Những nguyên nhân gây nên bệnh viêm dạ dày
Hơn 10 năm đồng hành trong môi trường cấp cứu, BS CKI. Nguyễn Viết Hậu – Phó trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM chia sẻ, có rất nhiều nguyên nhân và yếu tố thúc đẩy bệnh viêm dạ dày mà chúng ta có thể phòng ngừa được như giảm căng thẳng, lo âu, ngủ sớm, hạn chế các chất kích thích (café, trà…), ăn uống đúng giờ,… Do tính chất công việc, nhân viên cấp cứu thường xuyên ăn uống không đúng giờ, ăn chiều cho cữ trưa, ăn tối cho cữ chiều là việc thường ngày, thậm chí còn nhịn đói cả ca trực là điều mà không hiếm. Thức khuya và những căng thẳng khi làm việc tại môi trường cấp cứu bận bịu làm không ít các bạn trẻ bị stress, đó cũng là yếu tố không nhỏ làm bệnh dạ dày thường xuyên tái phát và không thể dứt hẳn.
Ảnh: minh họa
Gặp người bệnh trong tình trạng nặng, ranh giới giữa sự sống chết, một hành động, một việc làm không cẩn trọng đôi khi lại có kết quả không hề mong muốn, nó luôn có áp lực vô hình đè nặng lên tâm lý của y bác sĩ. Stress về áp lực công việc, nhân viên y tế còn chịu nhiều áp lực của những bệnh lây nhiễm, bệnh xã hội,…
Bệnh Tai mũi họng
Vùng mũi xoang được hoạt động bình thường khi hoạt động đúng sinh lý, dịch trong xoang phải được tiết ra thường xuyên, liên tục, được dẫn lưu từ trong lòng xoang ra đến lỗ thông xuống mũi, xuống vòm họng và được nuốt xuống bất hoạt trong dạ dày. Bất cứ nguyên nhân nào làm cho sự di chuyển dòng dịch này bị ứ trệ lại, vi khuẩn có điều kiện phát triển và gây tình trạng viêm mũi xoang, nếu không được điều trị phù hợp sẽ tiến triển thành viêm mũi xoang mạn.
Theo GS TS BS. Phạm Kiên Hữu – Trưởng khoa Tai mũi họng tình trạng ứ trệ này có thể do 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất, là hiện tượng phù nề niêm mạc tắc lỗ thông, có thể xảy ra do viêm nhiễm, không khí lạnh, môi trường ô nhiễm, hóa chất độc hại… Thứ hai là do hệ thống lông chuyển bất hoạt (không di chuyển). Hiện tượng bất hoạt lông chuyển có thể do tiếp xúc với không khí ô nhiễm, hút thuốc lá hoặc sống trong môi trường lạnh. Thứ ba là chất tiết đặc lại – xảy ra ở người bệnh bị viêm mũi xoang mạn, viêm mũi xoang do nấm. Thông thường bệnh bắt đầu bằng viêm mũi xoang cấp, bệnh viêm mũi xoang cấp xảy ra khi có các yếu tố bất lợi xảy ra ở vùng mũi xoang.
Nếu không được điều trị kịp thời hoặc khi cơ thể phải tiếp xúc với các yếu tố bất lợi, lặp đi lặp lại thì bệnh sẽ tiến triển thành viêm xoang mạn. Những người làm trong môi trường y tế được xem là yếu tố thuận lợi cho bệnh viêm xoang tiến triển. Đặc biệt là các bác sĩ, nhân viên y tế – đối tượng thường xuyên khám và điều trị cho người bệnh bị viêm đường hô hấp trên, khi phản ứng viêm xảy ra, các niêm mạc sưng lên, các lỗ thông bị hẹp lại, dịch ứ đọng, gây phản ứng viêm. Để phòng bệnh, nhân viên y tế cần giữ môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát, mang khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, tăng cường hệ thống miễn dịch bằng việc ăn rau quả, trái cây, chích ngừa đầy đủ, tránh stress, và tập thể dục đều đặn.
