Người chưa thành niên vi phạm pháp luật có chiều hướng phức tạp và trẻ hóa
Tại các tỉnh miền Tây, chỉ tính từ giữa năm 2022 đến nay, đã ghi nhận hàng chục vụ do thiếu niên gây mất an ninh, trật tự xã hội như: tụ tập đánh nhau, tổ chức đua xe trái phép, sử dụng trái phép các chất ma túy, nữ sinh đánh bạn, thậm chí gây nên án mạng...
Mới đây, tháng 4/2023, sau chầu rượu với đám bạn, nam sinh lớp 9 V.B.G, trú tại xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) đã cướp đi mạng sống của 1 học sinh lớp 12. Vụ án mạng xảy ra ngay trong khu nội trú để lại nỗi buồn đau cho người thân, và nhiều trăn trở về công tác quản lý, tuyên truyền pháp luật cho học sinh.
Trước đó, hồi tháng 2/2023, dư luận xôn xao vụ Lê Hoàng Lợi (SN 2006, ngụ xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) do mâu thuẫn với một nhóm người tại quán cà phê thuộc xã An Phước, huyện Mang Thít, Tại đã dùng dao bấm thủ sẵn trong người đâm trúng ngực trái của Ðoàn Văn Vũ Duy (SN 2007, ngụ xã An Phước) và tiếp tục dùng dao đâm người nhà của Duy gây thương tích. Sau đó, Duy được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong.
Qua các vụ việc trên cho thấy, đối tượng vi phạm pháp luật đều còn rất trẻ, nhiều trường hợp chỉ mới 13 -15 tuổi. Hoàn cảnh gia đình các đối tượng này đa phần bị khiếm khuyết, cha mẹ ly hôn, ly thân hoặc đi làm ăn xa, không ai quản lý, chăm sóc trẻ.
Nguyên nhân do một số trẻ bị tiêm nhiễm những nội dung bạo lực, khiêu dâm trên mạng, trò chơi điện tử, xuất hiện lối sống thực dụng, buông thả, hư ảo, lệch chuẩn hành vi, rối loạn nhân cách, thích tụ tập chơi bời, lêu lổng, thích thể hiện mình, dễ bị kích động, không làm chủ được bản thân, dễ dẫn đến tinh thần bị kích động, bị xúi giục tham gia các hành vi vi phạm pháp luật.
Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến trẻ vị thành niên rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành, đoàn thể, nhất là sự phối hợp giữa gia đình và trường học trong quản lý, giáo dục, góp phần ngăn ngừa, đẩy lùi tội phạm, vi phạm pháp luật. Công tác phối hợp trong quản lý, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, đối với người chưa thành niên của gia đình, nhà trường và tổ chức, đoàn thể xã hội có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức, chưa thường xuyên và chặt chẽ. Nhiều gia đình, nhất là những gia đình có hoàn cảnh éo le, coi việc giáo dục con em là việc của nhà trường, nên buông lỏng quản lý, giáo dục, không trang bị kỹ năng và thiếu quan tâm đến đời sống tình cảm, học tập, mối quan hệ của con.
Theo thống kê của Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an), trong giai đoạn từ ngày 1/1/2016 đến hết ngày 31/3/2021, các cơ quan chức năng đã phát hiện 23.461 vụ việc, 35.950 người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật. Trong đó, các cơ quan chức năng đã xử lý hình sự 9.244 vụ, 12.371 người chưa thành niên; xử lý vi phạm hành chính 12.167 vụ, 19.362 người chưa thành niên.
Ðể giải quyết thực trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật có chiều hướng phức tạp và trẻ hóa, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài việc rà soát, sửa đổi đồng bộ chính sách, pháp luật liên quan đến người chưa thành niên, cần đặc biệt quan tâm nâng cao khả năng tiếp cận và tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho các em học sinh.
