Bên cạnh và cùng với từ thiện nhân đạo, cứu trợ thì dần dần phải có từ thiện phát triển, từ thiện mang tính chủ động, có tầm nhìn, đích đến rõ ràng, hướng tới sự bền vững bằng minh bạch giải trình và chuyên nghiệp".
Có nghĩa không chỉ dừng lại ở từ thiện nhân đạo, cứu trợ khẩn cấp mỗi mùa bão lũ, mà còn cần có từ thiện phát triển và chiến lược lâu dài. Bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng, ngoài những cứu trợ khẩn cấp trong các trường hợp thiên tai, hoạn nạn, phải có cả những hoạt động thiện nguyện lâu dài của các tổ chức từ thiện chuyên nghiệp, chủ động trao cho những đối tượng yếu thế trong xã hội những "cần câu", dạy cách "câu cá", khuyến khích họ muốn "đi câu" và tạo một môi trường có nhiều "cá" để "câu".
Trong đợt cứu trợ thiên tai hiện nay, không ít ý kiến cho rằng việc một số cá nhân và tổ chức đi làm từ thiện chỉ cấp phát lương thực, tiền mặt cho nạn nhân thiên tai chỉ là "cho con cá", không mang tính lâu dài, bền vững. Những người "trong cuộc" đã đáp lại rằng, hiện những nạn nhân thiên tai đang kiệt quệ nên việc "cho con cá" để họ có thể cầm cự sống được qua những tháng ngày khốn khó là cần thiết nhất lúc này. Điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng nếu có tầm nhìn xa hơn, rõ ràng nếu trước khi xảy ra thiên tai, người dân đã có được một tiềm lực vững vàng hơn để đối phó với thiên tai, khả năng vượt qua khó khăn sẽ thuận lợi hơn. Nếu những người nhận hỗ trợ mà năm này qua năm khác vẫn phải nhận hỗ trợ thì hoạt động từ thiện, hỗ trợ đó chưa thành công.
Thực tế này đặt ra vấn đề cần phải hình thành loại hình "từ thiện phát triển" như quan điểm mà bà Tôn Nữ Thị Ninh gợi mở. Đó là sự thay đổi lớn hướng đến "văn hóa từ thiện", thay đổi những nếp nghĩ, nếp làm vốn trở thành "thói quen" của nhiều cá nhân, tổ chức suốt thời gian qua.
Từ thiện phát triển ngoài lòng tốt, sự tử tế còn cần phải có cả sự chuyên nghiệp, ngoài trách nhiệm minh bạch thì còn cần những báo cáo về hiệu quả của những đồng tiền từ thiện mà nhà tài trợ đã bỏ ra. Từ thiện phát triển phải tạo được năng lực và bản lĩnh cho người được hỗ trợ để dần giúp họ có thể đứng trên đôi chân của mình và tự nắm lấy trách nhiệm của cuộc đời mình.
Có thể coi đó là một hình thức cung cấp các điều kiện dự phòng để nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương bởi những biến cố có thể vững vàng vượt qua những diễn biến bất thường trong cuộc sống.
Trên thế giới, loại hình từ thiện phát triển khá phổ biến, tiêu biểu như quỹ từ thiện của Bill Gates với các hoạt động thiện nguyện ở các nước đang phát triển, với việc hỗ trợ về vệ sinh, nâng cao chất lượng sống, nghiên cứu vắc xin giá rẻ cho người nghèo... Ở Việt Nam hiện nay, tầng lớp trung lưu và người giàu đang lớn mạnh, có thể họ sẵn sàng ủng hộ các quỹ từ thiện phát triển cũng như từ thiện nhân đạo.
Nhưng để thu hút được những nguồn lực này, Nhà nước phải tạo cơ chế và động lực để khuyến khích người giàu bỏ tiền vào các quỹ từ thiện phát triển bằng chính sách miễn giảm thuế được thực thi trong thực tế. Bên cạnh đó, Nhà nước phải có cơ chế bảo vệ lòng tin, quyền lợi của những người bình thường đóng góp nhỏ cho các tổ chức từ thiện chuyên nghiệp bằng việc có luật cho các tổ chức này hoạt động tốt.
Khi đó, người dân không chỉ đóng góp những khoản trực tiếp theo kiểu mua sách vở, đồ ăn cho những trường hợp cứu trợ khẩn cấp mà sẽ đóng góp thông qua tổ chức phi lợi nhuận để giải quyết những vấn đề dài hạn như: Biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, hỗ trợ các nhóm yếu thế trong xã hội.
Đã đến lúc cần nghĩ đến việc đổi mới "văn hóa từ thiện" để không chỉ dừng lại ở các hình thức từ thiện nhân đạo khẩn cấp, tự phát, hoạt động từ thiện phải theo hướng chuyên nghiệp để phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.