Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Cần lắm một cây cầu dân sinh!

Đã nhiều năm qua, hơn 1.000 nhân khẩu của hai thôn Tiên Nông và Tiên Long (xã Thiệu Long, Thiệu Hóa, Thanh Hóa) vẫn phải đi qua cây cầu tạm, khiến hiểm nguy luôn rình rập. Đã có những vụ tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra tại cây cầu tạm này, khiến người dân nơi đây không khỏi lo lắng. Từ lâu, họ mong ước có một cây cầu kiên cố để ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế…

 

Cây câu tạm mà chính quyền địa phương đã ghép từ khoảng 500 cây luồng là con đường độc đạo nối liền giữa hai thôn Tiên Nông và Tiên Long với hơn 1.000 nhân khẩu thuộc xã Thiệu Long (Thiệu Hóa, Thanh Hóa). Theo người dân nơi đây, trước đây mỗi khi qua sông họ đều đi bằng đò, năm 1982 xảy ra vụ tai nạn thương tâm khiến 2 mẹ con chết đuối nên người dân và chính quyền địa phương làm cầu tạm bằng phao xi măng. Nhưng do ảnh hưởng của cơn bão số 10, nước sông dâng cao, chảy xiết đã bẻ gãy và nhấn chìm toàn bộ cây cầu. Sự cố trên gây thiệt hại rất lớn về kinh tế, ảnh hưởng lớn tới việc đi lại của người dân, nhất là các cháu học sinh.

 

Cây cầu tạm bắc qua sông Cầu Chày được xã Thiệu Long ghép bằng nhiều cây luồng

 

Để giải quyết nhu cầu đi lại cho người dân nơi đây, chính quyền địa phương đã thuê người ghép khoảng 500 cây luồng tạo thành một cây cầu tạm. Tuy nhiên, mỗi trận mưa lớn kéo dài, người dân nơi đây lại luôn đối mặt với hiểm họa đuối nước, đặc biệt là hơn 300 học sinh luôn có nguy cơ bị rơi xuống sông mỗi khi đến trường.

Lo lắng trước nguy cơ tai nạn từ cây cầu tạm, ông Hoàng Văn Tuấn (ở thôn Tiên Nông) cho hay: “Người dân chúng tôi ước mong có một cây cầu kiên cố để yên tâm sinh sống, ổn định cuộc sống, để con cháu đi lại thuận tiện và an toàn hơn. Hàng năm vào mùa mưa lũ nước dâng cao, người dân chúng tôi không thể đi lại được, thậm chí các cháu đều phải nghỉ học. Mỗi lần đón cháu đi học về qua cây cầu này tôi rất lo lắng, sợ bị rơi xuống sông”. Còn ông Lê Văn Huân (thôn Tiên Long) chia sẻ: “Suốt 15 năm qua, niềm khát khao mong mỏi của người dân có cây cầu kiên cố vẫn chỉ là ước mơ xa vời. Cuộc sống vốn khó khăn lại càng nghèo khổ hơn khi chúng tôi làm ra cân lúa, nuôi được con lợn muốn bán cũng vô cùng gian nan vì thương lái không dám vượt sông vào làng. Chỉ khi vào mùa cạn thì đi lại dễ dàng hơn một chút, còn đến mùa mưa đi lại khổ sở và nguy hiểm vô cùng. Có tháng chỉ đi lại được khoảng 20 ngày, số ngày còn lại nước dâng cao, không thể qua sông được nên các cháu học sinh phải nghỉ học. Khổ nhất là những người ốm đau, sinh đẻ, phải đi cấp cứu nếu gặp phải hôm nước dâng cao. Khi đó, chúng tôi cũng đành chịu, cầu mong nước mong rút”.

 

Người dân rất lo lắng mỗi khi đi qua cây cầu tạm bằng luồng

 

Theo tìm hiểu của PV, thôn Tiên Nông có hơn 300 nhân khẩu trong đó có 150 học sinh các cấp. Vừa qua, cây cầu tạm bị nước lũ nhấn chìm, toàn thôn bị cô lập hoàn toàn mất hơn 10 ngày, công việc ngưng trệ, mọi giao thương không thể đi lại, cuộc sống người dân gặp không ít khó khăn. Ngày 28/9, do con cháu nghỉ học quá lâu, người dân hai thôn đã lên xã kiến nghị chính quyền có biện pháp khắc phục tạm thời để người dân đi lại. Trước nỗi niềm của người dân, chính quyền xã trích ngân sách làm cầu tạm bằng luồng. Về lâu dài, người dân nơi đây mong muốn nhà nước sớm đầu tư cho một cây cầu kiên cố.

Nguy hiểm luôn rình rập người dân nơi đây mỗi khi qua cây cầu tạm này

Trước nỗi lo lắng của người dân hai thôn Tiên Nông và Tiên Long, ông Lê Văn Bé - Phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Long cho biết: “Cây cầu là con đường duy nhất nhằm giao thương giữa hai thôn Tiên Long, Tiên Nông với trên 1.000 nhân khẩu. Trước kia, xã và huyện bỏ kinh phí làm cầu phao bằng xi măng nhưng cũng chỉ là giải pháp tình thế. Đặc biệt, trong trận bão vừa qua, nước dâng lên cao đã cuốn trôi cả cây cầu tạm này khiến việc đi lại của người dân bị tê liệt hoàn toàn. Những lúc nước to, chúng tôi phải đến từng nhà động viên phụ huynh mang con em qua bên xã gửi nhờ vào nhà anh em, bạn bè để việc học hành của các cháu không bị gián đoạn. Tuy nhiên giải pháp này không mang lại hiệu quả là bao. Sau khi nước cuốn cầu phao cũ xã trích ngân sách mua 500 cây luồng về làm cầu tạm cho người dân đi lại. Đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, tạm thời. Về lâu dài, mong tỉnh, huyện hỗ trợ kinh phí mới có thể làm cầu kiên cố được”.

Được biết, ngày 26/9/2017, UBND huyện Thiệu Hóa đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Thanh Hóa, đề nghị xin hỗ trợ kinh phí khắc phục cây cầu phao qua sông Cầu Chày. Với những mong mỏi thiết thực của người dân hai thôn Tiên Nông và Tiên Long, hy vọng trong thời gian tới, UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ sớm xây dựng một cây cầu kiên cố để người dân nơi đây yên tâm ổn định cuộc sống.