Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Cảm thương cụ bà sống kiếp cô độc, ngủ vỉa hè trong cái lạnh 9 độ C giữa Hà Nội

Dịp nghỉ Tết Dương lịch, không khí lạnh len lỏi vào tận những ngõ ngách của Hà Nội. Mưa và gió khiến cái lạnh luồn sâu nhiều lớp áo, cảm giác không dễ chịu chút nào, nhiệt độ lúc đêm muộn giảm xuống còn xấp xỉ 9 độ C.

Những ngày này, người ta kéo nhau rời thành phố đi nghỉ lễ khiến đêm Hà Nội trở nên vắng lặng. Những con phố trở nên ít người qua lại hơn mọi ngày, nhưng vỉa hè khu vực chợ Đồng Xuân thì vẫn vậy, vẫn tập trung đông đúc những người vô gia cư chia nhau những mái hiên để ngả lưng.

Một người đàn ông trùm chăn ngủ ở nhà chờ xe buýt, hành lý được đè bằng gạch để tránh gió thổi bay. Ảnh: PV

Một người đàn ông trùm chăn ngủ ở nhà chờ xe buýt, hành lý được đè bằng gạch để tránh gió thổi bay. Ảnh: PV

Những người vô gia cư ở đây làm đủ mọi nghề, lau dọn nhà cửa, nhặt ve chai, gồng gánh thuê, cửu vạn, bốc xếp, ăn xin... Đối với họ, nắng, mưa hay rét giá thì cũng không có gì khác nhau, cũng chẳng có lựa chọn khác cho chỗ ngủ, họ vẫn vậy, hết ngày thì lại về mái hiên quen thuộc.

Có chăng khác một chút là hôm nay mưa lạnh, họ không thể làm đến khuya, không ngồi lại với nhau hàn huyên một chút cho đỡ buồn, cho quên đi cái cực nhọc trước khi ngả lưng nằm nghỉ.

Cảnh nhiều người vô gia cư nằm co ro trong giá lạnh 9 độ C giữa Hà Nội.

Cảnh nhiều người vô gia cư nằm co ro trong giá lạnh 9 độ C giữa Hà Nội.

Họ trải những miếng nilon, bìa catton làm chiếu rồi trùm kín chăn chừa mỗi khuôn mặt. Những trận gió rít vèo vèo, ngoài trời vẫn mưa, những gương mặt bị lộ ra ngoài rét giá trở nên đỏ ửng.

Suốt nhiều năm qua mỗi khi đi qua phố Phan Đình Phùng gần Bốt Hàng Đậu (Hoàn Kiếm) nhiều người không còn xa lạ với hình ảnh cụ bà Nguyễn Thị Ái Liên (85 tuổi). Hằng ngày bà Liên bán quần áo, chăn màn cũ để mưu sinh.

Suốt hơn 40 năm qua bà Liên nằm ngủ ở vỉa hè Hà Nội dù ngoài trời mưa rét thế nào.

Suốt hơn 40 năm qua bà Liên nằm ngủ ở vỉa hè Hà Nội dù ngoài trời mưa rét thế nào.

Bà Liên không nhớ quê quán mình ở đâu, không giấy khai sinh, tên là do bà tự đặt cho mình. Bao năm qua, bà lưu lạc khắp nơi sống kiếp cô độc, không người thân thích.

Bà Liên kể, thời mình sinh ra chiến tranh bom đạn, nhà nghèo khổ, đói rét nên từ nhỏ đã bị bố mẹ mang đi cho người khác nuôi. Không biết người thân còn những ai. Sau này, bà lang thang khắp nơi rồi tìm lên Hà Nội kiếm sống.

Trời mưa lạnh nên phố đi bộ hồ Gươm trở nên vắng lặng.

Trời mưa lạnh nên phố đi bộ hồ Gươm trở nên vắng lặng.

Để mưu sinh, bà làm đủ nghề, từ làm thuê, nhặt hoa quả ở chợ Long Biên, chợ Đồng Xuân để bán lại đến rửa bát thuê… Ngoài ra, đối với những bộ quần áo cũ được người đi đường mang cho, bà Liên tỉ mẩn chọn lọc cái nào còn mới, đem giặt sạch sẽ rồi bán lại, kiếm tiền sống qua ngày. Tối đến bà vạ vật bên vỉa hè làm chỗ ngả lưng.

Bà bảo, ngày trước, đói khổ, sống lang thang ở ngoài đường Hà Nội nên những người như bà bị đưa vào trong trại để lao động và sống 21 năm trong đó. Khi ra ngoài bà ủngầy 25kg. Hơn 40 năm qua bà cứ sống lang thang cho qua ngày đoạn tháng.

12h đêm nhưng những người bán hàng rong vẫn gánh gánh hàng của mình đi giữa trời mưa lạnh.

12h đêm nhưng những người bán hàng rong vẫn gánh gánh hàng của mình đi giữa trời mưa lạnh.

Bà vui vẻ cho biết, được cái ông trời bao năm qua cho sức khỏe, ngủ đường, ngủ chợ nhưng không ốm đau. Nếu mà ốm bà cũng chẳng có tiền để chữa trị. Dù vậy cuộc đời bà cô đơn lắm. Không nhà không cửa nên không người đàn ông nào dám lấy.

“Nhiều lúc tôi nghĩ hay xin một đứa con để nuôi cho có mẹ có con sau này nương nhờ lúc già yếu nhưng rồi lại thôi. Đời tôi khổ lắm rồi, không nhà cửa, ngủ vỉa hè với cảnh màn trời chiếu đất thì có nuôi cũng khổ con cái nên đành thôi”, bà Liên tâm sự.

Tận dụng mọi nơi làm chỗ ngả lưng...

Tận dụng mọi nơi làm chỗ ngả lưng...

Bao năm qua bà Liên luôn mang trong mình tấm ảnh chụp chân dung mình được cất cẩn thận trong làn quần áo. Bà bảo tiết kiệm được 300 nghìn đồng rửa ra để sau này chết còn làm ảnh thờ mình. Bà tâm niệm sau này khi không còn trên cõi đời này nữa ai đó sẽ để di ảnh lên mộ của mình.

 
 
Vì sống lưu lạc nên bà Liên chuẩn bị di ảnh để thờ chính mình sau khi mất.

Vì sống lưu lạc nên bà Liên chuẩn bị di ảnh để thờ chính mình sau khi mất.

“Tôi sợ nhất là những ngày mưa rét. Trời mưa phùn phả hết vào bên trong. Lúc đó tôi chỉ biết lấy chăn quấn khắp người cho bớt lạnh. Còn những ngày mưa bão thì ôm đồ đạc, quần áo đứng trú mưa. Không nhà cửa khổ cực lắm”, bà lão chia sẻ thêm.

Theo Đăng Khoa/Giadinh.net.vn