Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Cần không gian sinh thái đúng nghĩa cho người già

Hiếu lễ với cha mẹ, chăm sóc các đấng sinh thành là điều ai cũng mong muốn thực hiện. Song trong xã hội hiện đại với guồng quay công việc hối hả, không ít gia đình cân nhắc lựa chọn viện dưỡng lão để chăm sóc người cao tuổi tốt hơn. Tuy nhiên, tại Việt Nam phân khúc nhà ở dưỡng lão vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức.

Các cụ cao tuổi tại Viện Dưỡng lão được sống trong môi trường trong lành, hòa mình với thiên nhiên.

Các cụ cao tuổi tại Viện Dưỡng lão được sống trong môi trường trong lành, hòa mình với thiên nhiên.

Ngôi nhà thứ hai của người cao tuổi

Nằm trong khu quần thể sinh thái rộng lớn, Trung tâm Chăm sóc Người cao tuổi Tuyết Thái (xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội) tạo cho người an dưỡng một không gian sống thoáng mát, yên tĩnh.

Với lợi thế rộng hơn 80.000m2, khu nhà cho người cao tuổi an dưỡng rộng 6.000m2, phía trước có hồ nước lớn, đảo nổi trồng nhiều cây xanh, cây ăn quả. Các cụ có thể đi dạo, tắm nắng, hay tham gia các hoạt động vui chơi, tập thể dục ngoài trời. Các hoạt động không chỉ giúp các cụ có tinh thần vui vẻ, mà còn giúp nâng cao sức đề kháng nhằm đẩy lùi bệnh tật.

Được biết, có nhiều cụ già sống chung với gia đình, hằng ngày con cái đi làm từ sáng đến tối mới về. Cảm giác ở nhà một mình đôi khi cảm thấy cô đơn và buồn chán. Có cụ khi đưa ra nguyện vọng được vào sống ở trung tâm dưỡng lão, lúc đầu con cháu lưỡng lự lắm. Nhưng khi đến trung tâm, thấy cảnh quan đẹp, nhân viên thân thiện, tiện nghi đầy đủ, con cháu đã đồng ý, và sau đó thấy an tâm vì sức khỏe của cụ tốt lên nhiều.

Với bà Nguyễn Thị Nga (SN1940), nhiều năm nay Trung tâm Chăm sóc Người cao tuổi như ngôi nhà thứ hai của mình. Bà cho biết, có bốn người con, nay đều làm ăn và sinh sống tại Úc. Không theo con cái ra nước ngoài, chọn sống ở Viện Dưỡng lão bà được các điều dưỡng chăm sóc đầy đủ với một tấm lòng nhân ái. “Tôi có tuổi rồi, vào Viện có đội ngũ điều dưỡng chăm sóc, không ảnh hưởng đến ai. Các con yên tâm lo công việc, còn bản thân chẳng phải e dè, ngại phiền phức. Như vậy là vẹn cả đôi đường” - Bà Nga tâm sự.

Trên thực tế, tình trạng sức khỏe người già thường không giống nhau. Trung tâm đã bố trí các cụ ông, cụ bà sinh hoạt trong phòng ở khép kín và bảo đảm thoáng mát. Mỗi người đều có phác đồ cũng như cách thức chăm sóc riêng phù hợp với sức khỏe và tính cách. Đối với một số cụ bị tai biến nhẹ có khả năng phục hồi, trung tâm có hệ thống máy tập kết hợp xoa bóp để phục hồi chức năng, giúp cải thiện tình trạng sức khỏe. “Các cụ rất hạnh phúc khi mỗi buổi chiều được cùng đi dạo quanh hồ, được giao lưu hát văn nghệ, đọc thơ hay nghe các nhân viên đọc báo” - Chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Tổng giám đốc Trung tâm Chăm sóc Người cao tuổi Tuyết Thái chia sẻ và cho biết, trong tương lai, nơi đây sẽ phấn đấu để có một mô hình viện dưỡng lão cao cấp chăm sóc người già cả về tinh thần lẫn sức khỏe mà nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã áp dụng thành công, nhưng phù hợp với hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam.

