hội đền Sóc (Hà Nội); phát lộc, tranh cướp lộc tại Lễ hội Chùa Hương (Hà Nội); tranh cướp bạo lực tại Hội cướp Phết xã Hiền Quan (Phú Thọ), Hội, lễ hội chọi trâu có biểu hiện thương mại hóa, trục lợi, trái với quy định tại một số địa phương như: Yên Bái, Tuyên Quang… khai ấn, phát ấn tại Quảng Ninh, Nghệ An, không phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa; một số bộ, ngành, địa phương còn để xảy ra tình trạng sử dụng xe công, công chức đi lễ hội trong giờ hành chính, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Để chấn chỉnh những hạn chế nêu trên, tiếp tục thực hiện Công Điện 156/CĐ-TTg ngày 2/2/ 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017, Bộ VH-TT&DL đề nghị các bộ, ngành Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành địa phương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội tại địa phương; không thực hiện các nghi lễ có tính bạo lực, trái với truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc.
Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Đặc biệt không cấp phép tổ chức lễ hội truyền thống có mục đích thương mại, trục lợi. Không để xảy ra các hành vi phản cảm, kích động bạo lực, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Bên cạnh đó cần quán triệt cho cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, kỷ luật lao động, không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội, trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật về lễ hội; tuyên truyền giới thiệu, quảng bá về nguồn gốc, quy trình thực hành và giá trị của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.
Bộ VH-TT&DL cũng đề nghị các bộ, ngành Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biện pháp giải quyết dứt điểm những hạn chế trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn, bố trí khu vực dịch vụ đảm bảo thuận tiện, phù hợp với không gian tổ chức lễ hội; không bày bán thịt động vật hoang dã, các đồ chơi có tính bạo lực; thực hiện các quy định về niêm yết giá, bán đúng giá, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự, an toàn giao thông. Đặc biệt tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm theo thẩm quyền, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện, đảm bảo lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, thiết thực, hiệu quả, văn minh và báo cáo tình hình thực hiện các nội dung liên quan đến công tác quản lý, tổ chức lễ hội gửi về Bộ VH-TT&DL trước ngày 25/2, để tổng hợp báo Thủ tướng Chính phủ.
Bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VH-TT&DL cho biết, về việc xử phạt các hành vi phản cảm, bạo lực tại lễ hội đã có trong các văn bản các văn bản quy định về công tác quản lý lễ hội. Tuy nhiên, chế tài xử lý người tổ chức cũng như người tham gia lễ hội thì chưa đầy đủ, các hành vi và mức độ xử phạt còn nhẹ. Trong năm 2017, Cục Văn hóa cơ sở sẽ phối hợp xây dựng dự thảo nghị định trình Chính phủ về quản lý hoạt động lễ hội, trong đó sẽ có những điều chỉnh, bổ sung những quy định mang tính răn đe. Bộ VH-TT&DL sẽ cố gắng hoàn thiện sớm để mùa lễ hội năm 2018 có căn cứ để xử phạt.