Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Cần có chính sách dài hơi, bền vững

Việc thu mua tạm trữ lúa gạo thời gian qua đã giúp giá gạo vùng ĐBSCL nhích lên khoảng 200 đồng/kg, ở mức 4.200 - 4.700 đồng/kg lúa thường và từ 4.700-5.200 đồng/kg lúa thơm. Mức giá này khiến nhiều nông dân tiếc nuối vì không còn lúa nữa để bán. Theo VFA, tính đến hết ngày 15/4, các địa phương thuộc khu vực ĐBSCL cơ bản đã sớm hoàn thành chỉ tiêu này.

Hỗ trợ thiết thực, người dân có lãi

Ngày 21/4, Bộ Tài chính có Thông tư số 50/2015/TT-BTC hướng dẫn hỗ trợ lãi suất tiền vay ngân hàng để mua tạm trữ thóc, gạo Đông Xuân 2014 - 2015 (VĐX 14- 15) theo kế hoạch của Chính phủ. Thời hạn mua tạm trữ tính từ ngày 1/3- 15/4/2015, thời gian được hỗ trợ lãi suất tiền vay ngân hàng là thời gian tạm trữ thực tế tính từ thời điểm mua thóc, gạo theo quy định tại Thông tư, nhưng không quá thời hạn vào ngày 30/6/2015.

Thông tư này áp dụng đối với thương nhân thực hiện mua tạm trữ thóc, gạo VĐX 14- 15 được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phân giao. Theo Thông tư, NSNN hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay tại ngân hàng thương mại cho các thương nhân thuộc đối tượng theo quy định để mua tạm trữ thóc, gạo VĐX 14- 15 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Hỗ trợ lãi suất tiền vay mua thóc, gạo tạm trữ chỉ thực hiện đối với các khoản vay từ ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước chỉ định.

Ảnh minh họa: Thương lái thu mua lúa gạo tạm trữ

Số lượng thóc, gạo được hỗ trợ lãi suất cho từng thương nhân theo số lượng thóc, gạo thực tế thương nhân mua tạm trữ, nhưng không được vượt quá số lượng quy định tại các văn bản phân giao chỉ tiêu mua tạm trữ thóc, gạo VĐX 14-15 của VFA và đảm bảo tổng số thóc, gạo mua tạm trữ không được vượt quá 1 triệu tấn quy ra gạo.

Theo Bộ Công thương, các tỉnh Hậu Giang, Tiền Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp, Cần Thơ… đều cho rằng Chính phủ đã kịp thời đưa ra chính sách thu mua tạm trữ gạo trong VĐX 14- 15 nên phần nào đã giúp được người nông dân tiêu thụ được lúa gạo với giá ổn định. Ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch VFA cho biết, đơn cử như tỉnh Trà Vinh, ban đầu các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn được phân bổ chỉ tiêu thu mua 13.000 tấn gạo và đã sớm hoàn thành chỉ trong 25 ngày (hết ngày 25/3). Do nông dân vẫn đang thu hoạch rộ nên VFA đã phân bổ thêm 1.000 tấn gạo và chỉ đến ngày 5/4 là các thương lái tiếp tục hoàn thành chỉ tiêu được phân bổ.

Tuy nhiên, so với sản lượng 600.000 tấn lúa trong VĐX 14- 15 của tỉnh Hậu Giang thì người nông dân vẫn phải tự tìm mối tiêu thụ. “Giá lúa vụ này ở Hậu Giang ổn định ở mức trên dưới 4.500 đồng/kg, người nông dân vẫn có lời, nhưng không cao”- Ông Năng cho biết.

Hỗ trợ nông dân cần mang tính bền vững

Tại hội nghị về lúa gạo mới đây, nhiều chuyên gia đặt vấn đề tại sao cứ đến thời điểm thu mua tạm trữ thì giá lúa gạo mới tăng lên ? Phân tích cho thấy, mỗi năm Nhà nước bỏ ra hàng trăm tỉ đồng để hỗ trợ lãi suất cho DN thu mua lúa gạo trong đợt tạm trữ, thế nên DN cứ đợi Nhà nước “cho” tiền thì mới mua lúa gạo. Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh đề nghị, nên tìm giải pháp nào mới, tốt hơn để vực dậy giá lúa gạo thay vì cứ trông chờ vào việc thu mua tạm trữ.

Theo các chuyên gia, việc thu mua tạm trữ lúa gạo chỉ là giải pháp can thiệp thị trường chứ không phải chính sách hỗ trợ nông dân nên thiếu bền vững. Vì thế, sau khi kết thúc đợt thu mua tạm trữ, giá lúa gạo sẽ trở về vị trí cũ theo nguyên tắc cung - cầu là khó tránh khỏi. Để đảm bảo người trồng lúa có lãi và vấn đề an ninh lương thực quốc gia, các chuyên gia cho rằng, cần có sự thay đổi phương thức hỗ trợ nông dân mang tính dài hơi, bền vững.

TS Kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cấp địa phương, đặc biệt là ngành NN&PTNT và ngành Công thương cần nắm vững xu thế của thị trường để khuyến cáo nông dân trồng lúa theo nhu cầu xuất khẩu, tìm đầu ra ổn định, đồng thời xây dựng sàn giao dịch nông sản nhằm hỗ trợ họ tiếp cận thông tin giá cả, góp phần lành mạnh hóa thị trường, tránh tình trạng bị thương lái ép giá.

“Để đạt hiệu quả cao, có lãi cho cả người dân và DN, bản thân DN cũng phải tự dự trữ khoảng 30% sản lượng để đảm bảo xuất khẩu mà không cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Cụ thể, nông dân và DN có tổng dự trữ là 50%, Nhà nước cũng phải dự trữ từ 10-20%, lượng còn lại sẽ do thị trường tự điều tiết. Điều này mới đảm bảo người trồng lúa thu nhập có lãi từ 20- 30% như mong muốn của Chính phủ”- ông Doanh phân tích.