Toàn thành phố Cần thơ hiện có trên 290.000 trẻ em, chiếm khoảng 22% dân số; trẻ em dưới 6 tuổi khoảng 110.000 trẻ.
Theo Sở LĐ-TB&XH thành phố Cần Thơ, 2 năm liên tiếp (năm 2017 và 2018), tất cả 85 xã, phường, thị trấn của TP Cần Thơ đều đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em theo Quyết định số 34/2014/QĐ-TTg ngày 30/5/2014. Năm 2019 là năm đầu tiên thực hiện việc đánh giá và công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em theo Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, trình tự đánh giá và công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em. Kết quả, đến năm 2020, thành phố có 70/83 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn.
Trẻ em luôn được quan tâm và ưu tiên
Để đảm bảo thực thi Công ước của Liên hiệp quốc về quyền trẻ em, Luật Trẻ em năm 2016, đồng thời xây dựng môi trường sống, an toàn, thân thiện với trẻ em, ngay từ đầu các năm, Sở LĐ-TB&XH đều ban hành kế hoạch củng cố, nâng cao chất lượng các xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em. Từ năm 2019 đến nay, công tác bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em được bám sát 13 tiêu chí xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em. Đó là: Nguồn lực thực hiện quyền trẻ em; trẻ em được khai sinh đúng quy định; trẻ em bị xâm hại; trẻ em vi phạm pháp luật, nghiện ma túy; trẻ em bị tai nạn, thương tích; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp; trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng; trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thẻ nhẹ cân và thể thấp còi; trẻ em được khám sức khỏe định kỳ; trẻ em đến trường, lớp mầm non; trẻ em được thực hiện quyền tham gia của trẻ em; hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, thể dục, thể thao dành cho trẻ em; mức độ hài lòng của trẻ em và người dân về việc thực hiện quyền trẻ em.
Nhiều hoạt động thiết thực vì trẻ em
Theo đó, ngành LĐ-TB&XH tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về trẻ em thông qua các cuộc thi, hội diễn, tọa đàm, hội thảo chuyên đề, diễn đàn trẻ em nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng thực hiện tốt quyền, bổn phận và nghĩa vụ của trẻ em; về vai trò, trách nhiệm của người giám hộ; tầm quan trọng của cộng đồng, khu vực dân cư trong việc tạo điều kiện hỗ trợ gia đình bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Tập trung rà soát, thống kê tình hình trẻ em và các vấn đề bức xúc về trẻ em để chỉ đạo, giải quyết có trọng tâm những mục tiêu, vấn đề chậm tiến triển. Đồng thời, rà soát, cập nhật việc thực hiện các chính sách, pháp luật ở địa phương, nhất là đối tượng trẻ em là con cháu gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em chậm tiến, tạo điều kiện thuận lợi để trẻ em được tham gia các hoạt động xã hội. Các cấp ủy, chính quyền địa phương lồng ghép các tiêu chí xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Trong đó, ưu tiên nguồn lực đầu tư, nâng cấp các công trình thiết yếu liên quan đến đời sống trẻ em, như: trạm y tế, trường học, điểm vui chơi, công trình nước sạch. Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể có liên quan thực hiện tốt các hoạt động liên quan đến trẻ em.
2 năm gần đây, tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, trẻ em cũng bị ảnh hưởng không nhỏ như việc phải tạm dừng đến trường, bố mẹ một số em bị mất việc làm do công ty, cơ quan ngừng việc, thậm chí có em còn bị mồ côi do bố/mẹ mất do dịch bệnh Covid-19.
Trước thực trạng trên, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố chú trọng chăm lo công tác giáo dục đối với trẻ khuyết tật, trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Năm học qua, thành phố huy động được 276 trẻ khuyết tật; trong đó có 208 trẻ học hòa nhập và 68 trẻ khuyết tật học chuyên biệt. Kết quả: có 53/68 học sinh hoàn thành chương trình lớp học (đạt 77,94%); 13/13 học sinh hoàn thành chương trình tiểu học (đạt 100%); có 19/68 học sinh được khen thưởng cuối năm, đạt 27,94%.
