Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Cần nghiêm khắc và nhất quán

 
Tranh minh họa: KT
 
“Thô lỗ” - Đã gọi tên đúng sự việc
 
Trong tiếng Việt, khi dùng ngôi thứ nhất số ít “tao”, số nhiều “chúng tao”; ngôi thứ hai “mày”, “chúng mày” thì sự thô lỗ đã bày ra rất rõ. Cứ tưởng chỉ ngoài đường, ngoài chợ hay dân “bụi bặm”, thậm chí là xã hội đen mới dùng những chữ đó. Ai ngờ, các quan chức của Hà Nội cũng không ngần ngại “mày - tao” với phóng viên.
 
Chứng cớ đây: Ngày 13/6/2016, phóng viên báo điện tử “Một thế giới” được nghe ông Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công thương Hà Nội nói thế này:“Mày bảo Giám đốc Sở Công thương là nói không đúng với lại Chủ tịch hả? Tao sẽ làm cho nó ra chuyện. Cái việc của tao nói là việc của tao chứ không phải báo chí bình luận được những cái lời như thế, nhá”. Khi phóng viên đề nghị không nên xưng “mày - tao” thì ông vẫn tiếp tục: “Nhưng mà nói trên báo chí mà động đến Giám đốc Sở Công thương í, mày còn nói tồi tệ hơn như thế, nhá. Tao nói để mày biết như thế đấy”.
 
Ban đầu, tôi nghĩ, đây là trường hợp ngoại lệ, không có người thứ hai thô lỗ như thế này nữa. Vậy mà vào ngày 29/6/2016, báo “Tiền phong” đăng tải những câu nói của ông Trần Anh Tú (nói vào ngày 28/6/2016) - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội trả lời phóng viên:“Không hiệu quả không phải việc của chúng mày. Chúng mày làm báo không có chuyên môn. Chúng mày là cơ quan báo chí hay cơ quan thẩm định?... Ùn tắc không phải việc của chúng mày. Chúng mày là cơ quan báo chứ có phải cơ quan thẩm định, không phải là cơ quan chuyên môn, chuyên ngành. Mày ăn nói lung tung”.
 
Không hiểu được giáo dục kiểu gì mà các quan chức của Hà Nội thanh lịch lại ăn nói thô lỗ, thiếu văn hóa như thế!?
 
“Thô lỗ” khác với “khó nghe
 
Sau khi bị nhiều cơ quan báo chí và dư luận xã hội lên án, ông Tú đã xin lỗi phóng viên báo “Tiền phong” và bạn đọc. Sự xin lỗi đã được ghi nhận. Chúng ta hoan nghênh sự “dũng cảm” của ông Tú (còn ông Lê Hồng Thăng thì vẫn im lặng một cách đáng trách).
 
Tuy nhiên, không phải vì đã có lời xin lỗi mà chúng ta gọi hành vi đó khác đi được! Trước khi ông Tú xin lỗi, ai cũng gọi cách nói năng của ông Thăng, ông Tú là “thô lỗ”. Vậy mà sau khi ông Tú xin lỗi, một số cơ quan báo chí chỉ gọi những lời đó là “khó nghe”. Tôi xin nói rõ: “thô lỗ” và “khó nghe” khác xa nhau về mức độ đánh giá cách nói năng. Cương vị và cách nói năng của ông Thăng, ông Tú được xem là rất thô lỗ. Điều này đã được bạn đọc trong cả nước và toàn thể xã hội khẳng định.
 
Là cơ quan báo chí, chúng ta phải nghiêm khắc và nhất quán trong việc phê phán những hànhvi thiếu văn hóa của con người, nhất là khi họ là quan chức. Phải như thế mới mong có sự tốt đẹp.

Nghè Nghệ/Tạp chí Gia đình và Trẻ em