Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Cần đột phá trong sử dụng lợi thế nguồn nhân lực

(Dân sinh) - Các trường đại học trên địa bàn đặc biệt quan tâm đến việc tăng cường giải pháp để phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao của TP, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội.

Trong các khâu đột phá được xác định cho nhiệm kỳ tới, nhiều ý kiến quan tâm đến khâu đột phá thứ ba, trong đó, đã xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản trị xã hội, quản trị kinh tế… xây dựng cơ chế phù hợp để thu hút, trọng dụng nhân tài, nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội… Đồng thời, đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển Thủ đô. 

Hầu hết các ý kiến khi góp ý cho Dự thảo đều nhận định, Dự thảo Văn kiện đã thể hiện được quá trình phát triển của Thủ đô trong giai đoạn 2015 - 2020, phản ánh đúng tình hình khách quan, thể hiện tầm vóc, vị thế của TP, chỉ đúng nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, quan điểm, mục tiêu và biện pháp phát triển trong tương lai. Những thành tựu đạt được đã khẳng định mạnh mẽ sức vươn lên của Hà Nội.

Cần đột phá trong sử dụng lợi thế nguồn nhân lực - Ảnh 1.

Đào tạo nghề cho sinh viên tại trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội.

Theo GS.TS Nguyễn Kim Sơn (Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội), khâu đột phá này đã đưa ra ba nhận diện rất đúng, đó là “phát triển nhân lực, thúc đẩy khoa học công nghệ, phát huy giá trị văn hóa”. Tuy nhiên, không hẳn chỉ là phát triển, thúc đẩy và phát huy, mà nên được thiết kế theo hướng tận dụng thế mạnh của Thủ đô. Không phải dừng ở phát huy mà cần đột phá trong sử dụng những lợi thế này. Theo GS.TS Nguyễn Kim Sơn, nếu như các tỉnh, thành khác phải lo thu hút nhân lực, khoa học công nghệ, tại Hà Nội đã có các sẵn tiềm lực này, thậm chí là rất lớn. Vấn đề là cần có chiến lược, cơ chế khai thác và sử dụng hiệu quả hơn. Đây là ưu thế riêng của Thủ đô so với các địa phương.

Cũng nhấn mạnh đến việc cần đánh giá kỹ hơn đóng góp của đội ngũ trí thức cho Thủ đô, GS.TS Tạ Thành Văn (Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội) cho rằng, với 46 trường đại học, học viện, 24 trường cao đẳng, có 1.300 GS, PGS, 3.200 TS… Đấy là chưa kể các viện nghiên cứu, học viện không thuộc Đảng ủy Khối các trường ĐH, CĐ Hà Nội nhưng đóng trên địa bàn TP. 

Bên cạnh đó, cần đưa ra minh chứng cụ thể chứng minh cho kết quả của sự phát triển thị trường khoa học công nghệ cũng như hiệu quả của việc đầu tư cho khoa học công nghệ trong 5 năm qua. Vấn đề này đã được nêu ra trong Dự thảo văn kiện nhưng còn chung chung, khái quát. GS.TS Tạ Thành Văn cũng góp ý, Hà Nội là TP tập trung mạng lưới, hệ thống cơ sở y tế đầu ngành của T.Ư và TP với đội ngũ y bác sĩ hàng đầu. Nên trong Dự thảo, nên đánh giá hiệu quả các chính sách của TP để tận dụng và phát huy những nguồn lực này cũng như cơ chế phối hợp với các bộ, ngành, T.Ư, đóng góp cho sự phát triển của Hà Nội.

Nhấn mạnh việc cần tạo ra sự khác biệt, đặc trưng của lao động tại TP Hà Nội, PGS. TS Bùi Văn Quân (Hiệu trưởng trường Đại học Thủ đô Hà Nội) nêu ý kiên, Dự thảo Văn kiện có nội dung liên quan trực tiếp đến các trường đại học, cao đẳng, học viện trên địa bàn. 

Trong phần thành tựu đã đạt được thời gian qua, nên có thêm đánh giá về giáo dục đại học, nhấn mạnh tới sự chủ động của TP trong khai thác, phát huy tiềm lực của các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở khoa học công nghệ trên địa bàn vào việc thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao của TP. PGS.TS Bùi Văn Quân cũng cho rằng, nên bổ sung vào Dự thảo Văn kiện nội dung: Tăng cường và đảm bảo kết nối giữa các cấp học, trình độ đào tạo về công tác xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh trong học đường, hướng đến tạo khác biệt, đặc trưng cho lao động Thủ đô.

PGS.TS Nguyễn Văn Minh (Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội), với vai trò của mình, Hà Nội là hạt nhân liên kết các vùng phụ cận nhằm phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng. Trong Dự thảo đã có đề cập đến vấn đề này nhưng chưa rõ nét về mối liên kết vùng tạo động lực thúc đẩy phát triển. Trong phát triển văn hóa, Dự thảo nên làm đậm nét hơn vấn đề mang tính nền tảng, có tính cốt cách, chiều sâu và sự phù hợp với xu thế hội nhập, phát triển trong văn hóa của người Hà Nội.