Nhiều người già lựa chọn viện dưỡng lão để được chăm sóc sức khỏe tốt hơn và tránh gây áp lực cho con cháu.

Nhiều người già lựa chọn viện dưỡng lão để được chăm sóc sức khỏe tốt hơn và tránh gây áp lực cho con cháu.

Nhu cầu cao nhưng nguồn cung chưa đủ

Anh Xuân Cường, quê ở Nghệ An đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội tâm sự, gia đình có hai anh em, cả hai người con đều làm ăn xa nhà. Ở quê, người thân cũng không còn nhiều vì họ cũng tha hương đi làm kinh tế mới, người đi xuất khẩu lao động, chỉ còn cha mẹ già năm nay hơn 80 tuổi. Anh cho biết, một vài năm trở lại đây, trái gió trở trời cùng bệnh huyết áp cao khiến sức khỏe của các cụ yếu đi trông thấy. Anh lo lắng vì ở xa không tiện chăm sóc cho cha mẹ mình hàng ngày và cũng đang lên kế hoạch đưa các cụ ra Hà Nội vào viện dưỡng lão để các nhân viên tiện chăm sóc.

Qua nhiều nghiên cứu, khảo sát thì nhu cầu vào viện dưỡng lão ở Việt Nam gia tăng mạnh. Với mức độ phát triển hoạt động kinh tế, quá trình đô thị hóa và hiện đại hóa, đã có những thay đổi trong cách cấu trúc các cộng đồng. Các gia đình hạt nhân ngày càng trở nên phổ biến và tỷ lệ các gia đình “tứ đại đồng đường” ngày càng giảm. Số lượng người cao tuổi sống một mình ngày càng tăng do con cháu đi làm ăn xa. Nhiều trường hợp người vừa nghỉ hưu, con cái đi làm ăn xa có suy nghĩ về việc sau khi tuổi cao, sức khỏe yếu sẽ vào viện dưỡng lão. 

Sống ở nhà dưỡng lão luôn tạo cho người già một tinh thần vui vẻ, sống khỏe, có ích.

Sống ở nhà dưỡng lão luôn tạo cho người già một tinh thần vui vẻ, sống khỏe, có ích.

Số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam cho thấy, số người cao tuổi sống một mình hoặc chỉ sống với vợ/chồng của họ tăng từ 18,3% năm 2009 lên 27,8% vào năm 2019. Sự già hóa dân số là đã thấy rõ nhưng trong số 63 tỉnh, thành phố của cả nước, chỉ có 32 tỉnh, thành phố có viện dưỡng lão dành cho việc chăm sóc người cao tuổi. Đây là con số quá ít so với nhu cầu và phần lớn các cơ sở này đều là của tư nhân. Những địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn chỉ có cơ sở tổng hợp, không có cơ sở chăm sóc chuyên biệt.

Hiện nay, Việt Nam là một quốc gia có tuổi thọ trung bình ngày một tăng cao, tốc độ già hóa dân số nhanh chóng. Năm 2011, nước ta bước vào giai đoạn già hóa, cơ cấu dân số chuyển dịch theo hướng số lượng người già nhiều hơn người trẻ. Đến năm 2050, Việt Nam sẽ có dân số siêu già, trong đó trên 20% dân số trên 65 tuổi.

Nhà nước đang hướng đến mục tiêu bao phủ trung tâm dưỡng lão ở các tỉnh, thành phố và những cơ sở cung cấp dịch vụ tương thích với quy mô dân số người cao tuổi trên địa bàn, ít nhất mỗi tỉnh một cơ sở. Đồng thời, tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách để khuyến khích doanh nghiệp tư nhân mở rộng mạng lưới nhà dưỡng lão.

Mong rằng, doanh nghiệp muốn phát triển mạnh viện dưỡng lão để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và sự già hóa dân số được thuận lợi về các thủ tục pháp lý. Doanh nghiệp hoạt động đầu tư trong lĩnh vực này được hưởng những ưu đãi về thuế, được thuê hoặc mượn đất, cơ sở vật chất. Những dự án đầu tư cho người cao tuổi là những dự án đầu tư ưu tiên, mang tính chất hoạt động công ích vì lợi ích cộng đồng.