Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Cần nhận diện chính xác hơn hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều


Chuyên viên Văn phòng quốc gia về Giảm nghèo Nguyễn Tấn Nhựt trình bày báo cáo tại hội thảo khoa học “Đánh giá chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 và đề xuất xây dựng Chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021-2025”.


Một số bất cập trong giảm nghèo


Tại hội thảo khoa học “Đánh giá chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 và đề xuất xây dựng Chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021-2025”, ông Nguyễn Tấn Nhựt - chuyên viên Văn phòng Quốc gia Giảm nghèo (Bộ LĐTBXH) cho biết, mặc dù đạt được những thành tựu cơ bản, nhưng công tác giảm nghèo vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, tồn tại cũ. Giảm nghèo chưa bao phủ quyền cơ bản của con người, chưa tính tới vấn đề việc làm và Bảo hiểm xã hội.


Cách tiếp cận đối tượng nghèo dựa trên 2 nhóm đối tượng là nghèo thu nhập, nghèo đa chiều khiến cho hoạt động giảm nghèo chưa thống nhất. Có tình trạng địa phương đưa toàn bộ đối tượng nghèo sang đối tượng nghèo đa chiều để được hưởng chính sách nhận Bảo hiểm y tế. Điều này làm sai bản chất của hoạt động giảm nghèo.


Thêm vào đó, quá trình tổng kết chương trình giảm nghèo từ các địa phương cũng cho thấy nhận thức về công tác giảm nghèo, rà soát hộ nghèo còn nhiều vấn đề. Nhiều địa phương, cán bộ phường/xã hiểu sai về tiêu chí đánh giá hộ nghèo.


"Nhiều người đi rà soát hộ nghèo, thấy nhà người ta có chiếc xe, hay cái tivi to thì loại ngay khỏi danh sách hộ nghèo. Nhưng thực tế, chiếc xe, hay cái tivi đó chỉ là phương tiện để cập nhật tin tức (giảm nghèo tin tức), hay để di chuyển giúp tiêu thụ nông sản (giúp giảm nghèo thu nhập), chăm sóc sức khỏe... là kênh để tiếp cận giúp thoát nghèo, chứ không phải có những thứ đó là không còn nghèo. Điều này dẫn tới có một bộ phận người dân giấu thu nhập, giấu tài sản" - ông Nhựt chia sẻ.


Thêm vào đó, quá trình giảm nghèo phát hiện một số bất cập, ví dụ như cấp tỉnh, cấp huyện giao chỉ tiêu giảm nghèo cho các xã, các phường. Từ đó, một số địa phương có sự nóng vội trong thực hiện, dẫn tới kết quả thực hiện không chuẩn. Ngay các thôn trong cùng một xã cũng có sự khác biệt trong việc rà soát, đánh giá hộ nghèo.


Thực tế, có xã khi thực hiện Chương trình Nông thôn mới, để đạt được tiêu chí giảm nghèo đã cho hơn 400 hộ nghèo thoát nghèo chỉ trong một năm. Điều này có thể làm cho chương trình giảm nghèo thiếu bền vững.

 

Xác định, nhận diện chính xác hơn hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều


Xây dựng chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021-2025 để xác định, nhận diện chính xác hơn hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều, đối tượng khác thụ hưởng các chính sách, chương trình giảm nghèo trên phạm vi toàn quốc thông qua tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2020 và rà soát định kỳ, phát sinh hàng năm; xây dựng, triển khai, đánh giá và giám sát Chương trình mục tiêu Quốc gia về Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững; xây dựng các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và ban hành các tiêu chí xác định địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo - là căn cứ xác định và thực hiện mục tiêu giảm nghèo trong Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ giai đoạn 2021-2025.



Ông Nguyễn Thanh Thủy - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Hòa Bình.

Thực hiện tiêu chí việc làm là chiều căn bản, quan trọng nhất góp phần giảm nghèo


Ông Nguyễn Trung Thuận - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Kon Tum đồng tình với Dự thảo chuẩn nghèo áp dụng trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, ông Thuận cũng lấy làm lo lắng và cho rằng nếu nâng mức thu nhập làm căn cứ tính chuẩn nghèo từ 1.500.000 - 2.000.000 đồng/người/tháng với khu vực nông thôn và thành thị thì sẽ khó khăn cho quá trình giảm nghèo. Thực tế, ở khu vực khó khăn, mức tiền 1.500.000 đồng/tháng là mức tiền cao. "Nếu áp chuẩn này thì có thể nhiều hộ nghèo sẽ bị lọt danh sách, khó tiếp cận chương trình hỗ trợ giảm nghèo. Có thể xem xét giảm mức này xuống được không?" - ông Thuận nói.


Còn ông Nguyễn Thanh Thủy - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Hòa Bình thì cho rằng, đặt ra mức chuẩn sống tối thiểu để đánh giá mức sống của con người, nhưng ở đâu đó, với giá tiền như vậy, ra ngoài người nghèo cũng không thể đảm bảo tiêu dùng. Nếu thước đo phức tạp quá, thì sẽ rất khó đánh giá. Nhìn nhận nghèo trước đây chỉ cơm ăn áo mặc, nhưng bây giờ phải nâng cao cả về vật chất lẫn đời sống văn hóa tinh thần, đó là sự chuyển biến về nhận thức của cán bộ chính quyền địa phương. Không chỉ đo đếm đất đai, tài sản, nhà ở…


Ông Thủy cũng đề xuất: "Ngoài 5 chiều cũ, 1 chiều mới Bộ LĐTBXH đề xuất là tiêu chí việc làm, tôi đề nghị thêm 1 chiều nữa, có thể là văn hóa hay đạo đức để tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại, qua đó nâng cao ý thức tự lực và cũng là tiêu chí đánh giá "mềm", khi áp dụng ở những xã nông thôn mới sẽ rất thuận lợi".


Ông Thủy nhấn mạnh, cần thực hiện tiêu chí việc làm vì việc làm là chiều căn bản, quan trọng nhất góp phần giảm nghèo. Có công việc ổn định, thu nhập tốt thì các vấn đề giảm nghèo theo các chiều khác sẽ đơn giản hơn. Xác định đúng điều này giúp các đơn vị có chính sách hướng tới tạo việc làm, tổ chức sản xuất, dịch vụ, tăng cường các mô hình, thông qua cộng đồng hỗ trợ bà con sát thực tế, đảm bảo giảm nghèo bền vững.

Minh Nhật/Tc GĐ&TE