Bệnh suy dãn tĩnh mạch
Theo ThS BS. Lê Quang Đình – Khoa Lồng ngực mạch máu: Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bệnh suy dãn tĩnh mạch chưa được xác định chính xác, rõ ràng. Song có một vài nguyên nhân gián tiếp làm tăng nguy cơ mắc các loại bệnh về tĩnh mạch như do tuổi tác, nghề nghiệp, di truyền hoặc mang thai. Những dấu hiện ban đầu của bệnh thường khá mờ nhạt, đứt quãng, dễ nhầm lẫn với bệnh xương khớp nên người bệnh ít để ý và dễ dàng bỏ qua. Bác sĩ ngoại khoa hoặc các điều dưỡng trong phòng mổ là một trong các nhóm nghề nghiệp có nguy cơ cao, và một khi đã bệnh thì dễ dẫn đến diễn tiến nặng.
Phòng bệnh bằng việc thay đổi tư thế trong khi mổ, hoặc những ca mổ kéo dài thì nên mang vớ y khoa. Ngoài ra, chúng ta có thể phòng ngừa trong sinh hoạt bằng cách ăn nhiều rau củ, hoa quả tươi, ngũ cốc…tránh bị táo bón, cung cấp đủ nước cho cơ thể. Chúng ta nên mang giày đế mềm, gót thấp, không nên mang giày cao gót hoặc mặc quần áo quá chật, tập những môn thể thao có động tác nhẹ nhàng và nên kê chân cao khi ngủ. Bên cạnh đó, tại nơi làm việc, chúng ta có thể tranh thủ sử dụng thang bộ, ngồi đúng tư thế, tránh ngồi xếp, gấp chân và nên vận động tại chỗ. Nếu công việc buộc phải đứng liên tục thì nên thay đổi tư thế thường xuyên, cố gắng chạy tại chỗ hoặc đứng nhón gót chân liên tục 15 – 20 lần cho mỗi lần tập, nó sẽ giúp làm giảm tải lên hệ thống tĩnh mạch.
Bệnh hô hấp
PGS TS BS. Lê Tiến Dũng – Trưởng khoa Hô hấp: Thức đêm thường xuyên, làm việc không có giờ giấc cố định, thường xuyên tiếp xúc gần với người bệnh lây nhiễm – đối với bác sĩ, điều dưỡng là điều bình thường; nhưng đây lại là một trong những nguyên nhân khiến nhân viên y tế - đối tượng đặc biệt có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao dễ bị lây nhiễm bệnh, trong đó có bệnh lao phổi. Nhân viên y tế dễ bị nhiễm với vi khuẩn lao – loại vi khuẩn có thể sống rất lâu ở môi trường ngoài cơ thể, do chúng có thể tồn tại rất lâu ở các nơi như phòng bệnh, nhà vệ sinh, nơi công cộng, xe buýt…..và lây bệnh.
Ảnh: Minh họa
Vi khuẩn lao cũng tồn tại trong không khí, nên dễ lây khi hít phải các giọt bắn của người bệnh lao hắc hơi, ho, thở ra. Ngoài ra, nhân viên y tế còn có thể bị lây nhiễm cúm, thủy đậu, viêm phổi...; lây do tiếp xúc với máu, dịch cơ thể của người bệnh trong quá trình phẫu thuật, chăm sóc người bệnh, lấy máu xét nghiệm, làm thủ thuật như viêm gan siêu vi B,C, HIV – AIDS…
Triệu chứng của bệnh lao phổi là người bệnh bị sốt, ớn lạnh, thường sốt về chiều; cảm giác mệt mỏi, biếng ăn, sụt cân; ho, khạc đàm có hoặc không, ho ra máu; đau tức ngực, thở khó. Nhiều trường hợp người bệnh lúc đầu có các triệu chứng không rõ ràng, đến khi người bệnh bị suy kiệt nặng, ho máu thì bệnh đã nặng và điều trị trở nên khó khăn. Để có thể phòng ngừa bệnh trên, chúng ta cần loại bỏ các chất kích thích như không uống rượu bia, thuốc lá, tránh khói bụi trong nhà, giữ ấm cơ thể vào mùa lạnh, tiêm vacxin phòng cúm, vệ sinh tay chân, răng miệng, uống nước đầy đủ và bổ sung dinh dưỡng hợp lý, quản lý điều trị tốt các bệnh mạn tính và suy giảm miễn dịch, có ý thức và biện pháp phòng tránh lây nhiễm.