Trẻ em ở Trung tâm Công tác xã hội TP Cần Thơ. Ảnh: NLĐ
Hỗ trợ kịp thời
Qua các văn bản chỉ đạo của Bộ LĐ-TB&XH, các cấp, các ngành TP.Cần Thơ đã tạo điều kiện cho Sở LĐ – TB&XH thành phố thực hiện tốt các chính sách trợ giúp xã hội, giúp cho đối tượng yếu thế như trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng, người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo... cải thiện được đời sống tạo cơ hội cho đối tượng tiếp cận được nhiều hơn các dịch vụ xã hội.
Hiện nay, thành phố đang trợ cấp thường xuyên cho 35.818 đối tượng bảo trợ xã hội ở ngoài cộng đồng với tổng kinh phí hơn 116.418 triệu đồng. Trong đó có 317 Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng, 17 người từ 16 tuổi đến 22 tuổi (có hoàn cảnh như trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng) mà đang học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất. Đặc biệt, có 34 trẻ em bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo; người bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo không còn khả năng lao động mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công hàng tháng, trợ cấp hàng tháng khác…
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, ngay từ đầu năm ngành LĐ– TB&XH thành phố đã triển khai thực hiện nghiêm túc các kế hoạch đề ra, đồng thời chỉ đạo các phòng tăng cường phối hợp nâng cao hiệu quả điều trị bệnh cho đối tượng để ổn định về tâm lý, sức khỏe nhất là trong các dịp lễ, Tết đồng thời để có cơ sở thanh lọc đối tượng bàn giao về gia đình và địa phương quản lý tiếp tục tạo bước đột phá trong năm 2017 và những năm tiếp theo.
Tùy theo tình hình thực tế của từng đối tượng mà có những phương án, kế hoạch cụ thể tạo cầu nối để các đối tượng, hộ nghèo tiếp cận các chính sách, dự án trợ giúp của nhà nước, của cộng đồng xã hội. Từ đó giúp các đối tượng này thụ hưởng được các chính sách hỗ trợ kịp thời, đồng thời góp phần đảm bảo công tác an sinh xã hội tại địa phương.
Thực hiện nhiều Đề án trong công tác xã hội
Để các đối tượng xã hội không còn là gánh nặng cho gia đình, xã hội TP.Cần Thơ thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Đề án phát triển nghề công tác xã hội. Thành phố cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan báo, đài Trung ương, đại phương, Đài phát thanh các quận, huyện tuyên truyền cho người trên địa bàn được biết chức năng, nhiệm vụ của công tác xã hội để phòng ngừa, chữa trị, phục hồi và phát triển cho các đối tượng yếu thế trong xã hội, người nghèo, hộ nghèo. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người ảnh hưởng bởi HIV… góp phần giải quyết các vấn đề xã hội nhằm thúc đẩy sự phát triển xã hội.
Ngoài ra, thành phố cũng đã thực hiện Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng. Cụ thể trong năm 2016, thành phố đã phối hợp Trường Đại học Lao động Xã hội (Cơ sở II) tổ chức 2 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho 302 cán bộ cấp huyện, xã, nhân viên chăm sóc, trợ giúp phục hồi chức năng cho người tâm thần trong cơ sở bảo trợ xã hội và trang bị cho gia đình có người bệnh tâm thần, rối nhiễu tâm trí hiểu biết về sức khỏe tâm thần, có kỹ năng, phương pháp chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, rối nhiễu tâm trí có 450 người tham dự.
Trong công tác tuyên truyền, thành phố đã phối hợp Báo Lao động và Xã hội, Báo Cần Thơ có các tin, bài viết, phóng sự tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và toàn xã hội về chăm sóc và phục hồi chức năng, trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng.
Bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở LĐ–TB&XH TP.Cần Thơ cho biết: Hiện nay ngành LĐ– TB&XH thành phố đang nghiên cứu giao cho Trung tâm Công tác Xã hội triển khai việc tiếp nhận đối tượng có nhu cầu dịch vụ tự nguyện gửi con em, người thân vào nuôi dưỡng tập trung. Nhằm giảm tải áp lực và tiến tới xã hội hóa số đối tượng tâm thần, vì hàng năm số đối tượng tâm thần có gia đình càng tăng do hầu hết các gia đình có con em bị bệnh tâm thần hiện nay có tâm lý để Nhà nước lo cho con em họ mà không có trách nhiệm nuôi dưỡng.
Để chăm sóc tốt và tạo mọi điều kiện, cơ hội bình đẳng cho các đối tượng bảo trợ xã hội, các đơn vị phòng, ban của Sở LĐ– TB&XH thành phố thường xuyên chủ động phối hợp, trao đổi chuyên môn nghiệp vụ và đề xuất khó khăn vướng mắc để có hướng giải quyết nhất là công tác tiếp nhận, quản lý đối tượng. Bên cạnh việc duy trì, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương nơi đóng trụ sở giữ vững tình hình an ninh trật tự, kịp thời phối hợp xử lý khi có tình huống xấu xảy ra.
Với mục tiêu trong năm 2017, TP.Cần Thơ sẽ đảm bảo 100% đối tượng thuộc diện trợ cấp xã hội đều được trợ giúp xã hội. Đồng thời phấn đấu hoàn thành các mục tiêu về giảm nghèo bền vững và bảo trợ xã hội. Chắc chắc trong thời gian tới công tác xã hội thành phố Cần Thơ sẽ đóng góp đáng kể cho việc phát triển kinh tế, xã hội địa phương và hoàn thành các mục tiêu của thành phố đề ra.