Nhiều hạn chế trong triển khai thí điểm
Số liệu thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, đến nay đã có hơn 300.000 hộ nông dân, tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp. Trong đó, hơn 7.400 hộ tham gia bảo hiểm đối với thủy sản. Thực tế cho thấy, sau một thời gian thí điểm, bảo hiểm thủy sản đã bộc lộ nhiều hạn chế.
Ông Phạm Xuân Phong, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh, cho rằng: “Trong giai đoạn triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp từ năm 2011-2013, hộ nghèo được miễn 100% phí bảo hiểm và hộ cận nghèo được miễn 90%, điều này vô tình đã tạo sự ỷ lại trong một bộ phận người dân. Nhiều hộ nuôi trồng thủy sản vì suy nghĩ “đã có bảo hiểm” nên không tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật nuôi thủy sản”.
Nuôi tôm là một trong những ngành được áp dụng bảo hiểm thủy sản. Ảnh: HUỲNH LÂM
Thủy sản (ví dụ như con tôm) phải được nuôi đúng quy trình kỹ thuật để bảo đảm chất lượng và tránh phát sinh dịch bệnh… Đây cũng là cơ sở chính để cấp hợp đồng bảo hiểm và giải quyết bồi thường. Tuy nhiên, trong quá trình thẩm định, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhận thấy có những trường hợp nuôi tôm không đúng quy trình kỹ thuật. Cụ thể, theo quy định thì mỗi năm chỉ được nuôi 2 vụ (vụ 1 thả giống từ tháng 1 đến tháng 5, vụ 2 thả giống từ tháng 10 đến tháng 12), nhưng một số hộ nuôi tôm lại thả nuôi vụ 2 vào trước tháng 5. Điều này rất nguy hiểm khi mầm mống dịch bệnh vẫn còn, làm tăng rủi ro không chỉ cho chính hộ nuôi tôm đó, mà còn ảnh hưởng đến vùng nuôi tôm chung. Đồng thời, ảnh hưởng lớn đến việc đánh giá rủi ro của các công ty bảo hiểm trước khi nhận bảo hiểm.
Một vấn đề nữa là thủ tục bảo hiểm thủy sản còn phức tạp với người nông dân. Trong quá trình nuôi tôm, hộ nuôi phải bảo đảmđủ các hồ sơ liên quan như: Biên nhận mua tôm giống, thức ăn chăn nuôi; nhật ký nuôi tôm, khai báo diễn biến tôm nuôi hằng tháng cho doanh nghiệp bảo hiểm… Hồ sơ bồi thường phải có đủ: Bản sao hợp đồng bảo hiểm, giấy chứng nhận bảo hiểm, giấy yêu cầu bồi thường, văn bản công bố dịch và giấy xác nhận thiệt hại có chứng nhận của chính quyền địa phương…
Ngoài ra, việc "lựa chọn bảo hiểm" cũng là một vấn đề đáng nói. Ông Lê Thanh Triều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cà Mau, cho biết: Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm “dè chừng” với bảo hiểm dịch bệnh, trong khi hoạt động nuôi thủy sản ở ĐBSCL, nhất là với con tôm gần như 100% bị thiệt hại là do dịch bệnh. “Với cách lựa chọn như vậy, rõ ràng doanh nghiệp bảo hiểm có lợi, vì con tôm của nông dân rất ít khi thiệt hại vì thiên tai”, ông Triều cho biết thêm.
Cần thay đổi chính sách
Ông Phạm Xuân Phong, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh, đơn vị thực hiện thí điểm bảo hiểm cho rằng, thời gian tới nên bỏ tiêu chí hộ nghèo được miễn 100% phí đóng bảo hiểm. Theo ông Phong, Nhà nước vẫn hỗ trợ hộ nghèo và cận nghèo, nhưng phải trên nguyên tắc chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp bảo hiểm, là người tham gia bảo hiểm phải chịu thiệt một phần nếu có rủi ro xảy ra. Điều này sẽ khiến người nông dân nâng cao trách nhiệm với con tôm, con cá của mình. Theo ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính, việc bắt buộc hộ nghèo phải tự chi trả một tỷ lệ nhất định phí bảo hiểm là để họ có trách nhiệm hơn trong việc kiểm soát, quản lý rủi ro, vì thời gian qua đã có biểu hiện trục lợi từ việc đền bù của bảo hiểm.
Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho rằng: Cần chấm dứt thí điểm bảo hiểm nông nghiệp với thủy sản, đồng thời triển khai bảo hiểm nông nghiệp theo nguyên tắc tự nguyện, không giới hạn phạm vi địa bàn và đối tượng bảo hiểm. Để chấm dứt tình trạng "lựa chọn bảo hiểm", ông Lê Thanh Triều, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, đề xuất việc thực hiện bảo hiểm phải công bằng và toàn diện, tức công ty bảo hiểm phải có trách nhiệm cả thiệt hại do dịch bệnh lẫn thiên tai gây ra.
Để việc triển khai thực hiện bảo hiểm thủy sản nói riêng, bảo hiểm nông nghiệp nói chung thuận lợi trong thời gian tới, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, phải thành lập tổ thẩm định, giám sát để có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan trong vấn đề xác định mức độ thiệt hại, từ đó làm căn cứ cho bảo hiểm chi trả cho người tham gia bảo hiểm nhằm tránh tình trạng trục lợi và nhiều bất cập như thời gian qua.