Ðối với trẻ em lang thang cơ nhỡ, tổ chức được 3 lớp học linh hoạt (lớp ghép) cho trẻ em lang thang, cơ nhỡ theo kế hoạch dạy học; thời khóa biểu được điều chỉnh phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện của địa phương. Nội dung học tập, tập trung vào các môn Tiếng Việt, Toán nhằm rèn kỹ năng đọc, viết và tính toán.
Trong “Tháng hành động vì trẻ em” năm 2021, ngày 26/5, Liên đoàn lao động (LÐLÐ) TP Cần Thơ tổ chức đoàn đến trao 400 phần quà cho học sinh vượt khó học giỏi trên địa bàn: tặng100 phần quà cho học sinh huyện Cờ Ðỏ; 100 phần quà cho học sinh huyện Thới Lai; 100 phần quà cho học sinh quận Thốt Nốt; quận Cái Răng 50 phần và quận Bình Thủy 50 phần. Mỗi phần quà trị giá từ 300.000 đồng trở lên, do công đoàn các cấp, công nhân viên chức lao động, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đóng góp.
Dịp tổng kết năm học 2020-2021, từ các nguồn vận động, LÐLÐ thành phố đã phối hợp trao tặng 800 phần quà (gồm: dụng cụ học tập và học bổng) cho học sinh vượt khó, học giỏi với tổng trị giá trên 250 triệu đồng. Qua đó, góp phần động viên, khích lệ tinh thần con em công nhân, viên chức, lao động có hoàn cảnh khó khăn vượt khó, phấn đấu học tập, trở thành con ngoan, trò giỏi.
Mới đây, Sở LÐ-TB&XH thành phố trao hỗ trợ cho 3 cháu mồ côi do dịch Covid-19, mỗi trường hợp 5 triệu đồng, do Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam vận động. Ngoài ra, Ðoàn còn tặng các em áo phao, nón bảo hiểm, tập học. Theo Sở LÐ-TB&XH, có 11 trường hợp mồ côi cha mẹ, cha hoặc mẹ do dịch Covid -19 được xem xét, hỗ trợ. Ngoài 3 trường hợp trên, các trẻ em còn lại, Sở chuyển các phần hỗ trợ về để địa phương trao trực tiếp cho gia đình; đồng thời, tiếp tục rà soát các trường hợp trẻ em mồ côi do dịch Covid-19 để giúp đỡ kịp thời.
Sáng 16/10, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an TP Cần Thơ đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có trẻ bị mồ côi do đại dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố và chỉ đạo Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ và Công đoàn Công an thành phố phối hợp với Công an các quận, huyện triển khai thực hiện mô hình “Tình thương cho em - hậu Covid” nhận đỡ đầu cho tất cả 11 em mồ côi cha hoặc mẹ với hình thức bảo trợ học tập cho các em đến năm 18 tuổi. Duy trì mức hỗ trợ tối thiểu 3 triệu đồng/năm/em để mua sách vở, đồng phục, đồ dùng học tập… Ngoài ra, Công an thành phố sẽ mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể cho các em; phối hợp chặt chẽ với chính quyền, đoàn thể địa phương quan tâm, hỗ trợ các em được học tập và phát triển…
Những hoạt động thiết thực vì trẻ em như nêu trên của người lớn dành cho trẻ em ở TP Cần Thơ ngày càng được các cấp lãnh đạo quan tâm, cộng đồng xã hội ủng hộ, chung tay góp sức… Điều này chứng tỏ rằng công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em ở TP Cần Thơ ngày càng được đẩy mạnh, nâng cao chất lượng. Đây cũng là nguồn cổ vũ, động viên, bù đắp những thiệt thòi cho trẻ, đồng thời tiếp thêm nghị lực để các em viết tiếp những ước mơ của mình trong tương lai.