Chợt nhớ 51 năm trước, đúng vào ngày sinh của Bác (19/5/1964); Hà Nội - Vinh khai thông tuyến đường tàu hỏa nối liền Thủ đô với mảnh đất địa đầu quê hương Xô Viết Nghệ - Tĩnh còn nghèo nàn, cơ cực, chỉ mới 10 năm được hưởng hoà bình lập lại trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Và thị xã Vinh, vừa được chuyển lên thành phố đúng một năm (1963 - 1964); đã khánh thành công trình các tuyến ô tô buýt trong thành phố, nối liền ga Vinh mới, bến ô tô mới - thượng Cầu Rầm, hạ Bến Thủy - và nối liền một mạch từ thành Vinh lên Nam Đàn, quê Bác.
Trong niềm vui lâng lâng đang tràn ngập mỗi góc phố, đường làng, nội ngoại vi của thành Vinh vừa bắt đầu đổi thịt thay da, chuyển mình những bước đầu tiên tiến lên xã hội chủ nghĩa, thì ngày 5/8/1964, giặc Mỹ đã trắng trợn leo thang, ném bom miền Bắc, thành phố Vinh đã rực cháy lửa căm thù. Cùng cả nước, Nghệ An đi vào trận chiến mới: Tất cả cho tiền tuyến! Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược!
Quảng trường và tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại TP Vinh(Nghệ An).
Đã 51 năm qua đi, trong ký ức của tôi vẫn in đậm một hình ảnh một đô thị trong chiến tranh nghèo nàn, xơ xác, nhà tranh vách nứa, gió Lào quất rát mặt người; nhưng vẫn ngẩng cao đầu quyết tâm đánh Mỹ; và lại càng tự hào biết bao của một thành Vinh đang đầy sức sống đi lên trong công cuộc đổi mới hôm nay.
Thành phố Vinh bây giờ đã là một đô thị lớn, với những quy hoạch tổng thể đẹp đẽ, sạch sẽ, bề thế, khang trang, đường sá rộng rãi, vỉa hè thoáng đãng và một nhịp sống hiện đại. Bên cạnh sự đầu tư có trọng điểm của nhà nước, với cơ chế thị trường, liên doanh, liên kết của xu thế hội nhập toàn cầu; là các công trình xây dựng của người dân mọc lên với một cuộc sống ngày càng ấm no, đẹp đẽ, đầy hứng khởi.
Từ Quán Hành, Quán Bánh, Quán Bàu vào thẳng chợ Vinh hiện đại đông vui, sầm uất. Từ Cửa Lò, Cửa Hội vòng lên theo đê sông Lam, Hưng Thuỷ, Hưng Nguyên, Nam Đàn quê Bác. Từ chùa “Sư nữ” duyên dáng, xinh xẻo, thanh bình khói hương; thẳng một vệt đại lộ chạy giữa thành phố xuống cầu Bến Thuỷ lừng lững, hoành tráng - nối Nghệ An với quê hương Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du của địa đầu Hà Tĩnh với 99 ngọn núi Hồng...
Một góc TP. Vinh ngày nay.
Cũng vào những ngày chuyển nhịp cuối xuân sang đầu mùa hạ năm nay, đi giữa thành Vinh; ta bỗng thấy bình tâm đến lạ kỳ. Nghệ An đã trở thành trung tâm kinh tế địa đầu của miền Trung.
Cùng với những ấn tượng ngày một trưởng thành về quy hoạch xây dựng đô thị, đầu tư các khu công nghiệp, cả trong cơ chế thị trường, hàng hóa, bán buôn... và cả trật tự an ninh với một xã hội ngày càng ổn định, đi lên; thì một ấn tượng tốt đẹp khác cũng đang hình thành trong tôi-đó là hình ảnh lớp trẻ nam nữ thanh niên thành Vinh trong cuộc sống đương đại.
Họ xinh xắn hơn lên, đẹp đẽ hơn lên, khoẻ khoắn hơn lên, duyên dáng hơn lên; và điều quan trọng nhất là đã tự tin hơn lên trong những công việc mà họ đã và đang gánh vác; của một nhịp sống mới mẻ, lành mạnh, văn minh và công nghiệp.
Mới thật thấm thía một thực tiễn đáng buồn đã và đang xẩy ra ở không ít địa phương trên đất nước ta- nhất là các đô thị lớn, trong xu thế hội nhập toàn cầu hôm nay- do chỉ coi trọng sự đầy đủ, giàu sang về của cải, vật chất, tiền bạc, nhà cửa, xe cộ...nên đã tạo ra thói quen hưởng thụ, lười biếng, đơn điệu, mòn mỏi, nhàm chán - mà thiếu đi một đời sống văn hoá tinh thần lành mạnh của cộng đồng; vô tình làm cho lớp trẻ trở nên vô cảm, vô hồn, vật vờ và bệnh hoạn... thì chẳng phải là chúng ta đã thất bại trong công cuộc đổi mới hay sao?.
