Nhân kỷ niệm Ngày truyền thống của Ngành, LĐ-TB&XH, Báo Dân Sinh trân trọng giới thiệu ý kiến của bà Phạm Thị Minh Hiền, đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám Đốc Sở LĐ-TB&XH Phú Yên, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV
Cử tri đặt niềm tin rất lớn vào những đại biểu trẻ
Theo tôi biết, ngành LĐ-TB & XH chỉ có 3 đại biểu (ĐB) nữ dưới 40 trúng cử lần đầu. Phần lớn ĐB nữ, ĐB trẻ trúng cử đều ở ngành Giáo dục, Hội đoàn thể... Tổng số nữ ĐBQH trẻ dưới 40 tuổi chỉ có 71/ 494 ĐB.
Qua quá trình tiếp xúc cử tri, dễ hiểu vì sao nhiều cử tri bày tỏ sự băn khoăn, rằng: Với đặc thù của ngành thì ĐB cần có một độ tuổi gắn với bề dày công tác, có nhiều kinh nghiệm, vì ngành này liên quan đến nhiều thành phần, đối tượng trong xã hội. Vậy thì với tư cách ĐB nữ trẻ, tuổi dưới 40 cần trang bị những gì để phát huy tốt nhất vai trò, trách nhiệm của một ĐB dân cử trong việc tham gia cho ý kiến về những vấn đề nóng, nhạy cảm của xã hội hay của ngành...
Câu hỏi này đã theo tôi trong suốt quá trình tranh cử đến khi có kết quả bầu cử. Xác định cử tri đã đặt niềm tin rất lớn vào những đại biểu trẻ.
Đặt mình vào vị trí "đa góc nhìn" để đưa ra những giải pháp thỏa đáng
Vì vậy, ngoài việc chuẩn bị cho mình những kiến thức kỹ năng cơ bản, cần có của một ĐBQH, sau khi trúng cử, tôi đã đăng ký tham gia là thành viên của Ủy ban các vấn đề xã hội của QH. Tôi nghĩ đây là môi trường thuận lợi đầu tiên để tôi có điều kiện được tiếp cận nguồn thông tin, tư liệu thực tiễn rộng lớn về những vấn đề xã hội, trong đó có những lĩnh vực mà ngành LĐ-TB&XH đang triển khai thực hiện.
ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền tiếp xúc cử tri
Ngành LĐTB& XH vừa là "đối tượng" cũng vừa là "đối tác" của Ủy ban các vấn đề xã hội. Đặt mình vào vị trí "đa góc nhìn" sẽ có nền tảng, cơ sở để mình có thể đưa ra những giải pháp thỏa đáng, tham gia tốt hơn, hiệu quả hơn những vấn đề mà người dân quan tâm. Đó cũng là mục tiêu đầu tiên của tôi khi trúng cử.
Mặt khác, bên cạnh yếu tố trẻ tuổi, thì yếu tố nữ cũng là một khía cạnh tôi rất quan tâm và luôn tự nhắc nhở mình cần phải phấn đấu và nỗ lực nhiều hơn để xứng đáng với niềm tin của cử tri dành cho. Không chỉ thế, ở lĩnh vực Bình đẳng giới, Vì sự tiến bộ của Phụ nữ, ĐB nữ của ngành LĐ-TB&XH cần phải có trách nhiệm góp tiếng nói quyết liệt và mạnh mẽ về Lồng ghép giới trong các dự án Luật, trong việc ban hành chính sách, chương trình phát triển KT-XH cũng như các dự án nâng cao năng lực dành cho nữ...
Tôi nghĩ rằng, chương trình hành động của ĐBQH thì ai cũng có, mong muốn cũng có rất nhiều, phần lớn gắn với thế mạnh, sở trường hay nhiệm vụ ở ngành mình đang công tác. Tuy nhiên, như tôi chia sẻ, vì là ĐB mới và QH khóa XIV cũng chỉ mới họp kỳ đầu tiên nên chưa thể đánh giá hết được. Nhưng quan trọng là mình xác định tâm thế của một ĐBQH như thế nào, nhất là đại biểu của ngành LĐ- TB&XH.
Tôi đặt ra cho mình những điều cần phải có, đó là: Có tư cách, đạo đức, tinh thần trách nhiệm; Có năng lực, hiểu biết; Có bản lĩnh, dũng khí đấu tranh và tấm lòng vì người dân. Và những điều cần phải làm, đó là: Những gì đã hứa với dân thì phải cố gắng hoàn thành; biết đặt mình vào khó khăn của người dân thì sẽ có dũng khí đấu tranh và bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân….
Vì vậy, tôi sẽ tập trung và quyết tâm thực hiện việc rà soát, giám sát và đề xuất các nội dụng liên quan chính sách An sinh xã hội đến sát với đời sống của người dân; phối hợp với đoàn ĐB QH kiến nghị, đề xuất những chính sách thiết thực, khả thi, giải pháp đồng bộ sát đúng với tình hình thực tế nhằm thay thế cho những chính sách hạn chế trong thực thi đối với người dân.
Ngoài ra, tôi cũng rất chú tâm vào những vấn đề liên quan đến quyền lợi của thanh niên, phụ nữ và trẻ em; các giải pháp hữu hiệu tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội…
Phạm Thị Minh Hiền : sinh năm 1978. Trình độ chuyên môn: Cử nhân Luật. Chức vụ, đơn vị công tác hiện nay: Phó Giám Đốc Sở LĐ-TB&XH Phú Yên; Phó trưởng Ban trực- Ban Vì sự tiến bộ của Phụ nữ tỉnh; Chủ tịch Hội đồng điều hành Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Phú Yên. |