Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Cần có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cả xã hội

Trong những năm qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực nói chung, đào tạo nghề nói riêng ở Quảng Nam đã có những chuyển biến tích cực, đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn cần có những “ cú hích” tích cực để công tác này góp phần hiệu quả hơn trong sự phát triển về mọi mặt của tỉnh Quảng Nam. Phóng viên Báo Lao động & Xã hội đã có cuộc phỏng vấn ông Huỳnh Tấn Triều, Tỉnh ủy viên, GĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam về vấn đề này.

 

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết thực trạng công tác dạy nghề hiện nay ở Quảng Nam?

Ông Huỳnh Tấn Triều:   - Công tác dạy nghề ở Quảng Nam luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và được chọn làm khâu đột phá trong phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhờ vậy, công tác dạy nghề của tỉnh Quảng Nam đã đạt được nhiều kết quả, tiêu biểu như:

- Một là: Hệ thống cơ sở dạy nghề của tỉnh đã phát triển nhanh và phù hợp với quy hoạch được phê duyệt. Đến nay, toàn tỉnh có 46 cơ sở dạy nghề, gồm: 2 trường cao đẳng nghề; 5 trường trung cấp nghề; 25 trung tâm dạy nghề; 14 cơ sở khác và doanh nghiệp có tham gia dạy nghề. Mạng lưới cơ sở dạy nghề được phân bố hợp lý theo cơ cấu ngành nghề, cơ cấu khu vực (trung tâm, đồng bằng, miền núi...), đảm bảo thuận lợi cho người lao động tham gia học nghề và thuận lợi trong việc cung ứng nguồn lao động kỹ thuật cho các doanh nghiệp trên địa bàn.

- Hai là: Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề của tỉnh đã phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Tổng số cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề của tỉnh hiện nay là 1.284 người (tăng 214 người so với năm 2010), trong đó, tổng số giáo viên dạy nghề là 826 người (tăng 175 người so với năm 2010), có 196 giáo viên có trình độ trên đại học (chiếm 23,73%).

Ông Huỳnh Tấn Triều.


- Ba là: Về chương trình, giáo trình dạy nghề. Trên cơ sở các bộ chương trình khung do Tổng cục Dạy nghề ban hành, Sở LĐ-TB&XH đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở dạy nghề có sự điều chỉnh, bổ sung phù hợp với đặc thù của thị trường lao động địa phương, đặc điểm công nghệ sản xuất và yêu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và khu vực. Ngoài ra, đã chỉ đạo các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh xây dựng các chương trình dạy nghề  trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng đối với các nghề mang tính đặc thù của địa phương, như: Đan mây tre, làm gốm sứ, dệt chiếu cói, dệt thổ cẩm, nuôi nhông đất, nuôi kỳ đà, kỹ thuật điêu khắc gỗ... Hiện nay, các bộ chương trình này đã được đưa vào sử dụng có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng dạy nghề của tỉnh.

- Bốn là, Quy mô tuyển sinh dạy nghề của tỉnh tăng qua từng năm, đa dạng về ngành nghề đào tạo, vừa đáp ứng được nhu cầu học nghề của người lao động, vừa đảm bảo trọng tâm, trọng điểm với phương châm là đào tạo những gì doanh nghiệp cần chứ không phải đào tạo những gì mà cơ sở dạy nghề sẵn có. Giai đoạn 2011-2014, tổng số lao động tham gia học nghề là 136.850 người, trong đó: cao đẳng nghề: 2.055 người, trung cấp nghề: 7.408 người, sơ cấp nghề: 50.664 người và dạy nghề dưới 3 tháng: 76.743 người; tổng số người tốt nghiệp các khoá đào tạo nghề là 128.287 người, trong đó: Cao đẳng nghề: 968 người, trung cấp nghề: 4.099 người, sơ cấp nghề: 48.389 người và dạy nghề dưới 3 tháng: 74.831 người.

Tỷ lệ lao động lao động qua đào tạo nghề của tỉnh đạt 41% vào năm 2014, ước đạt 44% vào cuối năm 2015 (tăng 14% so với năm 2010).

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác dạy nghề của tỉnh Quảng Nam hiện nay vẫn còn một số hạn chế, bất cập, đó là:

- Quy mô tuyển sinh dạy nghề trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề của tỉnh còn thấp. Việc đa dạng hoá các loại hình đào tạo chưa được thực hiện mạnh mẽ: mới chỉ chú trọng đến hình thức dạy nghề chính quy tập trung và dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng, chưa phát triển loại hình dạy nghề chính quy theo hình thức vừa học vừa làm; hình thức dạy nghề tại doanh nghiệp chưa phát triển mạnh;

- Các ngành nghề có yêu cầu kỹ thuật công nghệ cao chưa được đầu tư có chiều sâu để đón đầu phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa, như: bảo dưỡng, sửa chữa lắp ráp các thiết bị chính xác, hóa dầu, cơ khí chế tạo máy, các nghề thuộc lĩnh vực tự động hoá, công nghệ và du lịch... Những nghề truyền thống, nghề thủ công mỹ nghệ như: khảm trai, khắc chạm, gia công đá quý, thêu ren, chế biến thuỷ sản, ươm tơ dệt lụa... tuy đã được khôi phục nhưng chưa phát triển mạnh. Vốn nghề trong nhân dân, những nghệ nhân chưa được khai thác mạnh, việc truyền nghề chưa được tổ chức rộng rãi.