Buổi sáng rời thành Vinh để đi thăm quê Bác - đã vài ba năm nay chưa có dịp trở lại, tôi thật sự ngạc nhiên trước những đổi thay kỳ diệu của những vùng đất nơi đây. Đó là một Nam Đàn bình tĩnh nhưng hào hứng, sôi nổi, đa năng và cũng rất tự chủ trong những bước đi vững chắc của chính mình. Từ một vùng đất chỉ có mía, mía và mía, nay huyện Nam Đàn đã vượt lên trong tổng sản lượng về lương thực nói chung; với cuộc cách mạng từ trên một chục năm qua, phá thế độc canh về cây lúa, bỏ cây khoai lang nghìn đời quen thuộc để phát huy thế mạnh của cây tương, cây lạc.
Chợt nhớ, những năm 60 của thế kỷ trước, Bác Hồ đã gửi thư về quê, phân tích lợi hại của việc lãng phí hạt lạc; rồi Người khuyên nhủ bà con Nam Đàn nói riêng và cả tỉnh Nghệ An là hãy “Nhịn ăn lạc để xuất khẩu, đổi lấy gang thép về cho đất nước”. Và cùng với khí thế đi lên đó, người dân Nam Đàn đã phủ xanh hàng ngàn héc-ta đồi trọc để trồng cây ăn quả, cân bằng sinh thái, từ bàn tay mình làm cho quê hương của Bác ngày càng đẹp đẽ hơn lên.
Câu ca xưa “Nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn” (vừa ra vẻ để khoe về “đặc sản”, nhưng lại vừa muốn nói lên một hiện thực là hai vùng đất nghèo nhất nhì xứ Nghệ này, quanh năm chỉ ăn nhút, ăn tương); như đã trở thành một kỷ niệm để ta càng tự hào với những gì mà hôm nay đã có. Tất nhiên bây giờ, tương Nam Đàn vẫn là đặc sản, mà ai ai khi về thăm quê Bác, đều thưởng thức như một món ăn dân dã ngon lành...
Tháng 5. Hương sen đong đưa, vàng tơ nắng mật. Cứ mỗi lần trở về quê hương Nghệ Tĩnh, nơi sinh ra, lớn lên, rồi phải cách xa; và đã sống, làm việc ngót nửa thế kỷ tại Thủ đô Hà Nội; trong tôi bao giờ cũng có cảm giác như tự nhìn lại chính mình - những học hành, làm ăn, công việc, danh vọng, tiền bạc, đất đai, nhà cửa; những được thua, còn mất, vui buồn, ngọt ngào, cay đắng...đan xen giữa quá khứ, hiện tại và cả tương lai của một gã dân quê tự ném mình ra giữa chốn Thăng Long phồn hoa đô hội.
Nhìn cầu Bến Thuỷ lừng lững vượt sóng Lam giang. Ngỡ như nghe “Xẩm đá đỏ” ngày nào vẫn vọng về từ Quỳ Châu rừng xanh núi thẳm. Thắp một nén tâm hương tưởng nhớ Nguyễn Công Trứ và Đại Thi hào Nguyễn Du - Tiên Điền (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Đứng trên một khách sạn cao tầng 4 sao nhìn toàn cảnh thành Vinh trong nắng mới mở hè lóa sáng.
Lững thững thả bộ trong đêm bất chợt sương mù giăng giăng lãng đãng. Nghe một giọng hò đậm đà, da diết: Giận thì giận, thương thì thương...mà dân ca ví, giặm trong thời gian vừa qua đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nhưng rồi, lại chợt buồn chợt nghĩ, hình như, vùng đất xứ Nghệ địa linh nhân kiệt ta, thừa người, thừa đất, thừa sức, thừa đức, thừa tài; để tạo nên những nghiệp lớn cả về kinh tế, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; cả về văn chương, nghệ thuật... cho vùng đất của mình.
Nhưng, lại cũng hình như, xứ Nghệ ta cũng đang thiếu đi một điều gì đó, vừa cụ thể, lại vừa như vô hình; vừa dễ nói, lại vừa như khó nói - có vẻ như là cũ, là chậm, là cố hữu, là bảo thủ, là tự bằng lòng với chính mình...để làm cho Nghệ An, Hà Tĩnh có thể bay bổng lên được hay chăng?
Vâng. Cứ mỗi lần về thăm cả hai quê, tôi lại cứ ngẫm ngợi như thế - chẳng biết là đúng, hay sai- nhưng đó là gan ruột, cũng là cảm xúc đích thực của một người con xứ Nghệ, không biết giãi bày cùng ai?