Cuộc sống hiện đại với nhiều áp lực, cùng với việc chủ quan, thiếu quan tâm đến những triệu chứng ban đầu, vì vậy ở Cần Thơ nói riêng, nước ta nói chung, ngày càng có nhiều người bị mắc bệnh rối loạn tâm thần.
Khánh thành Bệnh viện tâm thần thành phố Cần Thơ
Rối loạn tâm thần là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến hiện nay, để giúp cho người bệnh có điều kiện chăm sóc và chữa bệnh vừa qua thành phố Cần Thơ đã đưa vào hoạt động Bệnh viện Tâm thần Cần Thơ mới được xây dựng tại phường Phước Thới, quận Ô Môn. Đây là trung tâm y tế hiện đại, cung cấp các dịch vụ khám, điều trị sức khỏe tâm thần cho bệnh nhân ở Cần Thơ và các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, còn là trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học trong điều trị, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho các đơn vị chuyên khoa tâm thần tuyến dưới.
Kiểm tra công tác khám, điều trị bệnh nhân tâm thần ở Cần Thơ
Trong những năm qua, Cần Thơ là một trong những địa phương luôn dành nhiều sự quan tâm đến việc điều trị cho bệnh nhân tâm thần nhằm giúp họ sớm khỏi bệnh, có cuộc sống ổn định. Để làm được điều này, thành phố đã tiến hành khảo sát, khám sàng lọc để sớm phát hiện ra những người mắc chứng rối loạn tâm thần. Theo thống kê, hiện Cần Thơ có khoảng trên 3.000 người động kinh và tâm thần phân liệt tại cộng đồng.
Thành phố Cần Thơ đã tổ chức quản lý điều trị cho những người này, tất cả các bệnh nhân đều được cấp thuốc miễn phí điều trị tại Trạm Y tế xã, phường... Riêng tại Bệnh viện Cần Thơ, trung bình mỗi năm thu nhận điều trị 1.000 bệnh nhân nội trú và khám điều trị ngoại trú 25.000 lượt bệnh nhân.
Khắc phục tình trạng trang thiết bị, nhà của cũ kỹ, thiếu thốn cùng với số giường bệnh hạn chế, việc xây mới Bệnh viện Tâm thần Cần Thơ sẽ đáp ứng việc khám, điều trị nội trú và ngoại trú cho những người bệnh tâm thần; tiếp nhận mọi trường hợp cấp cứu, bệnh nặng, bệnh phức tạp do gia đình người bệnh đưa đến hoặc do các cơ sở y tế chuyển đến.
Cùng với việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tâm thần, Cần Thơ còn đặc biệt coi trọng công tác thông tin tuyên truyền nhằm mục đích giúp người dân có biện pháp phòng ngừa, sớm phát hiện khi bị bệnh để kịp thời chữa trị. Và điều quan trọng nhất là tránh sự kỳ thị, coi thường xa lánh người bệnh của gia đình và xã hội. Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền cũng giúp cho bệnh nhân và người nhà của họ biết cách chăm sóc, giúp đỡ, bảo vệ người bệnh. Hiểu rõ quy trình, cách thức chăm sóc, hỗ trợ, động viên người bệnh.
Người bệnh tham gia lao động để rèn luyện sức khỏe
Điều trị bệnh tâm thần cần có thời gian dài từ 6 tháng đến 1 năm. Trong thời gian này, gia đình và cộng động nên quan tâm, kịp thời phát hiện để ngăn chặn những hành động tiêu cực của người bệnh. Khi phát hiện thấy những biểu hiện không bình thường, hiện tượng thiếu tập trung, trầm cảm của người khác, gia đình, người thân nên đưa bệnh nhân đến khám bác sĩ chuyên khoa tại bệnh viện.
Khác với các loại bệnh khác, điều trị, chăm sóc bệnh nhân tâm thần rất cần sự chung tay của cộng đồng xã hội. Để làm được điều này, ngoài việc tuyên truyền, Cần Thơ còn đẩy mạnh việc vận động mọi người chung tay góp sức hỗ trợ cả vật chất lẫn tinh thần cho đối tượng này. Ngoài ra thành phố còn chủ động xây dựng kế hoạch quản lý, điều trị cho người bệnh, trong đó coi trọng việc tổ chức dạy nghề, tổ chức lao động sản xuất, giải quyết việc làm phù hợp để bệnh nhân nhanh khỏi bệnh sớm hòa nhập cộng đồng.
Người bệnh tham gia học nghề
Hiện nay, Cần Thơ đang có nhiều nhiều chương trình thiết thực hỗ trợ người tâm thần như thông tin các dịch vụ chính sách của Nhà nước, Chăm sóc sức khỏe tâm thần, lao động và vật lý trị liệu... Thành phố còn có nhiều chương trình vận động các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, các nhà thiện nguyện… tham gia xã hội hóa cơ sở vật, dụng cụ phục hồi chức năng, dụng cụ thể thao, phục vụ người tâm thần, từng bước tổ chức thực hiện dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng người tâm thần. Nhờ vậy, bệnh nhân tâm thần tại đây đã được quan tâm chăm sóc ngay từ ban đầu và được điều trị tốt hơn.