* Với thực trạng công tác dạy nghề như vậy, đánh giá của đồng chí về dạy nghề gắn với chương trình giải quyết việc làm và xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Nam như thế nào?

- Công tác dạy nghề có vai trò cực kỳ quan trọng trong thực hiện các chương trình giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Vì vậy, tỉnh Quảng Nam luôn chú trọng dạy nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, gắn với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, trong thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỉnh Quảng Nam ưu tiên tổ chức các lớp dạy nghề khi đã có đơn đặt hàng sử dụng lao động của doanh nghiệp; các lớp dạy nghề mà người lao động có cam kết tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau học nghề; các lớp dạy nghề gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch về phát triển cây trồng, vật nuôi tại địa phương; các lớp dạy nghề tại các xã đăng ký xây dựng nông thôn mới. Đã có nhiều mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm được thực hiện hiệu quả, nhiều lao động nông thôn sau khi học nghề đã thoát nghèo; nhiều làng nghề truyền thống ở Quảng Nam được khôi phục và phát triển.

Có thể nói rằng, công tác dạy nghề gắn với việc giải quyết việc làm ở Quảng Nam đã được sự quan tâm của các cấp, các ngành; tạo nên được động lực, niềm tin, sự chuyển biến tích cực trong nhận thức học nghề lập nghiệp của người lao động; góp phần tích cực trong việc nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Bế mạc Hội giảng GV Dạy nghề tỉnh Quảng Nam.

 

* Công tác đào tạo nguồn nhân lực nói chung, dạy nghề nói riêng ở Quảng Nam trong thời gian đến có những nét gì mới để đáp ứng yêu cầu của các chương trình, mục tiêu về giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo?

- Trong thời gian đến, để đảm bảo nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, đáp ứng yêu cầu của các chương trình giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo nói riêng, trong bối cảnh Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực thi hành, công tác dạy nghề tỉnh Quảng Nam tập trung vào những nội dung sau:

Thứ nhất: Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến Luật Giáo dục nghề nghiệp (có hiệu lực ngày 01/7/2015); các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác giáo dục nghề nghiệp, để cho cả xã hội, đặc biệt là  người lao động có nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí của giáo dục nghề nghiệp đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội để chính họ quyết định về  nghề nghiệp, lựa chọn được nghề nghiệp phù hợp với năng lực và điều kiện của bản thân, phải thấy rằng học nghề vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của mình, là con đường tiến thân bền vững với phương châm "học tập suốt đời".

Thứ hai: Tập trung nâng cao chất lượng dạy nghề, tiếp tục đầu tư phát triển các nghề trọng điểm cấp khu vực, cấp quốc gia và cấp tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa tỉnh nhà, đồng thời đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động. Đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo, phương pháp đánh giá. Tăng cường liên kết giữa các cơ sở dạy nghề với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh trong xây dựng chương trình, giáo trình; tổ chức đào tạo và tiếp nhận sử dụng người lao động sau khi tốt nghiệp.

Thứ ba: Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, đến xã phải thực sự vào cuộc một cách mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện đề án, xem đây là đề án động lực nhằm đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề để góp phần tích cực vào thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay. Tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển sản xuất của từng địa phương, nhu cầu sử dụng lao động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh - dịch vụ trên địa bàn và nguyện vọng về nghề nghiệp của người dân.

Thứ tư: Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống các cơ chế, chính sách của tỉnh về dạy nghề, đó là: chính sách thu hút những nghệ nhân, thợ giỏi, các cán bộ kỹ thuật giỏi trong các doanh nghiệp tham gia dạy nghề; chính sách cử tuyển đào tạo giáo viên, thu hút giáo viên dạy nghề về làm việc tại các huyện miền núi hoặc làm việc trong một số lĩnh vực, ngành nghề quan trọng, nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề; chính sách khuyến khích đối với các doanh nghiệp tham gia dạy nghề và đầu tư cho dạy nghề.

Thứ năm: Đẩy mạnh công tác xã hội hóa và đa dạng hóa nguồn lực cho sự nghiệp phát triển dạy nghề. Tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế trong lĩnh vực dạy nghề.