Thời gian gần đây tình hình giao thông trên địa bàn cả nước có dấu hiệu diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng mà nguyên nhân gây TNGT thì chủ yếu vẫn do lỗi của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Trước thực trạng trên nhiều chuyên gia cho rằng cần siết chặt công tác đào tạo sát hạch (ĐTSH) lái xe, để hạn chế tình trạng này.
Chỉ cần tìm kiếm trên mạng internet, sẽ không khó khăn để có được hàng loạt thông tin quảng cáo về dịch vụ học lái xe trên địa bàn Hà Nội như “học một thầy, một trò bảo đảm đỗ 100%”; “học lái xe giá rẻ”, “học lái xe cam kết đến khi thi đậu” chỉ từ 4 – 5 triệu đồng...Thậm chí, nhiều học viên còn truyền tai nhau những cách “chống trượt” trong các kỳ sát hạch lý thuyết và thực hành để bảo đảm kiếm được tấm bằng lái xe, còn kỹ năng điều khiển phương tiện thì tính sau.
Thông tin quảng cáo về dịch vụ học lái xe giá rẻ, đảm bảo đỗ xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội
Chị Huỳnh Thị Liễu (Hoàng Mai , Hà Nội) người vừa lấy bằng lái ô tô chia sẻ, qua người quen chị được giới thiệu một giáo viên để học lái xe. “Tôi cùng 3 người khác học chung một xe của chính giáo viên này. Tất cả các thủ tục nhập học, đóng học phí đều được giáo viên làm giúp. “Với mức học phí phải nộp 5 triệu đồng, tôi cùng những người khác được học 10 buổi thực hành, trong đó có 6 buổi học trong sa hình, 2-3 buổi đi dã ngoại ngoài đường và 4 người thay nhau lái. Nếu chia đều, mỗi người sẽ không đủ thời gian cầm vô lăng 84 giờ như quy định. Thực tế, cầm tấm bằng lái trên tay, tôi vẫn chưa tự tin để lái xe ra đường”, chị Liễu nói.
Ông Nguyễn Thành Thắng - giáo viên Trung tâm đào tạo lái xe Lạc Hồng cho rằng, hiện nay nhu cầu về đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới tăng cao. Hơn nữa, việc đào tạo lái xe đã được Nhà nước cho phép mở rộng xã hội hóa thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia. Tuy nhiên, quá trình đào tạo lái xe ở các cơ sở đang có hiện tượng cạnh tranh gay gắt, đua nhau giảm giá, gây “loạn” về phí đào tạo, công tác tuyển sinh tại nhiều cơ sở đào tạo còn thiếu chặt chẽ, học viên thiếu tự giác, nghiêm túc trong việc học... bên cạnh những trung tâm, cơ ĐTSH uy tín thì hiện còn tồn tại không ít những cơ sở ngang nhiên thông báo tuyển sinh dù không có giấy phép. Nhiều người dân do hạn chế về thời gian, lại có tâm lý lo trượt nên đã tìm đến những cơ sở này.
Theo quy định, ngoài việc mỗi học viên phải đảm bảo học đủ 84 giờ lý thuyết và 1.100km thực hành lái xe, thì trong mỗi kỳ thi sát hạch lái xe đều có gắn camera giám sát, không có sự can thiệp của con người. Thế nên việc quảng cáo thi đỗ 100% ở các trung tâm giá rẻ là phi thực tế. Hiện chưa có kỳ thi sát hạch nào lại có cả 100% thí sinh đỗ, ông Thắng cho hay.
Theo quyết định bổ sung quy hoạch cơ sở đào tạo lái xe cơ giới đường bộ và trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đến hết năm 2018, trên cả nước sẽ có tổng số 386 cơ sở đào tạo lái xe cơ giới đường bộ, đồng thời mở mới 36 trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ để phù hợp với quy hoạch toàn quốc từ nay đến năm 2020.
Tuy nhiên, qua các đợt thanh tra công tác đào tạo sát hạch ĐTSH, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ tại các địa phương do Bộ GTVT thực hiện gần đây, thực tế cho thấy vẫn tồn tại nhiều bất cập trong ĐTSH lái xe, việc trang bị kiến thức, trau dồi văn hóa, đạo đức, nghề nghiệp của người lái xe còn chưa được coi trọng. Quá trình đào tạo lái xe ở các cơ sở đang có hiện tượng cạnh tranh gay gắt, đua nhau giảm giá, gây “loạn” về phí đào tạo, cắt xén chương trình.
Hiện nay, nhu cầu về đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới tăng cao
Công tác tuyển sinh tại nhiều cơ sở đào tạo còn thiếu chặt chẽ, thậm chí có phần tùy tiện, học viên thiếu tự giác, nghiêm túc trong việc học, nhiều hồ sơ không có giấy khám sức khỏe, hoặc nếu có thì cũng dễ dàng mua, không cần khám, nhan nhản thông tin về những “đường dây” chống trượt cho học viên, chất lượng giáo viên giảng dạy thấp, cấp bằng không nghiêm túc...
Trên thực tế, những vụ tai nạn giao thông xảy ra thời gian qua đều ít nhiều liên quan trực tiếp đến chất lượng đào tạo, thể hiện qua sự yếu kém của lái xe khi xử lý, nhận diện tình huống, qua thái độ coi thường tính mạng của hành khách và người tham gia giao thông.
Rõ ràng, nếu chưa trang bị cho lái xe đầy đủ kiến thức, kỹ năng và cả ý thức lái xe; cơ sở đào tạo lái xe còn vi phạm, thì đương nhiên sẽ còn những tay lái non, những ẩn họa lớn trên các tuyến đường.
Trước thực trạng đó, các cơ quan quản lý cần sớm có các biện pháp chấn chỉnh quyết liệt, để nâng cao chất lượng ĐTSH và cấp bằng lái xe, vì đây ngành kinh doanh có điều kiện, liên quan trực tiếp đến sinh mạng của học viên cũng như cả cộng đồng. Theo đó, trong quản lý đào tạo, cần có sự đổi mới theo hướng chặt chẽ hơn, đặc biệt chú ý kiểm tra việc học luật giao thông và đưa thiết bị công nghệ để giám sát thời gian thực hành của lái xe, thông qua áp dụng thiết bị giám sát hành trình, bảo đảm thời gian học thực hành thực tế 84 giờ hoặc hơn 1.000 km theo đúng quy định. Trong chương trình đào tạo, cần xem xét, bổ sung các tình huống và kỹ năng nhận diện tình huống, kể cả đối với giáo viên; rà soát lại nội dung đào tạo cả lý thuyết lẫn thực hành.
Ngoài ra, cần mạnh tay xử lý các trung tâm vi phạm quy định về ĐTSH lái xe, có thể rút giấy phép và công khai danh sách các trung tâm này trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, còn có những chế tài đủ mạnh với những lái xe vi phạm nghiêm trọng luật giao thông.
Đây là những giải pháp căn cơ nhất để nâng cao kỹ năng lái xe, đạo đức, việc tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông, từ đó góp phần kéo giảm số vụ TNGT nghiêm trọng mang tính chủ quan của người điều khiển phương tiện.