Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Cận Tết, chủ tá hỏa khi giúp việc 'hét' lương 700 nghìn mỗi ngày

Thêm vào đó, những người quê xa nếu về sát Tết quá sẽ rất khó khăn chuyện vé tàu xe, nhưng nhà chủ lại luôn muốn người giúp việc ở lại thêm ngày nào tốt ngày ấy, có những nhà còn giữ đến 28-29 Tết mới cho về!”.

Ảnh MH: Telegrap

Dịp trước và sau Tết luôn là thời gian cao điểm của dịch vụ giúp việc gia đình. Tình trạng cầu lớn hơn cung khiến cho osin dịp này được cho là “đắt giá” và “quý hơn vàng”.

Khoảng thời gian trước và sau Tết là thời điểm người người, nhà nhà bắt đầu dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa để đón xuân, vai trò của người giúp việc trong gia đình càng trở nên quan trọng hơn.

Thế nhưng theo tâm lý chung, ai ai cũng muốn được đoàn tụ với gia đình trong dịp Tết, người giúp việc cũng vì vậy mà muốn được nghỉ sớm để có nhiều thời gian bên gia đình.

Chị Ngô Thu Thúy (Hà Nam), có thâm niên 7 năm làm giúp việc tại Hà Nội, cho biết: “Thường thì chúng tôi muốn nghỉ Tết từ 21-22 tháng Chạp âm lịch để kịp về quê làm cỗ tiễn Ông Công ông Táo cùng gia đình.

Thêm vào đó, những người quê xa nếu về sát Tết quá sẽ rất khó khăn chuyện vé tàu xe, nhưng nhà chủ lại luôn muốn người giúp việc ở lại thêm ngày nào tốt ngày ấy, có những nhà còn giữ đến 28-29 Tết mới cho về!”.

Anh Trần Quang Hải, GĐ Công ty TNHH M.H, chuyên môi giới người giúp việc gia đình, cho biết, những người ở lại làm đến cận Tết hoặc không về nghỉ Tết thường được trả thù lao cao hơn mức bình thường, song con số này rất ít ỏi.

Cận Tết, nhu cầu thuê người giúp việc theo giờ tăng cao, trong khi người làm lại không có nhiều, khiến cho giá thuê cũng tăng gấp 3-4 lần bình thường, có thể lên đến 120 nghìn - 150 nghìn/giờ và 600 nghìn - 700 nghìn/ngày. Tuy giá cao như vậy nhưng không phải lúc nào cũng có sẵn dịch vụ, có khi các gia đình phải “đặt trước” và “xếp hàng” từ vài ngày trước đó.

Năm nay, gia đình chị Bùi Xuân Hồng (khu đô thị Xa La, Hà Nội) phải đón một cái Tết “long đong” vì cô giúp việc 35 tuổi của nhà chị đột ngột về quê lấy chồng. Cô giúp việc này làm cho nhà chị đã 4 năm, có hoàn cảnh khá khó khăn, lại đã quá lứa lỡ thì, bố mẹ mất cả nên rất toàn tâm toàn ý làm việc cho nhà chị Hồng.

Phải mất nhiều tháng đào tạo, chỉ bảo cô osin mới quen với công việc và nếp sinh hoạt của nhà chị, đến nay thì chị khá vừa lòng và coi cô như một thành viên trong nhà.

Cái tin giúp việc về quê lấy chồng như tiếng sét ngang tai đối với chị Hồng. Chị tỏ ra rất lo lắng: “Gần đến Tết rồi, kiếm đâu ra người làm? Ra Tết mà thuê người cũng rất đắt đỏ!”.

Cùng chung nỗi lo với chị Hồng, chị Mai Hạnh (khu chung cư Royal City, Hà Nội) cho biết, người giúp việc của gia đình chị cũng đang đòi nghỉ việc nếu chị không đáp ứng mức lương mà cô ấy đưa ra.

Trước đây, chị đã thuê cô gái này giúp việc gia đình với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng, nhưng sau mỗi năm, số tiền này lại tăng lên “theo thời giá”. Những ngày cận Tết, nếu ở lại làm thì tiền công trả riêng theo ngày, bằng với giá ở trung tâm là 700 nghìn/ngày, coi như là thưởng thêm.

Với lý do công việc nhiều hơn và giá cả tăng cao, cô này lại đưa ra “mức lương mong muốn” là 7 triệu đồng/tháng, bát đầu từ sau Tết Nguyên Đán .

Đây là mức lương gây choáng váng không chỉ với chị Hồng mà còn với nhiều công chức, viên chức khác, bởi đây là mức thù lao cao hơn so với lương tháng của nhiều người.

Thế nhưng, phản biện lại điều này, người giúp việc cho biết: “Công chức đi làm chỉ làm 8h/ngày, còn chúng tôi làm mười mấy tiếng mỗi ngày. Việc gì cũng đến tay tôi từ chăm trẻ, chăm người già hay dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn... và còn rất nhiều việc không tên khác. Tôi cho rằng mức lương như vậy cũng xứng đáng”.