Mua bán người vẫn diễn biến phức tạp
Các chuyên gia cho rằng, Luật phòng, chống mua bán người được Quốc hội khóa XII thông qua tại Kỳ họp thứ 9 và có hiệu lực thi hành từ ngày1/1/2012, sau hơn 10 năm, công tác phòng, chống mua bán người đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Nhiều đường dây tội phạm mua bán người được phát hiện, xử lý; công tác tiếp nhận, xác minh nạn nhân được tiến hành nhanh hơn, quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân ngày càng được bảo vệ. Các cấp, ngành quan tâm tới công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân; hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người được tăng cường. Qua đó góp phần kiềm chế tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, tình hình mua bán người trên bình diện quốc tế và ở Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng ở một số địa phương, gây bất an, lo lắng trong nhân dân.
Tội phạm liên quan đến việc mua bán người là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Trong khi đó, theo báo cáo của các cơ quan điều tra, tội phạm mua bán người đã xuất hiện ở 63/63 tỉnh, thành phố, núp bóng dưới nhiều hình thức. Mục đích, địa bàn, nạn nhân của các vụ việc mua bán người cũng có nhiều thay đổi…
Từ thực tế nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng, hành lang pháp lý về phòng, chống mua bán người cũng như việc xử lý tội phạm, trợ giúp nạn nhân cần có sự điều chỉnh cho phù hợp. Một số quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến vấn đề này hiện bộc lộ những bất cập, khiến các cơ quan chức năng gặp khó trong quá trình điều tra, xử lý.
Trong khi các vụ việc liên quan đến mua bán người diễn biến ngày càng phức tạp, nảy sinh nhiều tình huống mới, sau hơn 10 năm thi hành, Luật phòng, chống mua bán người đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế, dẫn đến giảm hiệu quả của công tác phòng, ngừa và đấu tranh chống mua bán người. Do đó việc sửa đổi Luật phòng, chống mua bán người là yêu cầu cấp thiết.
Hoàn thiện pháp luật về phòng, chống mua bán người
Thượng tá Bùi Thị Nương, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) cho biết, Luật phòng, chống mua bán người năm 2011 có một số quy định không bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật nhà nước. Các quy định cụ thể của Luật chưa tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là một bên ký kết liên quan đến mua bán người.
Các tiêu chí xác định nạn nhân bị mua bán theo quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật để được hưởng các chế độ hỗ trợ chưa phù hợp thực tiễn, dẫn đến khó khăn về chi trả kinh phí thực hiện tiếp nhận nạn nhân bị mua bán. Do đó, cần bổ sung một số quy định để thống nhất nhận thức trong phòng, chống mua bán người.
Cụ thể, quy định chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân bị mua bán; hoàn thiện các quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ nạn nhân trong các vụ mua bán người và một số đối tượng liên quan; hoàn thiện quy định về việc thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân theo hướng cho phép tổ chức, cá nhân được phép thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân; xây dựng quy định về hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người phù hợp chính sách, pháp luật của Việt Nam.
Theo Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, những năm qua, tình hình mua bán người trên các tuyến biên giới diễn biến phức tạp, đặc biệt tuyến biên giới đường bộ. Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 chưa quy định về “giải cứu” nạn nhân vì vậy gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Luật còn nhiều chồng chéo, thời gian điều tra ngắn. Tội phạm mua bán người qua biên giới chủ yếu lợi dụng hoạt động xuất nhập cảnh trái phép.
Tuy nhiên Luật Xử lý vi phạm hành chính về xuất nhập cảnh không cho giữ người theo thủ tục hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính về xuất nhập cảnh, vi phạm quy chế biên giới, gây khó khăn cho công tác đấu tranh với tội phạm mua bán người.
Theo cơ quan chức năng, từ năm 2011 đến tháng 6/2020, cơ quan chức năng Việt Nam đã giải cứu, tiếp nhận và xác minh 7.356 nạn nhân bị mua bán. Hơn 90% nạn nhân là phụ nữ, trẻ em và hơn 80% nạn nhân là người dân tộc thiểu số. Nghèo đói, ít cơ hội tiếp cận giáo dục và vị trí địa lý được xác định là yếu tố nguy cơ đối với các nạn nhân.
Việc sửa đổi và hoàn thiện Luật Phòng, chống mua bán người sẽ quán triệt, thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ về phòng, chống mua bán người; tổng kết toàn diện việc thi hành Luật Phòng, chống mua bán người, các văn bản hướng dẫn thi hành thời gian qua, từ đó khắc phục hạn chế, tồn tại của quy định hiện hành, bổ sung quy định mới đáp ứng yêu cầu phòng, chống mua bán người hiện nay và những năm tới…