Tại diễn đàn, bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp, nhận định nông dân đang gặp rất nhiều khó khăn khi chuyển sang làm nông nghiệp sạch. Nguyên nhân là do nền nông nghiệp Việt Nam đang thành công về bảo đảm an ninh lương thực, tiếp tục giữ vững thành tích về sản lượng, dùng mọi biện pháp kích thích tăng vụ, tăng năng suất dẫn đến bất chấp về chất lượng, giá trị nông sản, ảnh hưởng môi trường, kéo theo thu nhập, đời sống và sức khỏe nông dân sa sút.
Toàn cảnh buổi diễn đàn
Làm nông sản sạch có vẻ như đang đi ngược với xu thế hiện nay nên gặp nhiều thách thức cả đầu vào lẫn đầu ra, từ việc tìm phân bón được phép sử dụng, thực hành sản xuất sạch, liên kết theo chuỗi… Trong đó, việc đầu tư sản xuất tốn kém nhưng không tìm được đầu ra ổn định là khó khăn lớn của nông dân. Người tiêu dùng đô thị có nhu cầu cao về sản phẩm sạch nhưng không biết mua ở đâu, trong khi nông dân làm ra sản phẩm sạch lại không biết bán chỗ nào, dẫn đến việc bị thương lái ép giá rẻ mạt.
“Người nông dân cũng biết con đường sống của họ là làm nông sản sạch nhưng bắt đầu từ đâu, ai hỗ trợ, hướng dẫn thì lại… mù tịt. Tất cả đều cần những chính sách từ nhà nước được thực thi thay vì chỉ nằm trên giấy. Bộ NN xem xét tổ chức các cuộc đối thoại, lắng nghe nông dân nhiều hơn để có những hỗ trợ sâu sát, kịp thời hơn” – bà Hạnh bày tỏ.
Nhiều nông dân hiện đang trồng trọt, chăn nuôi theo hướng tự nhiên tại TPHồ Chí Minh cho biết, mặc dù họ có trong tay sản phẩm sạch nhưng không biết tiêu thụ ở đâu, làm sao tiếp cận kênh phân phối hiện đại là hệ thống các siêu thị?
Các đại biểu tham gia tại diễn đàn
TS Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam thừa nhận: “Các sản phẩm sạch luôn được các siêu thị hoan nghênh nhưng muốn vào siêu thị thì phải tuân theo quy định của siêu thị. Ví dụ như sản phẩm đó có thực sự là yêu cầu của người tiêu dùng không, có cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại hay không, giá cả đã thích hợp chưa… “
Theo bà Loan, không nhất thiết những sản phẩm sạch phải vào siêu thị mới tiêu thụ được, còn có nhiều kênh phân phối khác như trường học, nhà hàng, khách sạn hoặc tự trồng, tự bán. Tuy nhiên, giá cả là yếu tố rất quan trọng, không phải cứ sạch là giá phải cao mà cần có sự điều chỉnh hợp lý để người tiêu dùng đều có thể tiếp cận.
Hiện nay, việc đưa sản phẩm từ nông trại đến tay người tiêu dùng vẫn còn khập khiễng, phân đoạn. Người tiêu dùng muốn có thực phẩm sạch nhưng không kết nối được với người cung cấp. Đây chính là “điểm chết” hiện nay và vẫn chưa tìm ra giải pháp hiệu quả.
Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN& PTNT phát biểu tại diễn đàn.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN& PTNT nhấn mạnh: “Hiện nay, câu chuyện thực phẩm sạch đang là vấn đề nóng bỏng đối với đời sống xã hội, để có được sản phẩm sạch việc xây dựng một nền nông nghiệp hướng tới sức khỏe người tiêu dùng cần có sự đồng thuận của Nhà nước, các bộ, ban, ngành và cả cộng đồng xã hội. Trong đó, nhận thức của người tiêu dùng phải có sự chuyển biến để phân biệt đâu sản phẩm sạch, mua và dùng trong đời sống hàng ngày”.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN& PTNT) cho biết: “Người tiêu dùng phải thay đổi thói quen tiêu dùng kiểu tiện đâu mua đấy với giá rẻ, nếu không sản phẩm bẩn sẽ hoành hành. Các cơ quan chức năng, các địa phương và doanh nghiệp phải tạo được niềm tin giữ người sản xuất và người tiêu dùng, người tiêu dùng tin tưởng sản phẩm an toàn, sản phẩm tốt, sẵn sàng bỏ ra chi phí cao để tiêu dùng sản phẩm. Cả hệ thống chính trị vào cuộc để đưa ra những địa chỉ, những cơ sở sản xuất tin cậy để người tiêu dùng và nhà sản xuất gặp gỡ nhau”.