Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Cần nhân rộng mô hình Hội đồng trẻ em

Hội đồng trẻ em là một hướng đi mới trong tiến trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em. Thời gian qua, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương đã chỉ đạo nhân rộng, triển khai có hiệu quả mô hình này.

Các em thiếu nhi tự tin chia sẻ tại Kỳ họp lần thứ 12 Hội đồng trẻ em TP.HCM tổ chức ngày 13/8/2023.

Các em thiếu nhi tự tin chia sẻ tại Kỳ họp lần thứ 12 Hội đồng trẻ em TP.HCM tổ chức ngày 13/8/2023.

Hội đồng trẻ em thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em

Thời gian qua, quyền tham gia của trẻ em trong các vấn đề về trẻ em đã được Đảng, Nhà nước quan tâm. Mô hình Hội đồng trẻ em là 1 trong 5 mô hình đã được được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1235/QĐ-TTg ngày 03/8/2015 và giao cho Đoàn thanh niên chủ trì thực hiện và xây dựng thí điểm. Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Ðoàn, Hội đồng Ðội Trung ương đã lựa chọn 5 tỉnh, thành phố, gồm: Yên Bái, Hà Nội, Quảng Ninh, Bình Ðịnh, TP.HCM thí điểm xây dựng mô hình.

Từ 5 mô hình ban đầu, tính đến ngày 11/8/2023, cả nước đã có 17 Hội đồng trẻ em cấp tỉnh, 35 Hội đồng trẻ em cấp huyện, 4 Hội đồng trẻ em cấp xã được xây dựng và hoạt động.

Hội đồng trẻ em là một hướng đi mới trong tiến trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em, tạo môi trường bình đẳng để các em trao đổi ý kiến, tâm tư, nguyện vọng và những đề xuất, kiến nghị xuất phát từ cuộc sống và trong học tập, rèn luyện, vui chơi, giải trí. Ðồng thời, Hội đồng trẻ em đã phát huy tốt vai trò là cầu nối giúp lãnh đạo địa phương, các cơ quan hoạt động trong lĩnh vực trẻ em nắm bắt tình hình, nguyện vọng và nhu cầu chính đáng của trẻ. Từ đó, thông điệp của các em được cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và HÐND, UBND tiếp nhận và từng bước giải quyết một cách có hiệu quả, tích cực.

Theo Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương, thành viên Ủy ban quốc gia về trẻ em Nguyễn Phạm Duy Trang, hoạt động của mô hình Hội đồng trẻ em các cấp cùng các chương trình lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND gặp gỡ, đối thoại với thiếu nhi đã góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội về vai trò quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng. Đồng thời, góp phần tạo cơ hội, môi trường, diễn đàn để trẻ em được phát huy quyền tham gia vào các vấn đề liên quan đến trẻ em.

Qua đó, phát huy tốt vai trò cầu nối giúp các cấp, các ngành nắm bắt và giải quyết tâm tư, nguyện vọng chính đáng, kiến nghị của trẻ em; huy động sự quan tâm, hỗ trợ của các lực lượng xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Đây cũng được coi là kênh thông tin quan trọng hỗ trợ các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cấp, các ngành trong quá trình thiết kế, xây dựng và hoàn thiện các chủ trương, chính sách, chương trình liên quan đến trẻ em.

Thành viên Hội đồng trẻ em tỉnh Yên Bái phát biểu, đề xuất các nội dung liên quan đến thực trạng thực hiện quyền trẻ em tại Hội nghị lấy ý kiến Hội đồng trẻ em.

Thành viên Hội đồng trẻ em tỉnh Yên Bái phát biểu, đề xuất các nội dung liên quan đến thực trạng thực hiện quyền trẻ em tại Hội nghị lấy ý kiến Hội đồng trẻ em.

Cần nhân rộng mô hình Hội đồng trẻ em

Có thể thấy, thông qua những kết quả hoạt động thời gian qua, Hội đồng trẻ em là mô hình cần thiết trong bối cảnh hiện nay nhằm góp phần thúc đẩy quyền tham gia của trẻ và các vấn đề liên quan trẻ em theo quy định của pháp luật và Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em.

Hàng năm, Hội đồng trẻ em các cấp đã tổ chức được ít nhất 2 kỳ họp định kỳ và 1 buổi làm việc với lãnh đạo HĐND tỉnh. Từ các kỳ họp Hội đồng trẻ em, cả nước đã tổng hợp được nhiều ý kiến, kiến nghị đề xuất của trẻ em trên địa bàn sinh sống gửi tới các cấp ủy, chính quyền, các sở ban ngành liên quan nhằm phát huy tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em trong thực hiện các quyền của trẻ em tại địa phương, đơn vị. Nhiều đơn vị đã tổ chức các buổi gặp gỡ, đối thoại giữa đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với Hội đồng trẻ em.

Thời gian tới, Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương tiếp tục chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình tại các tỉnh, thành phố đã triển; đồng thời phối hợp với các cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trong việc nhân rộng, triển khai mô hình Hội đồng trẻ em cấp tỉnh ở những địa phương đã đủ điều kiện.

Với những tỉnh, thành đã triển khai Hội đồng trẻ em, cần tiếp tục củng cố, kiện toàn thành viên Hội đồng trẻ em, tập trung vào các nội dung chuyên sâu, chuyên đề, những vấn đề nóng, được trẻ em trên địa bàn quan tâm; đồng thời chuyển giao những mô hình tốt từ cấp tỉnh xuống cơ sở. Còn những tỉnh, thành chưa thành lập Hội đồng trẻ em cần tiếp tục phát huy các mô hình, thiết chế hỗ trợ trẻ em; mặt khác nghiên cứu những mô hình thực sự hiệu quả, phù hợp với địa phương mình để đề xuất thành lập, áp dụng.

Trong Đề án Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2023-2027 vừa được Trung ương Đoàn công bố, Trung ương Đoàn đặt mục tiêu đến năm 2027, ít nhất 50 triệu lượt trẻ em được lấy ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề mà các em quan tâm thông qua các hoạt động của tổ chức Đoàn, Đội. Đề án cũng đặt chỉ tiêu cụ thể là 100% các tỉnh, thành Đoàn thành lập Hội đồng trẻ em cấp tỉnh, hằng năm tổ chức cho trẻ em tham gia các hoạt động tiếp xúc, đối thoại với đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân; tổ chức hoạt động lấy ý kiến, kiến nghị của trẻ em vào các văn bản quy phạm pháp luật, các kế hoạch, chương trình công tác có liên quan đến trẻ em phù hợp với tâm lý, lứa tuổi.

Tham gia Hội đồng trẻ em, nhiều trẻ em có cơ hội đại diện tiếng nói của các bạn xung quanh mình, thể hiện tâm tư, nguyện vọng, ước mơ và dần được các cô, bác lãnh đạo địa phương “chắp cánh” bằng những quyết sách thực tế.