Theo bà Tô Thị Thu Hà, Trưởng phòng Quản lý công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), Vụ PBGDPL (Bộ Tư pháp), thời gian qua, việc tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật, PBGDPL cho người chưa thành niên đạt được một số kết quả nhất định. Nội dung PBGDPL thiết thực hơn, hình thức PBGDPL đa dạng, phong phú, bên cạnh hình thức giáo dục pháp luật chính khóa trong nhà trường (môn đạo đức ở bậc Tiểu học, môn Giáo dục công dân ở cấp Trung học cơ sở và môn Giáo dục kinh tế và pháp luật ở cấp Trung học phổ thông) còn có nhiều hình thức, mô hình PBGDPL ngoài giờ lên lớp, đồng thời nhiều hình thức PBGDPL cho người chưa thành niên được các cấp, các ngành thực hiện. Tuy nhiên, công tác PBGDPL cho người chưa thành niên còn chưa đồng đều, toàn diện, chủ yếu mới tập trung vào người chưa thành niên là học sinh, ở đô thị. Trong thời gian tới, cần nghiên cứu, rà soát để hoàn thiện các quy định của pháp luật nhằm tăng cường khả năng tiếp cận và giáo dục pháp luật cho người dân nói chung, người chưa thành niên nói riêng một cách nghiêm túc, kỹ lưỡng, toàn diện theo hướng bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, quy định cụ thể nội dung, hình thức, phương thức thực hiện PBGDPL.
Đổi mới công tác tuyên truyền PBGDPL tới học sinh
Những năm qua, công tác tuyên truyền PBGDPL trong trường học được ngành Giáo dục các tỉnh, thành chú trọng, nội dung, hình thức tuyên truyền từng bước đổi mới theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, sinh động và phù hợp với tâm lý, nhận thức của học sinh. Ðơn cử như tại tỉnh Hòa Bình, các đơn vị, nhà trường phối hợp với Sở Tư pháp, Công an tỉnh tổ chức các buổi tuyên truyền PBGDPL với nhiều nội dung, hình thức phong phú. Qua đó, góp phần giúp các em học sinh nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật, rèn luyện đạo đức, trau dồi kỹ năng sống. Ðồng thời, hình thành thói quen chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật, nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật; giảm thiểu những hành vi vi phạm, lệch chuẩn ở lứa tuổi vị thành niên và ngăn ngừa tệ nạn xã hội xâm nhập vào học đường.
Em Quách Văn Ðức, học sinh Trường THPT Tân Lạc, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) chia sẻ: “Em rất ấn tượng với các buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật theo hình thức sân khấu hóa. Hình thức này vừa gần gũi, sinh động vừa dễ hiểu nên giúp chúng em hiểu rõ hơn các quy định pháp luật và tự giác thực hiện tốt trong cuộc sống hằng ngày”.
Nét nổi bật trong công tác tuyên truyền PBGDPL tại trường học ở tỉnh Hòa Bình đó là các cơ sở giáo dục đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo nhiều hình thức tuyên truyền. Ðiển hình là trong các buổi chào cờ đầu tuần hay các hoạt động giáo dục ngoại khóa, giáo dục ngoài giờ lên lớp, các trường tổ chức tuyên truyền PBGDPL với các hình thức: thi tìm hiểu pháp luật, sinh hoạt theo chủ đề pháp luật, sân khấu hóa với các tiểu phẩm, trò chơi. Ðồng thời, phát động học sinh tham gia các cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật, lồng ghép nội dung PBGDPL vào hoạt động văn hóa, văn nghệ… Cùng với việc tuyên truyền lý thuyết, trong buổi ngoại khóa các thầy cô, báo cáo viên pháp luật còn tổ chức hỏi - đáp các câu hỏi dễ nhớ, dễ hiểu mà vô cùng “thực tế”, tổ chức các trò chơi “học mà chơi, chơi mà học” làm cho các em học sinh yêu thích và hào hứng tham gia… Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh; phòng ngừa, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào học đường.