Những khu vực kinh tế ở Việt Nam
Về mặt pháp lý thì doanh nghiệp nhà nước (DNNN), doanh nghiệp tư nhân (DNTN) và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khác nhau ở thủ thục cấp phép thành lập, chi phí đầu vào cho sản xuất, tổ chức quản lý và giải thể. Trong hoạt động sản xuất kinh doanh thì cả ba loại hình DN này cùng bị điều chỉnh như nhau bởi cùng một luật như: luật lao động, luật sở hữu trí tuệ, luật môi trường, cạnh tranh,… Vào những năm đầu của thời kỳ mở cửa (thập niên 80 của thế kỷ XX), chúng ta thấy rõ có hai chính sách khác nhau được thể hiện trong luật. Đối với những doanh nghiệp FDI, chính phủ thu nhiều trước khi quá trình sản xuất bắt đầu bằng “chính sách hai giá” (tức là giá do chính phủ ban hành và giá thị trường), đồng thời thu ít sau sản xuất thông qua việc cấp cho họ các khoản ưu đãi đầu tư.
Trong khi các DNNN, DNTN thì chịu cảnh ngược lại. Chính vì vậy cho nên các DN luôn phản ảnh về tình trạng bất bình đẳng và bị phân biệt đối xử trong môi trường đầu tư ở nước ta. Những năm gần đây, chính phủ đang dần xóa bỏ “chính sách hai giá”, đồng thời điều chỉnh mức thuế lợi tức nhằm tạo sự bình đẳng cho tất cả DN đều được đối xử như nhau. Chúng ta tạm ví von những loại hình DN như những “đứa con” trong cùng một gia đình. Nếu như DNNN được ví như “con ruột” thì DNTN là đứa “con nuôi” và doanh nghiệp FDI là “con lai”. Những đứa “con ruột” có “ ông bố” là cơ quan chủ quản (bộ, ngành) cùng “họ hàng” là các cơ quan hữu quan quản lý và hỗ trợ cùng nhiều ưu đãi khác. Ngược lại, những đứa “con nuôi” và “con lai” thì không có một “ông bố” riêng nào cả mà chỉ có vài cơ quan tùy theo vụ việc. Điểm lại một số trường hợp DNNN làm ăn thua lỗ trong thời gian qua chúng ta sẽ thấy rõ vấn đề.
Khu vực kinh tế nhà nước với những tập đoàn hoạt động kém hiệu quả, nợ thuế, thua lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng do lãnh đạo đơn vị còn mang nặng tâm lý bao cấp cùng nhiều nguyên nhân chủ quan khác. Trước đây, ở nước ta DNNN hiện diện tại hầu hết ngành, lĩnh vực như: may mặc, viễn thông, ngân hàng, điện lực, hóa chất,… Những lĩnh vực này DNTN và doanh nghiệp FDI có thể làm tốt hơn. Hiệu suất cũng giảm khi các nhà đầu tư tiềm năng “e ngại” do phải đối mặt với những rủi ro về điều tiết cũng như nỗi lo về việc thị trường bị lũng đoạn bởi các DN có quan hệ với chính quyền. Để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh cũng như một sân chơi bình đẳng, minh bạch cho môi trường đầu tư ở nước ta, trong những năm gần đây chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc cổ phần hóa nhiều tổng công ty, tập đoàn kinh tế, ngân hàng của nhà nước như Vinamilk, Sabeco, BIDV,… Tuy nhiên, nỗ lực cổ phần hóa trong thời gian qua vẫn chưa đạt kết quả như mong đợi vì các cơ quan chủ quản lẫn các DNNN chưa thật sự muốn xa nhau do những yếu tố kỹ thuật, tâm lý và cả yếu tố chủ quan, khách quan khác.
Khu vực kinh tế tư nhân ở nước với đa phần là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Theo số liệu thống kê của Phòng Thương mại & Công nghiệp VN (VCCI) công bố mới đây, chỉ 30% DNNVV ở nước ta được tham gia vào mạng lưới sản xuất. DNNVV ít có khả năng được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa của FDI qua chuyển giao công nghệ, kỹ năng và nâng cao năng suất. Cũng theo thống kê của VCCI, khu vực tư nhân đang tạo ra đến 90% việc làm mới cho người lao động và đóng góp khoảng 50% GDP của cả nước. Khu vực này có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm phúc lợi và thu nhập cho người lao động trên cả nước. Tuy nhiên, từ thực tiễn hoạt động của DNTN lại cho thấy, vai trò và vị trí của họ chưa được coi trọng và vẫn còn sự phân biệt đối xử bất bình đẳng. Khu vực kinh tế tư nhân có tốc độ tăng trưởng ngoạn mục. Tuy nhiên, những khảo sát của Ngân hàng thế giới cho thấy, các DNTN còn gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn đầu tư, công nghệ, thông tin, đất đai. Do đó, chính phủ cần tạo lập một sân chơi bình đẳng giữa các DN với nhau; tăng cường các thể chế thị trường nhằm nâng cao năng suất của khu vực tư nhân. Đây sẽ là động lực lớn để kinh tế tư nhân phát triển, tăng sức cạnh tranh và tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Giải pháp cải thiện môi trường đầu tư.
Để môi trường đầu tư được minh bạch, thông thoáng và bình đẳng nhằm thu hút đầu tư, VN cần một khuôn khổ chính sách toàn diện về cạnh tranh nhằm mở cửa cho sự gia nhập thị trường và cạnh tranh của các nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài, đồng thời các chính sách cạnh tranh phải được thực thi một cách hiệu quả. Nhiệm vụ trước mắt là phải nâng cao được năng lực cạnh tranh và hiệu quả cho các DN trong nước thông qua việc hoàn thiện, củng cố nền kinh tế của thị trường và xác định các chính sách công bằng, cạnh tranh lành mạnh, trong tiếp cận nguồn vốn đầu tư, tài nguyên đất đai và thông tin. Ngoài ra, chính phủ cần sớm loại bỏ bất kỳ hình thức ưu đãi nào cho các DNNN và tập trung để thúc đẩy sự phát triển của DN, chủ yếu là DNTN, cả về số lượng và chất lượng.